Cán bộ ĐH FPT chia sẻ với Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam về quá trình xây dựng cơ sở Hòa Lạc. Ảnh: FU |
Nghi thức đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ diễn ra trọng thể trước sự chứng kiến của gần 1.000 sinh viên, giảng viên nhà trường. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trao bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho ĐH FPT. Đây là nguồn động viên, khích lệ to lớn đối với trường Đại học FPT để tiếp tục nỗ lực đổi mới, sáng tạo, đạt được nhiều thành tích hơn nữa, đóng góp vào sự nghiệp giáo dục nước nhà.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ và các đại diện Chính phủ, bộ ngành đã tham quan Đại học (ĐH) FPT Hòa Lạc. Sau khi nghe Ban giám hiệu nhà trường báo cáo tình hình hoạt động, Phó Thủ tướng đã đưa ra những chỉ đạo sát sao đối với thầy và trò của trường.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định: Dù được xếp hạng thứ 12 trên thế giới về toán và Khoa học tự nhiên, thứ 8 về khoa học; nhưng lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) lại chỉ tăng 10%/năm. Bên cạnh những hạn chế về chính sách nhà nước và sự yếu kém của doanh nghiệp Việt Nam, thì một trong những lý do chính là lực lượng làm CNTT của Việt Nam còn rất mỏng về số lượng, yếu về chất lượng. Có thể ĐH FPT về chất lượng ở 1 số chuyên ngành, đặc biệt là CNTT, mạnh hơn so với mặt bằng chung, nhưng nhìn chung giáo dục cả nước, chất lượng nhân lực CNTT ở bậc đại học và sau đại học còn yếu.
"Không phải vì chúng ta không giỏi mà vì chính chúng ta còn thiếu nhiều điều trong môi trường giáo dục. Mỗi năm có mấy trăm nghìn sinh viên tốt nghiệp, trong đó có hàng chục nghìn sinh viên CNTT. Làm sao để những điều đang được áp dụng trong môi trường đào tạo của ĐH FPT và khiến các bạn sinh viên ĐH FPT đang tự hào, sẽ được nhân rộng ra trong nhiều mái trường khác", Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng khẳng định: "Ở độ tuổi như các bạn, chúng tôi cũng như các bạn, rất nhiều khát khao. Có thể ước mơ đơn giản là có việc làm, có những người ước mơ “điên khùng” hơn như những người FPT, thậm chí có những người còn mơ thay đổi cả thế giới. Chúng tôi muốn các bạn, những người may mắn được sống trong môi trường tuyệt vời của ĐH FPT, ngoài học để làm việc thật tốt, các bạn phải nhân rộng tinh thần và ý chí của mình ra cộng đồng sinh viên và xã hội. Bao gồm cả rèn luyện chuyên môn, kỹ năng mềm, kể cả việc ngay ý chí kinh doanh từ lúc còn đi học".
Tại chương trình, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng chia sẻ với thày và trò ĐH FPT: “Thứ nhất, so với 275 trường ĐH lớn nhỏ tại Việt Nam, ĐH FPT đã thuộc nhóm rất nhỏ các trường đi đầu. Trường đã gắn chặt chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế. Quá trình đào tạo bằng ngôn ngữ Anh, ra trường dùng được ngay không chỉ tại Việt Nam mà trên thế giới. Thứ hai, cơ sở vật chất, điều kiện và thực hành gắn với doanh nghiệp. Đây là mặt rất mạnh của ĐH FPT. Tôi tin rằng với cách đi này, thương hiệu nhà trường gắn rất chặt với tiến bộ CNTT, chứ ko bị bỏ rơi như một số trường khác nặng về lý thuyết và không chú trọng tới xu hướng nghề nghiệp trong tương lai. Tuy nhiên, sẽ tốt hơn nếu trường có thể dự báo được trong 5-10 năm tới, thị trường lao động sẽ thay đổi ra sao? Khi xu hướng Internet kết nối vạn vật không chỉ ảnh hưởng đến lĩnh vực CNTT mà còn các ngành khác nữa. Nếu nhà trường có một bộ phận, trung tâm dự báo về ngành nghề có liên quan đến CNTT, từ đấy chọn lựa đầu tư ngay từ bây giờ thì sẽ tốt hơn nhiều. ĐH FPT có thể làm được điều này bởi đằng sau là sự hậu thuẫn của Tập đoàn FPT”.
Với tinh thần này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ mong rằng ĐH FPT là chủ lực trong ngành GD-ĐT để đào tạo nguồn lực chất lượng cao trong lĩnh vực CNTT. Trong đề án về tăng cường CNTT, trong đó có một nhiệm vụ là tăng cường đào tạo nguồn nhân lực CNTT, chúng tôi rất muốn ĐH FPT sẽ là chủ lực để thực hiện nhiệm vụ này. Đó sẽ là cú huých, kéo theo các trường các một cách có trọng tâm, trọng điểm.