Đại biểu Quốc hội đối thoại, lắng nghe ý kiến của trẻ em ở Lai Châu

Ngày 21/6, các đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND tỉnh Lai Châu đã có buổi đối thoại với đại diện trẻ em của tỉnh.

Chú thích ảnh
Em Phê Thị Mể (đến từ thành phố Lai Châu) đặt câu hỏi tại Hội nghị.

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Đội tỉnh Lai Châu và Tổ chức Plan International Việt Nam nhằm thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em trong quá trình xây dựng và hoạch định các chính sách liên quan đến trẻ em, đặc biệt là trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em ở vùng sâu, vùng xa.

Tại Hội nghị, ông Chu Lê Chinh, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Lai Châu, thành viên Ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội bày tỏ vui mừng khi tỉnh Lai Châu đã thành lập và ra mắt thành công Hội đồng trẻ em, đồng thời chia sẻ về vai trò của các đại biểu Quốc hội, các chủ trương của Đảng, Nhà nước và Quốc hội trong việc xây dựng, thực hiện các chính sách, nhằm đảm bảo thực hiện tốt nhất quyền của trẻ em. Ông Chu Lê Chinh nhấn mạnh đến vai trò của việc lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của trẻ em cũng như vai trò, tầm quan trọng của hoạt động đại biểu Quốc hội tiếp xúc và đối thoại với trẻ em, qua đó thể hiện cam kết được thực thi bằng hành động của các đại biểu Quốc hội với trẻ em.

Tại buổi tiếp xúc, hàng chục câu hỏi, nguyện vọng của trẻ em liên quan đến việc thực hiện quyền trẻ em theo Luật Trẻ em năm 2016 và những vấn đề của trẻ em tỉnh Lai Châu được các em bày tỏ. Các em đặc biệt quan tâm đến các vấn đề như: Áp lực học tập, bạo lực học đường; nguy cơ bị xâm hại tình dục và thiếu các chương trình trang bị kiến thức, kỹ năng phòng ngừa cho các em cũng như kiến thức của cha mẹ trong vấn đề an toàn của trẻ em, lắng nghe ý kiến của trẻ; thực trạng về tai nạn đuối nước; thiếu sân chơi cho trẻ em và việc sử dụng mạng xã hội không an toàn...

Trên 100 trẻ em đã thể hiện sự vui mừng vì lần đầu tiên được tiếp xúc với các đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND tỉnh, được các đại biểu Quốc hội và lãnh đạo của tỉnh lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và đề xuất của các em. Các em mong muốn hoạt động này được tổ chức thường xuyên và tạo cơ hội cho nhiều trẻ em được tham gia trình bày các khó khăn các em gặp phải.

Đối thoại với các em, đại diện các Sở, ban, ngành của tỉnh khẳng định các cơ quan chức năng đều đã và đang triển khai nhiều giải pháp chăm sóc và bảo vệ trẻ em, giúp các em được hưởng thụ điều kiện tốt nhất trong học tập, vui chơi và tránh xa các tệ nạn ma túy... Đồng thời, các cơ quan, các cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giúp nâng cao nhận thức của phụ huynh, học sinh trong vấn đề giảm áp lực học tập, tình trạng kết hôn sớm, bỏ học vượt biên đi lao động trái phép…

Lai Châu là địa bàn miền núi, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, cơ sở vật chất về giáo dục, sân chơi cho trẻ em, đặc biệt là vùng sâu vùng xa còn hạn chế. Do đó, các đại biểu cũng đề nghị Đảng, Nhà nước, UBND tỉnh, các tổ chức xã hội, các nhà hảo tâm tiếp tục quan tâm đầu tư, hỗ trợ, giúp trẻ em trên địa bàn tỉnh được thụ hưởng đầy đủ các chính sách, các điều kiện tốt nhất để các em yên tâm học tập, vui chơi và trưởng thành.

Chú thích ảnh
Quang cảnh buổi tiếp xúc và đối thoại.

Theo ông Hoàng Đức Long, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Lai Châu, đây là sự kiện đặc biệt và quan trọng đối với trẻ em tỉnh Lai Châu. Sau buổi đối thoại này, tỉnh sẽ tổ chức nhiều buổi đối thoại và lắng nghe ý kiến của các em được tổ chức vì đây là kênh thông tin quan trọng để các cấp lãnh đạo có cơ sở ban hành chính sách khác liên quan đến trẻ em. Ngoài việc đại diện cho tiếng nói của trẻ em, mong rằng các em sẽ tham gia tích cực các hoạt động tại địa phương để tuyên truyền, nâng cao nhận thức của trẻ em trên địa bàn.

Ông Hoàng Đức Long đề nghị, Đoàn Thanh niên huy động nguồn lực tổ chức 1 - 2 buổi sinh hoạt hằng tuần cho các em, lồng ghép các trò chơi dân gian, tiết mục văn hóa văn nghệ vào các buổi sinh hoạt, nhằm thu hút tạo sân chơi bổ ích cho các em.

Tin, ảnh: Công Tuyên (TTXVN)
Thể chế hóa việc thực thi quyền trẻ em
Thể chế hóa việc thực thi quyền trẻ em

Luật Trẻ em đã được nước ta công bố từ cuối tháng 4/2016, quy định 25 nhóm quyền của trẻ em với một số quyền được bổ sung hoặc quy định cụ thể.Để việc thực thi quyền trẻ em trong các văn bản luật được triển khai sâu rộng, cần có những quy định cụ thể hơn nữa về cơ chế thực thi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN