Dấu ấn của kỳ họp thứ 6 Quốc hội Khóa XIII

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII được xem là kỳ họp dài nhất trong các kỳ họp Quốc hội, bàn thảo nhiều vấn đề quan trọng như Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và các dự án luật, gồm Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Tiếp công dân; Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật; Luật Đấu thầu (sửa đổi)…

 

Nhiều ý kiến tâm huyết góp ý sửa đổi Hiến pháp


Sau kỳ họp thứ 5, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã nghiêm túc nghiên cứu tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội. Đồng thời tiếp tục tiếp nhận tổng hợp và nghiên cứu tiếp thu ý kiến của nhân dân về dự thảo Hiến pháp. Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương cũng đã thảo luận và cho nhiều ý kiến chỉ đạo quan trọng để Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp hoàn thiện dự thảo.

 

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, thay mặt Chính phủ trình bày Báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ ba, thứ tư và thứ năm. Ảnh: Lâm Khánh -TTXVN


Tại Kỳ họp này, Quốc hội tiếp tục dành thời gian thảo luận ở tổ và tại hội trường về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Theo ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, nhìn chung các đại biểu Quốc hội tán thành với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp và cho rằng dự thảo đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, có chất lượng, phản ánh được ý chí, nguyện vọng của đông đảo tầng lớp nhân dân. Các vị đại biểu Quốc hội cũng góp nhiều ý kiến vào một số nội dung cụ thể của dự thảo.


Nhiều đại biểu cho rằng Dự thảo đã thể hiện được mục tiêu, quan điểm, định hướng lớn, những vấn đề có tính nguyên tắc về bản chất của Nhà nước và chế độ đã được nêu trong Nghị quyết của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội. Bên cạnh đó, Dự thảo Hiến pháp đã phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân và phù hợp với tình hình của đất nước. Nhiều ý kiến đánh giá, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã xác lập cơ chế bảo đảm phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thể hiện sự đổi mới về tổ chức hoạt động của chính quyền địa phương.


Nhiều đại biểu quan tâm đến “hậu chất vấn”


Nét mới của kỳ họp này, là Quốc hội đã nghe và thảo luận Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3, thứ 4 và thứ 5 do Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ trình bày. Các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận, đặt câu hỏi về nhiều nội dung với các bộ trưởng, trưởng ngành, Thủ tướng Chính phủ trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Các nội dung này được cử tri và nhân dân cả nước quan tâm.


Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) cho biết: “Tôi quan tâm tới hậu chất vấn. Tôi nghĩ chủ tọa điều hành phiên chất vấn cần hướng các thành viên Chính phủ trả lời làm rõ trách nhiệm và lộ trình thực hiện của các bộ, ngành liên quan. Từ đó mới làm rõ hậu chất vấn, mới làm rõ trách nhiệm cá nhân, xác định lộ trình thực hiện và hành động thực tiễn của các bộ, ngành và kể cả của Chính phủ”. Nhiều đại biểu cũng cho rằng, trong điều hành chất vấn, cần có nhóm vấn đề để hướng các đại biểu đặt câu hỏi xác định trách nhiệm các bộ, ngành cùng những tồn tại yếu kém để bộ trưởng, trưởng ngành xác định trách nhiệm, xác định lộ trình để khắc phục những tồn tại, yếu kém, chứ không phải đi chất vấn để biết thông tin.


Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) cũng cho rằng: Nhiều câu chất vấn có thể làm hài lòng hoặc chưa hài lòng đại biểu, nhưng cái nhìn thấy là hành động của “tư lệnh ngành” sau chất vấn. Cụ thể là việc rà soát lại các công trình thủy điện, tìm nguyên nhân việc thủy điện nhỏ xả lũ gây ra lũ lụt, thiệt hại về người và tài sản của nhân dân.


Nhiều đại biểu cũng đánh giá, thành công của kỳ họp này là qua thảo luận của các đại biểu Quốc hội tại tổ và trên hội trường, nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, an sinh xã hội… được nhiều đại biểu phát biểu tâm huyết. Nghị quyết về kinh tế - xã hội đất nước năm 2014 mà Quốc hội thông qua đã xác định rõ những thể chế ưu tiên cần phải ban hành để thúc đẩy việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, sớm ban hành quy định về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào tam nông, tiếp nữa là về thể chế hóa đề án tái cơ cấu đầu tư công bằng Luật đầu tư công.


Nhiều đại biểu bày tỏ quan điểm cần giám sát chuyên đề về thủy điện và trồng cao su. Cử tri rất ủng hộ khi Quốc hội đã làm rõ những nguyên nhân, tồn tại của các bộ, ngành, địa phương trong việc quy hoạch tràn lan thủy điện, nhất là làm rõ nguyên nhân trách nhiệm cá nhân trong việc kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm đối với việc quy hoạch, đầu tư xây dựng thủy điện. Từ đó Quốc hội tiếp tục giám sát việc rà soát các dự án thủy điện, kể cả những dự án đang tạm dừng xem xét chủ trương đầu tư sau năm 2015.

 

Nguyễn Viết Tôn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN