Đại sứ quán Việt Nam tại Lào thúc đẩy mạnh mẽ ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa

Năm 2023 là một năm thành công vượt trội của ngành ngoại giao Việt Nam, góp phần giúp Việt Nam nâng cao tiềm lực, vị thế và uy tín trên trường quốc tế.

Có được những thành công đó không thể thiếu sự đóng góp của các cơ quan đại diện của Việt Nam trên thế giới. Phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn đã có cuộc trao đổi với Đại sứ Việt Nam tại Lào, ông Nguyễn Bá Hùng về những thành tựu và khó khăn của Đại sứ quán trong năm 2023, đặc biệt là trong lĩnh vực ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn.

Chú thích ảnh
Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng. Ảnh tư liệu: Phạm Kiên/Pv TTXVN tại Lào


Xin Đại sứ chia sẻ về những thành tựu và khó khăn của Đại sứ quán trong năm 2023, đặc biệt là trong lĩnh vực ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa?

Cùng với sự phát triển không ngừng của mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, được sự quan tâm tạo điều kiện, hỗ trợ của các cấp, các ngành hai nước Việt Nam và Lào, sự nỗ lực của toàn thể cán bộ nhân viên cơ quan đại diện, năm 2023, Đại sứ quán Việt Nam tại Lào đã đạt được những thành tựu hết sức quan trọng trên tất cả các lĩnh vực công tác, đặc biệt là trong lĩnh vực ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa.    

Thực hiện tinh thần chỉ đạo của hai lãnh đạo cấp cao Việt Nam - Lào về việc phải thúc đẩy hợp tác kinh tế xứng tầm với quan hệ chính trị, ngoại giao và an ninh, quốc phòng, ngay từ đầu năm, chúng tôi đã xác định rõ công tác ngoại giao kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm của Đại sứ quán trong năm 2023. Trên tinh thần đó, Đại sứ quán đã tích cực, chủ động tham gia, thúc đẩy các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp hai nước triển khai hiệu quả các thỏa thuận, hiệp định hợp tác đạt được tại Kỳ họp lần thứ 45 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Lào. Đến nay, Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì vị trí trong tốp đầu về đầu tư nước ngoài tại Lào, kim ngạch thương mại song phương tăng trưởng khá. Một số dự án, công trình trọng điểm đã hoàn thành theo kế hoạch như sân bay Nongkhang tại tỉnh Huaphanh; Bệnh viện Hữu nghị Lào-Việt tại tỉnh Xiengkhuang đã được bàn giao, đưa vào khai thác sử dụng tháng 5/2023, tạo điểm nhấn và được lãnh đạo cấp cao Lào đánh giá cao. Nhiều dự án hợp tác giữa hai bên được Đại sứ quán quan tâm thúc đẩy như Dự án Phát triển cảng Vũng Áng 1, 2 và 3 đã cơ bản đạt được thỏa thuận, đang triển khai các thủ tục cần thiết để tiến hành xây dựng và vận hành trong thời gian sớm nhất; các dự án xây dựng tuyến cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn, tuyến đường sắt Vũng Áng - Viêng Chăn cũng được tích cực thúc đẩy, tìm nguồn lực, chuẩn bị triển khai.

Một thành tựu quan trọng trong năm 2023, đó là Đại sứ quán đã chủ động tham gia, phối hợp giải quyết các khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào, thúc đẩy, tìm kiếm các nhà đầu tư mới từ Việt Nam có chất lượng tiếp tục sang Lào đầu tư vào các lĩnh vực tiềm năng về năng lượng tái tạo sạch, về khoáng sản, về nông nghiệp của Lào. Một làn sóng đầu tư mới của Việt Nam sang Lào đang xuất hiện với nhiều tập đoàn lớn có năng lực như VietJet Air, VinGroup, Việt Phương cùng các dự án lớn, chất lượng.

Cùng với đó, Đại sứ quán đã chủ trì tổ chức thành công nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư, gặp mặt doanh nghiệp Việt Nam tại Lào nhân các chuyến thăm của các đồng chí lãnh đạo cấp cao ta, qua đó đã động viên, thúc đẩy, tạo được niềm tin cho doanh nghiệp Việt Nam hoạt động đầu tư tại địa bàn.

