Nêu câu hỏi chất vấn, đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) nêu rõ, mấy ngày nay, báo chí liên tục đưa tin về việc Chính phủ đang ráo riết chỉ đạo xây dựng các dự án Luật sửa đổi 13 luật có vướng mắc, bất cập và sẽ đề nghị Quốc hội thông qua ngay tại Kỳ họp thứ 8 sắp tới. Đại biểu Quốc hội và cử tri rất thắc mắc tại sao đã có định hướng chương trình xây dựng pháp luật từ đầu nhiệm kỳ, công tác rà soát pháp luật cũng được làm tương đối thường xuyên... Các cơ quan từ Chính phủ đến Quốc hội đều rất cố gắng, trách nhiệm nhưng luật vừa mới thi hành đã phải sửa đổi, thậm chí luật chưa thi hành cũng phải sửa.
Do đó, đại biểu đề nghị Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết nguyên nhân của những vấn đề này? Trách nhiệm của Chính phủ như thế nào trong việc các luật liên tục phải sửa đổi? Đồng thời cho biết giải pháp để cân bằng giữa tính thống nhất, ổn định của hệ thống pháp luật với những yêu cầu có tính đặc biệt, đặc thù và có tính thời điểm?
Trả lời chất vấn đại biểu về điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Bộ Chính trị ban hành Kết luận 19-KL/TW năm 2021 về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Quốc hội ban hành Nghị quyết về Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh, từ đó Chính phủ đã có định hướng về xây dựng luật, pháp lệnh. Thời gian qua, Chính phủ đề xuất trình bổ sung 17 dự án mới vào định hướng Chương trình, nhưng vẫn chưa bao quát hết những vấn đề mới phát sinh. Qua rà soát, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thành lập Ban chỉ đạo rà soát, tổng hợp từ các nguồn khác nhau và dự kiến trình Quốc hội thông qua một số luật.
Cụ thể, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, dự kiến Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét thông qua 2 luật để sửa đổi, bổ sung các luật khác nhau. Dự kiến sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Luật Doanh nghiệp, Luật Quy hoạch và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan để thực hiện Luật Quy hoạch. Nội dung này sẽ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ trì soạn thảo. Nhóm thứ hai là sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý thuế, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Kế toán, Luật Dự trữ quốc gia, Kiểm toán độc lập và chứng khoán. Nội dung này sẽ giao Bộ Tài chính là cơ quan chủ trì.
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cũng cho biết, lý do dẫn tới việc điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh một phần để đáp ứng nhu cầu của thực tiễn nhằm xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội; nhưng cũng một phần có nguyên nhân chủ quan là chưa chủ động và nhận thức chưa hết của các bộ, ngành.
Sau phần trả lời của Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) phát biểu tranh luận. Đại biểu Nguyễn Phương Thủy cho biết, nội dung chất vấn liên quan đến việc đảm bảo cân bằng, thống nhất và ổn định của hệ thống pháp luật cần được trả lời rõ hơn. Đại biểu cho biết, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã đưa ra những nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến việc cần sửa đổi luật thời gian qua, trong đó phần nguyên nhân chủ quan được nêu ra là do “anh em chưa chủ động”.
Theo đại biểu, rất cần phải nhìn thẳng vào nguyên nhân thực tế này, cụ thể là năng lực và tính chuyên nghiệp của bộ máy tham gia xây dựng pháp luật để có những giải pháp thiết thực…
Đại biểu Nguyễn Phương Thủy cho biết, theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, tại Kỳ họp thứ 8 tới của Quốc hội, dự kiến Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến đối với 25 dự án và thông qua 12 dự án luật. Tuy nhiên cho đến hiện nay, Chính phủ vẫn đang tiếp tục đề nghị bổ sung thêm vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh rất nhiều dự án luật khác… “Đến thời điểm này, các cơ quan thẩm tra và đại biểu Quốc hội thậm chí còn chưa biết sẽ sửa đổi, bổ sung những nội dung gì”, đại biểu nói.
Đại biểu bày tỏ quan ngại về chất lượng các dự án luật sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua với khối lượng công việc lớn như vậy, khi nguyên nhân chủ quan đã được nêu ra có liên quan đến vấn đề về năng lực của bộ máy tham gia xây dựng pháp luật. Đặc biệt, với thông tin Chính phủ đang chỉ đạo sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và có thể sẽ đề nghị trình Quốc hội ngay trong năm 2024 này. Đại biểu cho rằng, vấn đề này cần phải được nghiên cứu, đánh giá một cách hết sức kỹ lưỡng, thận trọng để tránh những bất cập, vướng mắc.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Phương Thủy, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho rằng, thực tế các vấn đề đại biểu nêu ra đều hoàn toàn chính xác. Trong xây dựng pháp luật, cần dung hòa hai vấn đề là đáp ứng các yêu cầu thực tế và giữ ổn định của hệ thống. Những khó khăn, thách thức, yêu cầu của thực tiễn xảy ra thì cần phải xử lý, do đó bị ảnh hưởng bởi tính ổn định.
Phó Thủ tướng đề xuất giải pháp trong thời gian tới tham mưu Chính phủ tiếp tục duy trì những vấn đề ổn định và nâng cao trình độ, năng lực để đạt chất lượng tốt hơn, qua đó xử lý các vấn đề phát sinh là ngoại lệ. Dự kiến có thể sửa đổi khoản 2, khoản 3 Điều 19 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Vấn đề quan trọng là duy trì để đảm bảo cân bằng sự ổn định. Đi liền với đó, phải có giải pháp để xử lý những vấn đề phát sinh là ngoại lệ (có thể ủy quyền một bước để xử lý những ngoại lệ).
Về vấn đề năng lực, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho rằng, tính năng lực và chuyên nghiệp là rất quan trọng, cần đầu tư thêm cho lực lượng xây dựng pháp luật, lực lượng xây dựng chính sách, về cơ bản đội ngũ này phải tâm huyết, trách nhiệm nghề nghiệp để có thể cải thiện, cùng với đó kết hợp với chế độ cho đội ngũ này.