Sáng 24/10, phát biểu tại phiên thảo luận ở tổ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã đề cập tới những khó khăn, vướng mắc của thị trường bất động sản (BĐS), đặc biệt là giải pháp tháo gỡ cho các dự án "đắp chiếu" từ 10 - 20 năm, khiến dư luận bức xúc.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, Hà Nội có 712 dự án chậm triển khai lâu năm và mới đây đã xử lý hủy được hơn 100 dự án, thu lại để đấu thầu, đấu giá được vài nghìn hecta. Đây là điểm nóng về mất an ninh trật tự, nên phải rà soát, xử lý.
“Nếu tháo gỡ được những khó khăn cho thị trường bất động sản, các vấn đề khác sẽ được khơi thông như thị trường vật liệu xây dựng, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động. Đặc biệt, khi giải quyết được điểm nghẽn với bất động sản sẽ giúp ổn định vĩ mô, khơi thông được vấn đề tín dụng ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ”, Bí thư Thành ủy Hà Nội nêu vấn đề.
Từ đó, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội kiến nghị Quốc hội nên sớm có chỉ đạo, chủ trương rà soát tổng thể, ban hành nghị quyết để giải quyết những khó khăn cho lĩnh vực bất động sản, bởi vướng mắc ở đây chủ yếu là liên quan đến Luật Đất đai, Luật Đầu tư. Với các dự án chậm triển khai cần tính đúng, tính đủ giá đất, phù hợp với quy định hiện hành và thị trường. Đối với chủ đầu tư nào không còn khả năng phải có giải quyết dứt điểm, không để các dự án chậm triển khai kéo dài nhiều năm.
Cùng nội dung này, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) nhận định, theo báo cáo của Chính phủ, hiện nợ đọng thuế phí về đất đang gia tăng, nhất là nợ đọng trong các dự án BĐS. Chưa chú trọng thu nợ đọng từ các dự án BĐS, chưa tách bạch được trong nợ đọng, thì bao nhiêu % do các dự án bất động sản và bao nhiêu trong số đó không thể thu về cho Nhà nước...
Vì vậy, Chính phủ cần làm rõ hơn nội dung này, đặc biệt là giải pháp để thu hồi nợ đọng ở các dự án BĐS. Bởi nguồn lực phát triển kinh tế của đất nước không chỉ được tính ở các dự án đã triển khai, vận hành, mà còn nằm ở các dự án chậm triển khai và cần có giải pháp để khơi thông.
Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cơ bản nhất trí với các đánh giá trong báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 cũng như dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn sau đại dịch COVID-19, nhưng nền kinh tế nước ta vẫn duy trì mức tăng trưởng cao trong khu vực, cho thấy việc điều hành của Chính phủ thực sự hiệu quả và linh hoạt.
Tuy nhiên, đại biểu Hoàng Văn Cường cũng bày tỏ lo ngại về những thách thức đối với nền kinh tế sau đại dịch mà nhiều quốc gia gặp phải khi nợ công tăng, nguy cơ vỡ nợ của trái phiếu doanh nghiệp sẽ tác động đến nền kinh tế nước ta. Vì thế, để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6 - 6,5%, cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa một cách linh hoạt, hiệu quả hơn nữa.
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, các doanh nghiệp hiện gặp nhiều khó khăn nên chính sách hỗ trợ lãi suất, vốn tín dụng cần được thực hiện hiệu quả hơn nữa để hỗ trợ các doanh nghiệp. Vì thế, chúng ta cần tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ 2% lãi suất cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Đặc biệt là tận dụng tốt các cơ hội chuyển dịch đầu tư từ các quốc gia trong khu vực thời kỳ hậu COVID-19, bởi Việt Nam vẫn được xem là điểm hấp dẫn với nhiều nhà đầu tư nước ngoài.