Trong lĩnh vực ngoại giao văn hóa, Đại sứ quán đã thực hiện, phối hợp với Trung tâm Văn hóa Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động tại địa bàn như Hội chợ Xuân Quý Mão 2023, triển lãm ảnh “Di sản thế giới của Việt Nam và Lào”, “Đất nước, con người và văn hóa Việt Nam”; phối hợp tổ chức nhiều đoàn nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam – Lào tới thăm những di sản văn hóa Lào ở thủ đô Viêng Chăn, tỉnh Luang Prabang và Xiengkhuang để sáng tác ảnh và mở triển lãm tại Lào; mời các đoàn nghệ thuật trong nước sang giao lưu, biểu diễn phục vụ cộng đồng người Việt Nam tại Lào và các bạn Lào cũng như tích cực tham gia các hoạt động văn hóa do các cơ quan của Lào và Ngoại giao đoàn tại Lào tổ chức… Các hoạt động đó đã góp phần lan tỏa hình ảnh, để các bạn Lào và bạn bè quốc tế hiểu sâu sắc hơn về đất nước, con người, những nét đặc trưng tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Bên cạnh các hoạt động quảng bá văn hóa, trong năm 2023, Đại sứ quán đã tích cực triển khai các hoạt động tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Lào với nhiều hình thức phong phú và đạt được những kết quả quan trọng như tổ chức lễ Dâng hương tại Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại bản Xiengvang, huyện Nongbok, tỉnh Khammuane với sự tham dự của đại diện chính quyền Lào và đông đảo bà con kiều bào nhân kỷ niệm 133 năm ngày sinh của Người. Cũng tại đây, nhiều chương trình giao lưu văn hóa nghệ thuật được tổ chức phục vụ kiều bào và nhân dân quanh vùng.

Đại sứ quán Việt Nam còn phối hợp với chính quyền sở tại và Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức lễ động thổ, tôn tạo Khu Di tích lịch sử Chủ tịch Hồ Chí Minh ở bản Xaynhaphoum, thành phố Kaysone Phomvihane, tỉnh Savannakhet, gồm các hạng mục: Bia tưởng niệm Bác Hồ, xây mới bức phù điêu phía sau bia tưởng niệm; xây mới nhà trưng bày, khu làm việc; khuôn viên và hệ thống chiếu sáng của Khu di tích.

Giờ đây, các công trình mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Lào tiếp tục vừa là điểm tham quan, vừa có ý nghĩa giáo dục về truyền thống mối quan hệ đoàn kết lâu đời giữa hai nước Việt Nam - Lào. Bất cứ ai tới thăm đều có thể bày tỏ sự tưởng nhớ và kính trọng sâu sắc đối với vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam - người đã đặt nền móng cho mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước.

Một hoạt động văn hóa có ý nghĩa đã được Đại sứ quán đẩy mạnh triển khai trong năm qua, đó là gắn kết các hoạt động ngoại giao văn hóa với công tác cộng đồng, hỗ trợ cộng đồng người Việt tại Lào duy trì và quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc tại Lào. Trong đó. Đại sứ quán đã phối hợp và thường xuyên tổ chức các hoạt động mừng Tết Nguyên đán cho cộng đồng, tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, bảo tồn và phát huy các phong tục tập quán của dân tộc… được cộng đồng người Việt tại Lào tích cực tham gia, hưởng ứng.

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, công tác ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa của Đại sứ quán trong năm qua cũng gặp những khó khăn nhất định đến từ cả các nguyên nhân chủ quan và khách quan, như nguồn nhân lực, vật lực còn hạn chế, cơ chế hợp tác, sự phối hợp giữa Đại sứ quán với các cơ quan của cả hai nước trong một số công việc chưa thực sự nhịp nhàng… Tuy nhiên, tôi cho rằng, những khó khăn này chỉ là tạm thời, với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo cấp cao, sự tham gia tích cực của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp hai nước, sự chủ động của Đại sứ quán, các hoạt động trong lĩnh vực ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa tại địa bàn sẽ có nhiều khởi sắc trong thời gian tới, góp phần quan trọng thúc đẩy mối quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào lên tầm cao mới.

Năm 2024 sẽ là một năm khá bận rộn tại Lào. Xin Đại sứ chia sẻ về phương hướng công tác của Đại sứ quán trong năm 2024, đặc biệt là trong lĩnh vực ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa?

Cùng với quan hệ tốt đẹp về chính trị, ngoại giao, an ninh, quốc phòng, các hoạt động thúc đẩy ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa tại Lào sẽ tiếp tục được Đại sứ quán ưu tiên triển khai trong năm 2024.

