Tính đến sáng 8/11, Đắk Lắk ghi nhận 5.149 ca mắc COVID-19, trong đó đang điều trị 2.617 ca và có 28 ca tử vong. Đặc biệt, từ đầu tháng 10 đến nay, tỉnh liên tiếp ghi nhận các chùm ca bệnh trong cộng đồng với số lượng lớn và ở nhiều địa phương khác nhau. Số ca mắc mới trong 7 ngày gần đây là trên 1.000 trường hợp.
Hiện toàn tỉnh có 6 cơ sở thu dung, điều trị theo mô hình tháp 3 tầng. Số lượng bệnh nhân mắc COVID-19 tăng nhanh, tỉnh đã nâng công suất điều trị tại các bệnh viện lên trên 5.500 giường. Trong đó, tỉnh vừa thành lập thêm Bệnh viện Dã chiến số 2 quy mô 1.500 giường; nâng công suất điều trị bệnh nhân trung bình, nặng, nguy kịch của Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên từ 90 giường lên 590 giường. Các bệnh viện tuyến huyện là Trung tâm Y tế huyện Krông Búk (hiện có 230 giường), Bệnh viện Đa khoa Khu vực 333 (300 giường), Bệnh viện Lao và Bệnh phổi (100 giường) sẽ được bố trí thêm từ 5-20 giường bệnh điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 nặng.
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, tăng nhanh về số ca mắc mới, công tác thu dung, điều trị đóng vai trò quan trọng để giảm nguy cơ bệnh nhân chuyển nặng, nguy kịch và tử vong. Tuy nhiên, vấn đề thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 vẫn gặp nhiều khó khăn nhất là ở tầng điều trị bệnh nhân nặng.
Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên hiện là cơ sở điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 trung bình, nặng và nguy kịch vừa được tỉnh quyết định nâng công suất điều trị từ 90 giường lên 590 giường. Bác sĩ Chuyên khoa II Trịnh Hồng Nhựt, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc cho biết, hiện khoa đang điều trị hơn 50 bệnh nhân mắc COVID-19 tầng 3. Thời gian tới khoa được giao thêm nhiệm vụ điều trị bệnh nhân tầng 2 thì nhân lực sẽ thiếu trầm trọng, đặc biệt là bác sĩ, điều dưỡng chuyên ngành hồi sức cấp cứu. “Bên cạnh đó, nhân lực vận hành máy móc kỹ thuật cao như ECMO (tim phổi nhân tạo) dù đã được học nhưng vẫn chưa được triển khai, đây là một trong những kỹ thuật quan trọng để cứu sống bệnh nhân nặng. Một số vật tư tiêu hao, thuốc điều trị còn thiếu và khó mua sắm cũng ảnh hưởng đến công tác điều trị”, bác sĩ Trịnh Hồng Nhựt cho hay.
Theo ông Nguyễn Đại Phong, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, đối với việc điều trị bệnh nhân nặng, nhân lực và trang thiết bị y tế, máy móc vô cùng quan trọng. Khi nâng công suất điều trị lên 590 giường, nhân lực phục vụ thu dung, điều trị sẽ thiếu hụt, nhất là nhân lực phục vụ hồi sức tích cực và phải huy động sự hỗ trợ của các đơn vị khác. Bệnh viện hiện chỉ có gần 20 bác sĩ hồi sức tích cực, do đó bệnh viện đang đào tạo nhân lực tại chỗ, huy động bác sĩ nội, ngoại, sản, nhi… tham gia bồi dưỡng hồi sức tích cực để đáp ứng khả năng điều trị bệnh nhân nặng, nhất là khi số ca bệnh tăng nhanh. Bên cạnh đó, trang thiết bị, máy móc phục vụ điều trị bệnh nhân nặng cũng thiếu; Bệnh viện đang chờ sự hỗ trợ của Sở Y tế, Bộ Y tế cũng như các tỉnh, thành khác và các bệnh viện tuyến Trung ương. Các gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ thu dung, điều trị đang được Sở Y tế đẩy nhanh tiến độ.
