Sáng 24/10, Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế xã hội và ngân sách Nhà nước, đầu tư công.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho rằng, vùng đồng bằng sông Cửu Long có nhiều tiềm năng và lợi thế cạnh tranh. Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị được ban hành đã khẳng định quan điểm nhất quán về việc quyết tâm xây dựng khu vực này thành vùng kinh tế trọng điểm của cả nước.
Tuy nhiên, đại biểu tỉnh Vĩnh Long đề nghị Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ quan tâm, có định hướng rõ hơn về phát triển bền vững, ứng phó với sụt lún, hạn mặn của vùng. Bởi hiện nay, tình trạng ngập lụt và sụt lún diễn ra nghiêm trọng khó lường, ảnh hưởng tới sản xuất và nuôi trồng thủy sản, cản trở sự phát triển.
“Nếu nước biển dâng cao thêm 1 m, khoảng 40% diện tích đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ngập, nên cần sớm có ứng phó để giảm thiểu thiệt hại”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho hay.
Trước ý kiến của đại biểu Quốc hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, để giải quyết các vấn đề trước mắt cho đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chi cho các địa phương theo các đề xuất ban đầu là 4.000 tỷ đồng. Qua thực tế khảo sát, vùng có tình trạng sạt lở, sụt lún, hạn hán và ngập mặn, đặc biệt là ở các tỉnh Bạc Liêu, Vĩnh Long, Cà Mau….
Song, không chỉ biến đổi khí hậu cực đoan, Việt Nam còn có trách nhiệm cùng thế giới ngăn chặn sự nóng lên của trái đất, thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2025. Đặc biệt, khi Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Vì vậy, cùng với việc xử lý những vấn đề trước mắt, đồng bằng sông Cửu Long phải huy động nguồn lực để làm những dự án lớn, hiệu quả.
Theo Thủ tướng, trong điều kiện nguồn lực hạn hẹp, cần phải phối hợp với các nước, các tổ chức để bảo vệ dòng chảy sông Mekong, vì hiện nay, dòng chảy thay đổi nhanh và không đúng quy luật tự nhiên. Đây là vấn đề cần phải huy động từ nội lực, vừa phải hợp tác quốc tế để thích ứng, vừa chống chọi với sự thay đổi của thiên nhiên để triển khai các dự án lớn.
Thủ tướng cũng thông tin đã thúc đẩy phát triển 1 triệu ha lúa sạch, nông nghiệp xanh, nhằm đảm bảo an ninh lương thực, xuất khẩu bền vững. Mới đây, khi gặp Tổng thống Philippines, Thủ tướng đã trao đổi, đặt vấn đề về ký hợp đồng Chính phủ về lúa gạo, thúc đẩy xuất khẩu gạo cho nông dân hiệu quả, bền vững. Thủ tướng khẳng định: “Cần xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái, không sản xuất manh mún và nhỏ lẻ nữa. Tình trạng sạt lở, sụt lún, hạn hán, ngập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long là vấn đề lớn, nên phải có dự án lớn, mới ngăn chặn được những tác động tiêu cực tới vùng".
Liên quan đến nguồn vốn vay quốc tế hiện nay, theo Thủ tướng Chính phủ, có hai vấn đề cần khắc phục: Thủ tục phải đổi mới, cải tiến, đơn giản, thông thoáng, nhanh và kịp thời, hạn chế kéo dài gây lãng phí nguồn lực; khắc phục tình trạng đi vay vốn để làm dự án nhỏ, dàn trải không hiệu quả, các dự án phải tập trung vào 4 vấn đề chống sụt lún, chống sạt lở, chống ngập mặt, chống hạn hán.
Vì vậy, Chính phủ mong Quốc hội, các đại biểu Quốc hội và các địa phương tăng cường giám sát thực hiện các dự án lớn hiệu quả, bàn bản hơn.
Thông tin thêm, Thủ tướng cho biết, hiện nay, phát triển hạ tầng giao thông vùng đồng bằng sông Cửu Long đã có quy hoạch đường thủy để khai thác dòng sông bền vững, gắn với bến cảng. Các địa phương cần dành nguồn lực thực hiện quy hoạch; còn Trung ương tập trung triển khai các dự án liên vùng, liên tỉnh. Ngành giao thông cũng cần xác định ưu tiên để khai thác nguồn lực hạ tầng, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, logistics.
Về đường bộ, đồng bằng sông Cửu Long đang làm hai trục giao thông chính là trục Bắc Nam từ TP Hồ Chí Minh qua Cần Thơ xuống Cà Mau, đang quyết liệt hoàn thành “và phải hoàn thành” trong nhiệm kỳ này. Tiếp đó là trục Đông Tây từ Sóc Trăng - Cần Thơ - Hậu Giang đến An Giang. Trên cơ sở hai trục chính này sẽ làm đường hướng tâm kết nối và đầu tư thêm đường hàng không, đường sắt, đường sắt cao tốc Bắc Nam…
Để triển khai được các dự án này, các bộ, ngành, địa phương cần phải huy động nguồn lực của cả Trung ương và địa phương để quyết tâm thực hiện. Thủ tướng nhấn mạnh, trong điều kiện nguồn lực có hạn, Trung ương sẽ lo chính sách, ngân sách Nhà nước mang tính chủ đạo để phân bổ, đầu tư phát triển, đầu tư liên kết vùng, liên kết tỉnh. Tuy nhiên, địa phương phải lo giải phóng mặt bằng, góp phần hỗ trợ triển khai dự án, thì mới có dự án trọng tâm, trọng điểm.
“Nếu cứ tư duy cái gì cũng muốn làm thì sẽ dở dang, đã đi vay thì phải xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái, không thể làm lặt vặt. Cần xác định làm có trọng tâm trọng điểm, phải có phối hợp công tư, Trung ương, địa phương và Nhà nước. Ta có khả năng làm, nên phải mạnh dạn và quyết tâm trong huy động nguồn lực, làm đến đâu dứt điểm đến đó thì mới hiệu quả”, Thủ tướng nhấn mạnh.