Trong lĩnh vực ngoại giao kinh tế, Đại sứ quán sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa kết nối kinh tế, kết nối giao thông nhằm thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại và du lịch. Tại buổi gặp gỡ doanh nghiệp Việt Nam tại Lào mới đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chỉ đạo và nhấn mạnh vấn đề kết nối kinh tế, đặc biệt quan tâm đến kết nối hạ tầng giao thông, tiền tệ và thúc đẩy đầu tư hai nước. Nhân dịp về tham dự Hội nghị ngoại giao lần thứ 32, tôi đã có buổi trao đổi với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan về hợp tác với Lào trong lĩnh vực nông nghiệp. Đây là lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh, Lào có tiềm năng đất đai, cần hợp tác mạnh hơn, sâu rộng hơn để khai thác tiềm năng của mỗi nước trong thời gian tới. Đó chính là nhiệm vụ nặng nề của cơ quan đại diện trong công tác ngoại giao kinh tế năm tới và giai đoạn tiếp theo làm thế nào để thúc đẩy cho việc qua lại, giao thương và đầu tư giữa Việt Nam Lào trở nên thuận lợi, gần gũi và vững bền, nâng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Lào đạt đúng tiềm năng, để đầu tư của Việt Nam tại Lào và Lào tại Việt ngày càng tăng trưởng, xứng với quan hệ hai nước.

Năm 2024, Lào đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với nhiều hoạt động, sự kiện quan trọng được tổ chức. Trên tinh thần mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước, Việt Nam sẽ hết lòng ủng hộ Lào đảm nhiệm thành công các trọng trách quốc tế trong thời gian tới, trong đó có vai trò Chủ tịch ASEAN. Đó cũng là nhiệm vụ trọng tâm của Đại sứ quán. Trong đó, ngoại giao văn hóa sẽ thúc đẩy thực hiện ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế; đóng góp thiết thực vào nhiệm vụ chung của Đại sứ quán; đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam tới bạn bè quốc tế.

Trong năm tới, Đại sứ quán mong muốn thực hiện được các chương trình, kế hoạch trong lĩnh vực ngoại giao văn hóa như sau: Phối hợp tổ chức các sự kiện văn hóa vào dịp kỷ niệm năm chẵn các ngày quan trọng của hai nước Việt Nam – Lào; Chương trình “Ngày tôn vinh tiếng Việt” 8/9/2024; duy trì trao đổi đoàn các cấp về văn hóa – nghệ thuật; tổ chức triển lãm trưng bày hình ảnh, tranh… về Việt Nam; tham dự một số hội chợ, triển lãm quốc tế; tăng cường hoạt động ngoại giao văn hóa gắn với thông tin - tuyên truyền đối ngoại, giới thiệu các ấn phẩm văn hóa – nghệ thuật Việt Nam tại địa bàn…

Trong bối cảnh các quốc gia ngày càng coi trọng vai trò của ngoại giao văn hóa, chú trọng thúc đẩy giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hóa đi đôi với giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc. Đại sứ quán Việt Nam tại Lào sẽ cố gắng phát huy vai trò, nhiệm vụ của mình nhằm góp phần lan tỏa bản sắc dân tộc, nâng cao hình ảnh, vị thế đất nước trên trường quốc tế.

Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm tới công tác người Việt Nam ở nước ngoài cũng như vấn đề bảo hộ công dân ở nước ngoài. Là người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại Lào, Đại sứ có thể chia sẻ về những kết quả nổi bật và những khó khăn mà Đại sứ quán gặp phải trong quá trình triển khai thực hiện hai nhiệm vụ trên?

Cộng đồng người Việt Nam tại Lào hiện có khoảng 100.000 người đang sinh sống, học tập và lao động. Thời gian qua, cộng đồng tiếp tục phát triển ổn định, bà con kiều bào không ngừng phấn đấu vươn lên, phát huy tinh thần "tương thân tương ái", đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau, đoàn kết, cùng hướng về quê hương, đất nước.

Với vai trò là cơ quan đại diện Việt Nam tại Lào, Đại sứ quán luôn bám sát Kết luận 12/KL-TW của Bộ Chính trị về công tác về người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới mà Bộ Chính trị thông qua năm 2021, để triển khai các hoạt động liên quan tới cộng đồng người Việt Nam tại Lào.

Việc hỗ trợ bà con kiều bào có địa vị pháp lý vững chắc, ổn định cuộc sống ở sở tại luôn được quan tâm. Trong các hoạt động đối ngoại, lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta luôn đề nghị lãnh đạo Lào hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam sinh sống, học tập, làm việc ở Lào. Đại sứ quán cũng luôn quan tâm, nắm bắt đầy đủ, kịp thời các thông tin liên quan đến bà con kiều bào. Qua đó có thể kịp thời hỗ trợ bà con khi cần thiết và hỗ trợ bà con trong công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc và giữ gìn tiếng Việt.

Hưởng ứng Cuộc thi tìm kiếm “Sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài năm 2023” do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức, Đại sứ quán đã xây dựng kế hoạch triển khai tại Lào, trong đó có khen thưởng thí sinh qua các vòng thi và đoạt giải để động viên, khuyến khích cộng đồng người Việt Nam tại Lào tham gia cuộc thi. Kết quả, Lào là địa bàn có đông thí sinh tham gia nhất, trong khi đó chị Nguyễn Thị Thu Huyền, Chánh Văn phòng Hội người Việt Nam thủ đô Viêng Chăn, đã đoạt giải cao nhất của cuộc thi, xuất sắc là một trong 5 Sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài năm 2023, đem lại niềm vinh dự và tự hào cho cộng đồng người Việt Nam tại Lào.

