Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, chiều 19/6, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường, biểu quyết thông qua Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi) và thảo luận về dự án Luật Hộ tịch. Thông qua Luật Hôn nhân và gia đình Với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua dự án Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi). Theo đó, Luật Hôn nhân và gia đình trình Quốc hội thông qua gồm 10 Chương, 133 Điều, quy định chế độ hôn nhân và gia đình; chuẩn mực pháp lý cho cách ứng xử giữa các thành viên gia đình; trách nhiệm của cá nhân, tổ chức, Nhà nước và xã hội trong việc xây dựng, củng cố chế độ hôn nhân và gia đình.
Về điều kiện kết hôn, Luật quy định, nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo điều kiện nam từ đủ hai mươi tuổi trở lên, nữ từ đủ mười tám tuổi trở lên. Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.
Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi). Ảnh: Phương Hoa - TTXVN |
Xung quanh quy định giải quyết hậu quả của việc nam, nữ sống chung với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn, Luật quy định nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Trong trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng, sau đó thực hiện việc đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật thì quan hệ hôn nhân được xác lập từ thời điểm đăng ký kết hôn.
Liên quan đến điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, Luật quy định, việc này phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các bên và được lập thành văn bản. Vợ chồng có quyền nhờ người mang thai hộ khi có đủ các điều kiện: Có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản; vợ chồng đang không có con chung; đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.
Người được nhờ mang thai hộ phải có đủ các điều kiện, là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ; đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần; ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ; trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng; đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý. Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo không được trái với các quy định trong pháp luật về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản...
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2015.
Thống nhất các quy định của dự án Luật Hộ tịch và các luật khác Thảo luận tại hội trường về dự án Luật Hộ tịch, các ý kiến tán thành sự cần thiết ban hành Luật Hộ tịch nhằm thể chế hóa các quy định mới của Hiến pháp về quyền công dân, quyền con người, phù hợp với lộ trình đã được đặt ra để triển khai thi hành Hiến pháp.
Về phạm vi điều chỉnh và quan hệ giữa hộ tịch - hộ khẩu và căn cước công dân, qua thảo luận, nhiều ý kiến cho rằng, giữa hộ tịch, hộ khẩu và căn cước công dân tuy có mối liên hệ mật thiết với nhau, nhưng có phạm vi, mục đích và cách thức thực hiện khác nhau. Hộ tịch liên quan đến quyền cơ bản của công dân. Còn hộ khẩu và căn cước công dân chủ yếu để phục vụ công tác quản lý trên lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Một số ý kiến cho rằng, các thông tin cơ bản về hộ tịch của công dân như về khai sinh, kết hôn, khai tử... có nhiều thông tin được nêu lại trong các dữ liệu về hộ khẩu, căn cước công dân. Đây đều là vấn đề về quản lý dân cư, nếu để hai bộ quản lý sẽ tạo ra chồng chéo, trùng lắp, gây lãng phí, tốn kém cho Nhà nước và nhất là gây phiền hà cho công dân trong việc kê khai, đăng ký và thực hiện quyền của mình.
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi). Ảnh: Phương Hoa - TTXVN |
Góp ý về vấn đề này đại biểu Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) băn khoăn về vấn đề chưa thống nhất giữa hai dự án Luật Hộ tịch và Luật Căn cước công dân. Theo đại biểu, dự án Luật Hộ tịch quy định giao công chức tư pháp cấp giấy khai sinh và cấp sổ định danh cá nhân cho trẻ em mới sinh từ cơ sở dữ liệu quốc gia do Bộ Công an quản lý. Trong khi đó, Luật Căn cước công dân cũng quy định trẻ em sinh ra được cơ quan công an cấp thẻ căn cước công dân và số định danh cá nhân. Hai dự án này đều do Chính phủ trình nhưng mỗi bộ soạn thảo một dự án luật, Bộ Công an soạn thảo dự án Luật Căn cước công dân, Bộ Tư pháp soạn thảo dự án Luật Hộ tịch. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo rà soát các quy định của dự án Luật Hộ tịch với các quy định của dự án Luật Căn cước công dân để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cho rằng, phạm vi điều chỉnh của dự án Luật Hộ tịch có liên quan chặt chẽ đến các luật khác, đề nghị ban soạn thảo nên rà soát để đảm bảo tính chặt chẽ, đồng bộ, thông suốt giữa dự án Luật Hộ tịch và các luật khác, tránh vướng mắc khi Luật được triển khai trong thực tiễn. Đồng quan điểm, đại biểu Trần Thị Hoa Sinh (Lạng Sơn) cho rằng, dự án Luật Hộ tịch và Luật Căn cước công dân cần phân định rõ hơn nữa để đảm bảo tính khả thi, tránh chồng chéo, trùng lắp khi thực hiện.
Khiếu Tư