Theo Phó Thủ tướng, trong 12 dự án yếu kém ngành Công Thương, đã đề xuất Bộ Chính trị cho chủ trương xử lý đối với 8 dự án, còn 4 dự án. Đối với Nhà máy Bột giấy Phương Nam, Chính phủ đã cho ý kiến, Bộ Công Thương cần hoàn chỉnh sớm để trình Bộ Chính trị. Dự án Nhà máy Đóng tàu Dung Quất đã được Ban Chỉ đạo cho ý kiến, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tiếp tục hoàn thiện phương án, báo cáo với Thường trực Chính phủ để trình Bộ Chính trị.
Nhấn mạnh việc xử lý đối với hai dự án TISCO 2 và thép Việt Trung là khó, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm, đã có nhiều ý kiến chỉ đạo. Bộ Chính trị cũng đã có 3 văn bản chỉ đạo. Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cùng các bộ, ngành và doanh nghiệp đã rất tích cực xử lý nhưng vì vấn đề tồn tại đã lâu, nên việc xử lý gặp nhiều khó khăn. Trong năm nay, nếu trình xong 2 dự án này sẽ cơ bản thực hiện xong việc xử lý 12 dự án tồn đọng kéo dài.
Đối với dự án thép Việt Trung, cơ bản các ý kiến thành viên Ban Chỉ đạo thống nhất theo hướng “giao lại cho Tổng Công ty Thép Việt Nam, với phần vốn chủ sở hữu 46%, căn cứ theo quy định của pháp luật và thẩm quyền để tham gia cơ cấu lại dự án”. Phó Thủ tướng yêu cầu, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phân tích rõ các nội dung liên quan đến thực tiễn triển khai dự án, làm rõ quan điểm, khó khăn, vướng mắc và căn cứ pháp luật để trình phương án đảm bảo khả thi, rõ ràng về trách nhiệm, cũng như tính toán các khả năng có thể xảy ra để có biện pháp phù hợp.
Đối với dự án TISCO 2, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh “đây là dự án rất phức tạp, chủ yếu là vướng mắc liên quan đến hợp đồng EPC”. Thanh tra Chính phủ đã có kết luận với dự án này. Cơ quan chức năng đã xử lý trách nhiệm hành chính, trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, vẫn còn vướng mắc trong xử lý vấn đề liên quan đến kinh tế. Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ là phải giải quyết dứt điểm các vướng mắc liên quan đến hợp đồng EPC rồi mới đề xuất các nội dung tiếp theo.
Để giải quyết vấn đề này, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng như ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo cơ bản thống nhất đề nghị cấp có thẩm quyền cho chủ trương giải quyết theo hướng thỏa thuận với đối tác để đi đến thanh lý hợp đồng EPC. Tuy nhiên, việc giải quyết theo hướng này, cũng phải tuân thủ những nguyên tắc.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phân tích, đánh giá kỹ lưỡng, làm rõ các nguyên tắc, căn cứ, lý do đề xuất trên cơ sở bảo đảm công khai, minh bạch, hài hòa và chia sẻ giữa các bên, hoàn thiện phương án thực sự thuyết phục, bảo đảm “trình là xong”. Đồng thời cũng phải làm rõ các phương án xử lý tiếp theo nếu chủ trương được các cấp có thẩm quyền chấp thuận.
Báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho thấy, với phương án xử lý dự án thép Việt Trung, đã nghiên cứu và báo cáo 6 phương án xử lý: (1) Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL) mua lại phần vốn góp của Công ty hữu hạn khống chế Cổ phần gang thép Côn Minh - Trung Quốc (KISC); (2) chuyển nhượng phần vốn góp của VNSTEEL cho các bên liên doanh; (3) VNSTEEL và KISC cùng thoái vốn; (4) mời gọi nhà đầu tư mới thông qua phát hành vốn điều lệ; (5) khôi phục sản xuất kinh doanh, (6) dừng hoạt động hoặc phá sản doanh nghiệp.
Với phương án xử lý dự án TISCO 2, đã nghiên cứu và báo cáo 4 phương án xử lý: (1) tiếp tục thực hiện khôi phục dự án theo hợp đồng với Tập đoàn Khoa học Công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC); (2) TISCO khôi phục, cải tạo và nâng công suất dự án sau khi chấm dứt hợp đồng EPC với MCC; (3) VNSTEEL thoái toàn bộ vốn tại TISCO; (4) dừng dự án.
Phương án tiếp tục thực hiện khôi phục dự án theo hợp đồng với MCC là không khả thi và chưa thực hiện được ngay tại thời điểm hiện nay do thực trạng dự án tồn đọng, chưa thể giải quyết được, không áp dụng được quy định của pháp luật hiện hành để xử lý đối với dự án. Dừng dự án có tác động tiêu cực dẫn đến TISCO phá sản và VNSTEEL sẽ mất toàn bộ phần vốn đã đầu tư, gây nhiều thiệt hại cho các bên.
Phương án khôi phục, cải tạo, nâng công suất dự án dựa trên các số liệu ước tính, chưa có độ chính xác cao để khẳng định tính khả thi và hiệu quả của phương án. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo làm dứt điểm dự án tồn đọng rồi mới triển khai mới. Do đó, để có thể đánh giá, lựa chọn phương án hiệu quả, khả thi, cần sớm xử lý để chấm dứt hợp đồng EPC theo phương án thỏa thuận.
Đề xuất của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đối với dự án thép Việt Trung, giao doanh nghiệp này chủ động thống nhất với các bên liên doanh lựa chọn phương án xử lý như tái cơ cấu phần vốn đầu tư bằng cách chuyển nhượng, phát hành thêm vốn cho các đối tác khác thực hiện các thủ tục giải thể, phá sản doanh nghiệp, khôi phục sản xuất theo quy định của pháp luật, điều lệ của thép Việt Trung bảo đảm hiệu quả, khả thi, giảm thiểu thiệt hại cho Nhà nước. Lý do là qua 5 năm thực hiện phương án xử lý, thép Việt Trung không nâng được hiệu quả sản xuất kinh doanh, chưa khắc phục được thua lỗ, hiện không đủ điều kiện để tiếp tục hoạt động. Việc tiếp tục thực hiện phương án xử lý dự án theo Đề án 1408 là không khả thi và sẽ kéo dài quá trình xử lý dự án.
Đối với dự án TISCO 2, Ủy ban kiến nghị thông qua nội dung phương án xử lý dự án để trình Bộ Chính trị theo hướng cho phép TISCO đàm phán hợp đồng theo hình thức thỏa thuận và được sử dụng kết quả để đàm phán để kết thúc hợp đồng EPC với MCC. Thời gian đàm phán kết thúc hợp đồng khoảng 6 tháng kể từ khi cấp có thẩm quyền cho phép áp dụng kết quả đàm phán.
Lý do đề xuất phương án xử lý này là để giải quyết dứt điểm vướng mắc của hợp đồng EPC với MCC và giảm thiểu thiệt hại cho TISCO, có thể xây dựng được phương án khôi phục dự án tối ưu hoặc khả thi trên cơ sở tận dụng tối đa, không làm lãng phí thiết bị, công trình đã đầu tư dở dang. Thỏa thuận chấm dứt hợp đồng EPC sẽ đẩy nhanh tiến độ xử lý dứt điểm hợp đồng để TISCO sớm tiếp cận được các thiết bị, tài sản mà MCC nhiều năm chưa bàn giao, làm cơ sở để xây dựng các phương án xử lý tiếp theo. Thỏa thuận có thể giảm thiểu thiệt hại về kinh tế cho TISCO…
Góp ý với phương án của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các thành viên Ban Chỉ đạo đề xuất cấp có thẩm quyền chuyển dự án thép Việt Trung ra khỏi danh sách xử lý các dự án yếu kém để các bên tham gia liên doanh quyết định trên cơ sở quy định của pháp luật về kinh tế, đầu tư.
Đối với dự án TISCO 2, các ý kiến cho rằng vướng mắc nhất hiện nay là xử lý dứt điểm các vấn đề liên quan đến hợp đồng EPC. Tuy nhiên, việc tiếp tục thực hiện hợp đồng là rất rủi ro. Và khi đã không thể hoàn thiện được hợp đồng thì chỉ còn cách “kết thúc trong trạng thái dở dang”. Đây cũng là giải pháp hợp lý nhất, “ít mất mát nhất”. Các ý kiến cũng cho rằng nên sử dụng cơ chế thỏa thuận, thống nhất với phía đối tác về phương án kết thúc hợp đồng; xây dựng các kịch bản thực hiện thỏa thuận; làm rõ các vướng mắc và căn cứ đề xuất cơ chế đặc thù… để báo cáo cấp có thẩm quyền cho chủ trương, trên cơ sở đó mới xử lý dứt điểm được dự án.