Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã trình bày Báo cáo một số ý kiến về điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết số 53/2017/QH14. Theo đó, liên quan đến việc bố trí nguồn vốn cho dự án cũng đang còn ý kiến khác nhau, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy, theo quy định tại khoản 1 Điều 68 và khoản 5 Điều 101 của Luật Đầu tư công, kế hoạch đầu tư công năm 2020 chỉ được giải ngân đến hết ngày 31/12/2021; kế hoạch đầu tư công năm 2021 của Dự án đã được Chính phủ cho phép kéo dài giải ngân đến ngày 31/12/2022. Do đó, đến thời điểm hiện nay, toàn bộ số vốn kế hoạch năm 2020, 2021 còn lại chưa giải ngân hết đã bị hủy dự toán theo quy định.
Về nguyên tắc, UBND tỉnh Đồng Nai phải nộp toàn bộ số vốn chưa giải ngân hết của năm 2020, 2021 về ngân sách trung ương. Do đó, số tiền 2.510,372 tỷ đồng (trong đó bao gồm 1.543,623 tỷ đồng thuộc kế hoạch vốn năm 2021 và 966,749 tỷ đồng thuộc kế hoạch vốn năm 2020) đã hủy dự toán theo quy định của pháp luật nên phương án Chính phủ đề xuất tại Tờ trình số 558/TTr-CP ngày 16/10/2023 không thể thực hiện được.
Tuy nhiên, theo Báo cáo số 12684/BC-BGTVT ngày 7/11/2023 của Bộ Giao thông vận tải về tiếp thu, giải trình các ý kiến đại biểu Quốc hội tại Tổ về điều chỉnh một số nội dung tại Nghị quyết số 53/2017/QH14, do khó khăn trong việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cũng như cân đối hằng năm cho Dự án, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân số vốn 2.510,372 tỷ đồng sang năm 2024 để hoàn thành Dự án.
Tham gia ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi cho biết, đây là dự án đầu tiên Đồng Nai được giao làm Tiểu dự án bồi thường tái định cư giải phóng mặt bằng theo quy mô lớn. Quá trình triển khai thực hiện có nhiều khó khăn chưa có tiền lệ nên chưa đáp ứng được yêu cầu về thời gian như mong muốn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai mong muốn được Quốc hội xem xét điều chỉnh thời gian thực hiện, bố trí nguồn ngân sách cho việc triển khai; đồng thời đề nghị Quốc hội thống nhất để Chính phủ có điều chỉnh, sử dụng nguồn vốn hợp lý để triển khai thực hiện, tránh kéo dài dự án hoặc phát sinh khó khăn trong công tác điều hành, phân bổ vốn của địa phương.
Tham gia ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp, rà soát nguồn kế hoạch đầu tư công trung hạn của năm nay, nếu còn thì có thể bổ sung thêm vào phần dự phòng chưa phân bổ của kế hoạch đầu tư công năm 2024. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, nếu nguồn này còn thì có thể xin phép Quốc hội cho bổ sung thêm vào danh mục để có nguồn vốn triển khai thực hiện.
Về phía Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép Chính phủ có thêm thời gian hoàn thiện Tờ trình; rà soát, cân nhắc lại nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2023 hoặc sử dụng nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2024.
Qua thảo luận tại phiên họp cho thấy, đa số các ý kiến đều cơ bản nhất trí với việc cho phép kéo dài thời gian thực hiện Dự án. Kết luận nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, trên cơ sở ý kiến của cơ quan thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý chủ trương kéo dài thời gian thực hiện dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Đối với việc bố trí nguồn vốn cho dự án, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành liên quan, căn cứ quy định của pháp luật, nghiên cứu phương án cụ thể trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội cho ý kiến.
Cũng tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.