Trước việc nhiều tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67 nhanh bị hư hỏng, trao đổi bên hành lang Quốc hội, đại biểu Trương Minh Hoàng cho biết: "Một phương tiện kiếm sống của người dân trị giá đến 20 tỷ đồng là tài sản của cả đời người và có khi cả xóm, ấp gom góp mới có được. Liệu có vì hám lợi mà ai đó làm gian dối?".
Theo đại biểu Hoàng, với các hiện tượng như vỏ tàu bị rỉ sét trầm trọng, tróc sơn, máy có vấn đề, thì không thể đổ thừa bất cứ một lý do gì vì những người làm việc trong ngành đóng tàu phải biết được độ mặn của vùng biển Việt Nam. Nếu lý giải theo hướng do yếu tố môi trường thì không thuyết phục.
Đại biểu Trương Minh Hoàng trả lời phỏng vấn bên lề Quốc hội. |
Đại biểu Trương Minh Hoàng đề nghị: "Các cơ quan chức năng cần sớm làm rõ trách nhiệm, nếu liên quan đến vi phạm hình sự thì xử lý nghiêm để đem lại sự công bằng cho người dân. Nếu bà con đánh bắt ngoài khơi dài ngày, có sản lượng rồi mà tàu bị hư hỏng dọc đường thì tổn thất rất lớn".
Đại biểu Trương Minh Hoàng cho biết thêm, vừa qua, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã tổ chức đoàn khảo sát việc triển khai thực hiện chủ trương đóng tàu vỏ thép, trực tiếp đến kiểm tra ở Quảng Ngãi, Ninh Thuận... Thời điểm đó thì các địa phương không xảy ra hiện tượng tàu vỏ thép hư hỏng như ở Bình Định hiện nay.
"Khi chúng tôi đến Ninh Thuận, bà con phấn khởi lắm, họ nói rằng tàu vỏ sắt đóng có chất lượng, bà con thấy an tâm hơn, chi phí duy tu bảo dưỡng ít hơn. Tôi rất tiếc khi triển khai một chủ trương đúng đắn và có nhiều ý nghĩa thì lại xảy ra sự việc như vậy", ông Hoàng nói và nhấn mạnh các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc làm rõ trách nhiệm.
Nghị định 67 ban hành tháng 7/2014, quy định một số chính sách ưu đãi nhằm phát triển thủy sản, trong đó có đóng mới tàu, nâng cấp tàu (thay máy mới, gia cố bọc vỏ thép, bọc vỏ vật liệu mới…) phục vụ hoạt động khai thác hải sản.