Ngày 27/3, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phối hợp tổ chức cuộc họp xem xét việc chấp hành các quy định của pháp luật về đấu tranh phòng chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình chủ trì cuộc họp.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Mỗi năm giám định 2.000 vụ có dấu hiệu bị xâm hạiTại cuộc họp, các cơ quan hữu quan xem xét việc chấp hành các quy định của pháp luật về đấu tranh phòng chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em với mục đích đánh giá khách quan và toàn diện về thực trạng, tình hình xâm hại tình dục trẻ em; xác định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức hữu quan và đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường hơn nữa biện pháp bảo vệ, chăm sóc trẻ em, đặc biệt là phòng chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.
Phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, qua nhiều kênh thông tin cho thấy tình trạng trẻ em, trẻ em nữ bị xâm hại tình dục có xu hướng diễn biến phức tạp, mức độ nghiêm trọng, gây tâm lý lo lắng cho các gia đình có trẻ em, gây bức xúc trong xã hội. Điều này đòi hỏi các cơ quan có thẩm quyền, các tổ chức đoàn thể và xã hội phải có sự phối hợp vào cuộc tích cực để lên án mạnh mẽ, đấu tranh phòng chống quyết liệt loại tội phạm này.
Qua báo cáo của các cơ quan có thẩm quyền cho thấy, tình hình trẻ em xâm hại bị tình dục đang có diễn biến phức tạp và ngày càng nghiêm trọng. Một số vụ việc đặc biệt nghiêm trọng với đối tượng bị xâm hại là trẻ em nhỏ tuổi, xâm hại gây tổn thương nặng nề đến thể chất, tinh thần trẻ em thậm chí dẫn tới trẻ em bị tử vong hoặc tự tử.
Đối tượng xâm hại tình dục trẻ em phần lớn là những người quen, họ hàng, hàng xóm. Điều này cho thấy sự suy đồi đạo đức, coi thường tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm của phụ nữ, trẻ em gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong 5 năm (2012 - 2016), cả nước phát hiện trên 8.200 vụ xâm hại trẻ em, với gần 10.000 nạn nhân, trong đó số vụ bị xâm hại tình dục chiếm tới 5.300 vụ.
Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế Nguyễn Huy Quang cho biết, hàng năm các cơ quan giám định khoảng 2.000 vụ có dấu hiệu bị xâm hại tình dục trẻ em. Trong năm 2016 và quý I/2017, Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã khám và chăm sóc cho 33 trẻ bị xâm hại tình dục, trong đó trẻ ít tuổi nhất là 4 tuổi, ngoài ra còn có 29 trẻ dưới 16 tuổi sinh con.
Mới chỉ là những vụ việc được báo cáoTuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Hồng Lan cho rằng, những con số này chỉ là những vụ việc được báo cáo, còn rất nhiều vụ nạn nhân bị kẻ xâm hại dọa dẫm hoặc vì lý do nào đó đã không được thống kê.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết năm 2012, Ủy ban (khóa XIII) đã giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2008 - 2010. Kết quả giám sát chỉ ra những tồn tại hạn chế, như công tác quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em còn nhiều yếu kém.
Đoàn giám sát đã đưa ra nhóm giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em như ban hành quy trình thống nhất liên ngành về can thiệp các trường hợp trẻ em bị xâm hại từ khâu tiếp nhận thông tin; đưa nội dung bảo vệ trẻ em vào chương trình đào tạo tại các cơ sở đào tạo luật, công an, kiểm sát, tòa án, bổ trợ tư pháp, lao động xã hội nhằm tăng cường bảo vệ, hỗ trợ trẻ em bị hại một cách hiệu quả…
Tuy nhiên, sau 5 năm nhiều nội dung như đánh giá thực trạng, tồn tại hạn chế và nguyên nhân của báo cáo giám sát tiếp tục được nhắc lại trong các báo cáo của các cơ quan có thẩm quyền về thực hiện quy định của pháp luật về đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.
Theo ông Phan Thanh Bình, cơ quan hữu quan cần có đánh giá xu hướng tội phạm một cách khách quan, chính xác; bổ sung các nội dung về thực hiện kết luận giám sát của Quốc hội trước đây, làm rõ trách nhiệm cụ thể của các bộ, ngành và vai trò của các tổ chức, đoàn thể...