Đại sứ quán đã phối hợp với Hội người Việt Nam thủ đô Viêng Chăn và Chùa Phật Tích triển khai xây dựng Tủ sách tiếng Việt và mở lớp học tiếng Việt miễn phí tại chùa. Chúng tôi cũng đang nỗ lực lên kế hoạch triển khai Tuần lễ Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam tại thủ đô Viêng Chăn vào dịp kỷ niệm Ngày Tôn vinh tiếng Việt với nhiều chương trình, hoạt động phong phú và ý nghĩa nhằm đưa Ngày Tôn vinh tiếng Việt thực sự trở thành một dấu ấn trong đời sống của cộng đồng người Việt Nam tại Lào.

Trong năm qua, tình hình sinh hoạt tôn giáo trong cộng đồng cũng được bà con đặc biệt quan tâm. Đến nay, cộng đồng người Việt Nam tại Lào có 15 ngôi chùa Việt, phân bổ rải rác từ Bắc đến Trung và Nam Lào. Tất cả các chùa đều là thành viên của Liên minh Giáo hội Phật giáo Lào và có quan hệ chặt chẽ với Hội người Việt tại địa phương.

Tháng 11 vừa qua, tại  huyện Thakhek, tỉnh Khammuane và thành phố Kaysone Phomvihane, tỉnh Savannakhet, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp Liên minh Phật giáo Lào tổ chức lễ khánh thành giai đoạn 1 dự án trùng tu Chùa Bồ Đề ở tỉnh Khammuane và công trình Tam bảo Chùa Diệu Giác ở tỉnh Savannakhet, nơi sinh hoạt tâm linh của cộng đồng người Việt Nam tại khu vực Trung Lào.

Ngày 29/12/2023, tại thủ đô Viêng Chăn sẽ diễn ra Lễ động thổ trùng tu chùa Phật Tích nhằm vừa cải tạo hoàn thiện cơ sở vật chất, xây dựng mái chùa được khang trang hơn, vừa đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của đồng bào Phật tử xa gần. Đặc biệt, công trình mới sẽ có gian thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hoàng thân Suphanouvong, Chủ tịch Kaysone Phomvihane và các anh hùng liệt sĩ của Việt Nam và Lào, thực sự đáp ứng nguyện vọng của chư tôn, tăng ni, Phật tử và nhân dân Lào, đáp ứng tốt hơn nhu cầu sinh hoạt tâm linh của cộng đồng.

Công tác bảo hộ công dân luôn được Đại sứ quán quan tâm. Đại sứ quán đã chủ động, tích cực thúc đẩy các cơ quan chức năng Lào giải quyết các vụ việc liên quan đến công dân Việt Nam vi phạm pháp luật tại sở tại; thực hiện việc thăm tù nhân, xây dựng tủ thuốc cho tù nhân trong trại giam, phối hợp với cộng đồng người Việt tại địa bàn hỗ trợ công dân gặp hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật, bị tai nạn, tử vong…

Thời gian gần đây, tại địa bàn đã xuất hiện nhiều trường hợp có dấu hiệu nghi là nạn nhân của tội phạm mua bán người, cưỡng bức lao động. Đại sứ quán đã phối hợp với các cơ quan chức năng của bạn và Việt Nam tại địa bàn triển khai công tác bảo hộ công dân được một số trường hợp trong diện này. Nhân đây, tôi cũng xin cảnh báo bà con ta ở trong nước có nhu cầu tìm kiếm việc làm ở ngoài nước nói chung và ở Lào nói riêng, cần thông qua các tổ chức có uy tín, không nghe theo lời dụ dỗ của nhóm người xấu sang "tìm việc nhẹ, lương cao", để rồi trở thành nạn nhân của tội phạm buôn bán người, bị cưỡng bức lao động, có thể ảnh hưởng đến tính mạng của chính bản thân và các cơ quan chức năng hết sức khó khăn trong công tác giải cứu, bảo hộ công dân.

Trân trọng cảm ơn Đại sứ!

Phạm Kiên – Bá Thành (TTXVN)
Khai trương bệnh viện của cộng đồng người Việt Nam tại Lào
Khai trương bệnh viện của cộng đồng người Việt Nam tại Lào

Theo phóng viên TTXVN tại Lào, sáng 18/11 tại thủ đô Viêng Chăn đã diễn ra lễ khai trương Bệnh viện Quốc tế La Vie.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN