Đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn ĐBQH Đồng Tháp: Cần quy trách nhiệm việc để lộ, lọt thông tin cá nhân
Hiện các quy định cấm đã có, cần quy trách nhiệm về việc để bị lộ, lọt thông tin, nhất là Trung tâm dữ liệu quốc gia. Bộ Thông tin và Truyền thông cần quản lý vấn đề này.
Việc xây dựng dự thảo Luật Dữ liệu, luật hóa việc quản lý dữ liệu là cần thiết. Thực tế có nhiều bất cập ở một số bộ, ngành, địa phương khi chưa có đủ hạ tầng để triển khai, dữ liệu thu thập lưu trữ trùng lắp chồng chéo; nhiều hệ thống thông tin vẫn còn lỗ hổng bảo mật...
Về phạm vi điều chỉnh, cần xác định cụ thể việc xác lập dữ liệu của cá nhân ở mức độ nào để hạn chế việc khai thác, thu thập thông tin cá nhân, gia đình, mà chưa có sự đồng ý của người dân.
Bên cạnh đó, cần có sự quản lý chặc chẽ của Nhà nước về dữ liệu, nhất là cơ quan được giao trong hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, xử lý, khai thác dữ liệu, nhằm đảm bảo quyền con người, quyền công dân và lợi ích hợp pháp của cá nhân.
Về việc quản lý vấn đề chuyển dữ liệu ra nước ngoài, cho tổ chức, cá nhân ở nước ngoài, cần thận trọng việc bảo vệ dữ liệu bí mật của tổ chức cá nhân, không để kẻ xấu lợi dụng xuyên tạc, trục lợi bằng nhiều hình thức khác nhau, bảo vệ chủ quyền số và lợi ích quốc gia, nhưng cũng phải bảo đảm hài hoà thông lệ quốc tế, không cản trở luồng dữ liệu an toàn, tự do biên giới.
Đại biểu Đào Chí Nghĩa, đoàn ĐBQH Cần Thơ: Tình trạng lộ, lọt dữ liệu, xâm phạm quyền riêng tư ngày càng gia tăng
Hiện nay, tình trạng lộ, lọt dữ liệu, xâm phạm quyền riêng tư ngày càng gia tăng. Đòi hỏi phải có những quy định bảo vệ việc bảo mật, quyền riêng tư của người tiêu dùng.
Vì vậy, dự thảo Luật lần này cần quy định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân phải áp dụng các biện pháp bảo mật như: Mã hóa, xác lập 2 yếu tố bảo vệ… đảm bảo thông tin dữ liệu. Các tổ chức, cá nhân phải chịu trách nhiệm pháp lý nếu thông tin cá nhân bị rò rỉ, đánh cắp.
Cử tri quan tâm và phản ánh tình trạng thông tin cá nhân bị lộ, lọt, bị khai thác mua bán trái phép, nhưng chưa được kiểm soát. Hệ thống thông tin còn những lỗ hổng bảo mật; việc kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia với dân cư còn khó khăn. Trong dự thảo Luật lần này cần có những quy định để khắc phục.
Về việc chuyển dữ liệu ra nước ngoài, hiện nay, việc mua bán, chuyển giao dữ liệu cá nhân ngày càng phổ biến, không chỉ mang tính chất đơn lẻ, mà ngày càng thường xuyên; các thông tin bao gồm dữ liệu thô, dữ liệu cá nhân đã qua xử lý, dữ liệu phi cá nhân… có nguy cơ ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội; nhất là các dữ liệu quan trọng quốc gia.
Trong dự thảo Luật dữ liệu đã có quy định rõ ràng nhu cầu, điều kiện, thủ tục chuyển dữ liệu cho tổ chức, cá nhân ở nước ngoài đối với dữ liệu cốt lõi, dữ liệu quan trọng.
Bên cạnh đó, còn nhiều hạn chế trong đào tạo nhân lực ngành công nghệ thông tin, cần có chính sách nhân lực để đào tạo đội ngũ có đủ kỹ năng đáp ứng nhu cầu quản lý dữ liệu hiện nay.