Trước sự gia tăng đột biến số ca mắc COVID-19, từ ngày 1/11, tỉnh Đắk Lắk đã thành lập thêm Bệnh viện dã chiến số 2 với quy mô 1.500 giường. Tính đến sáng ngày 8/11, cơ sở này đã tiếp nhận 633 bệnh nhân.
Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Khắc Dũng, Giám đốc Bệnh viện dã chiến số 2 cho biết, Bệnh viện vừa tiếp nhận bệnh nhân, vừa triển khai sửa chữa, hoàn thiện hệ thống điện, nước, giường bệnh, chuẩn bị trang thiết bị, máy móc cho các khu điều trị để kịp thời tiếp nhận thêm bệnh nhân vào điều trị. Hiện nhân lực và cơ sở vật chất vẫn đáp ứng được số lượng bệnh nhân vào điều trị tại Bệnh viện. Tuy nhiên, trong thời gian tới, khi số lượng bệnh nhân tăng lên, Bệnh viện đề nghị Sở Y tế huy động, sắp xếp, bố trí thêm nhân lực, cơ sở vật chất phù hợp để đảm bảo công tác thu dung, điều trị.
Còn theo đại diện của Trung tâm Y tế huyện Krông Búk, một trong những khó khăn trong công tác thu dung, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 hiện nay là thời gian trả kết quả xét nghiệm bằng phương pháp Realtime RT-PCR còn khá chậm, dẫn đến chậm trễ trong việc xác định bệnh nhân đủ điều kiện ra viện và đưa bệnh nhân mắc mới nhập viện. Điều này vô tình gây áp lực lên cơ sở điều trị, nhất là khi số ca bệnh tăng nhanh trong thời gian qua.
Để nâng cao năng lực điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 của tỉnh Đắk Lắk, đoàn công tác của Bệnh viện Bạch Mai đang có mặt tại Đắk Lắk để chuyển giao kỹ thuật ECMO và hỗ trợ Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên hoàn thiện trung tâm hồi sức cấp cứu.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Quốc Thái, Phó trưởng Khoa Cấp cứu, Trung tâm bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Kỹ thuật ECMO là kỹ thuật cao đã cứu sống rất nhiều bệnh nhân mắc COVID-19 nặng. Kỹ thuật này có ý nghĩa then chốt, quyết định đem lại cuộc sống cho những người tưởng chừng không còn khả năng cứu chữa. Với ý nghĩa và tầm quan trọng như vậy, trong đợt công tác này, đoàn sẽ nỗ lực chuyển giao kỹ thuật này cho Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên,.
“Đoàn công tác cũng nỗ lực hỗ trợ Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên xây dựng, hoàn thiện đơn vị điều trị hồi sức. Bên cạnh đó, tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo hỗ trợ nhân lực, rà soát, củng cố kiến thức, kỹ năng theo hướng “cầm tay chỉ việc” cho đội ngũ y, bác sĩ tại địa phương, cố gắng cùng các y, bác sĩ ở đây xây dựng các đơn vị hồi sức, các đơn vị điều trị đảm đương được nhiệm vụ chăm sóc, điều trị các bệnh nhân mắc COVID-19 một cách tốt nhất cho Đắk Lắk và khu vực Tây Nguyên”, bác sĩ Nguyễn Quốc Thái nhấn mạnh.
Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk Nay Phi La cho biết, trước tình hình số ca bệnh tăng nhanh và dự báo còn diễn biến phức tạp, bên cạnh huy động các lực lượng, nguồn lực tại chỗ để nâng cao khả năng thu dung, điều trị bệnh nhân, ngành y tế đã kiến nghị Bộ Y tế, các tỉnh, thành như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương… hỗ trợ Đắk Lắk nhân lực, thuốc, trang thiết bị máy móc, cơ sở vật chất để phục vụ chống dịch trong giai đoạn này.
Để hỗ trợ tỉnh Đắk Lắk chống dịch, Bộ Y tế quyết định thành lập Tổ công tác của Bộ do Tiến sĩ Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh làm Tổ trưởng, để hỗ trợ tỉnh Đắk Lắk chống dịch từ ngày 8/11.