Để quyền trẻ em thực thi tốt hơn

Trong 2 ngày 8 - 9/8, Diễn đàn quốc gia trẻ em 2013 với chủ đề “Trẻ em tham gia góp ý sửa đổi Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em” thu hút gần 200 em đến từ 29 tỉnh thành trong cả nước đã diễn ra tại Hà Nội. Diễn đàn do Bộ LĐTB&XH và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức.


Đề xuất nâng độ tuổi trẻ em


Tại Diễn đàn năm nay, các em tập trung thảo luận 6 vấn đề: An toàn tính mạng cho trẻ em và vui chơi, giải trí cho trẻ em; Các biện pháp phòng chống bạo lực tinh thần, ngược đãi, sao nhãng trẻ em; Các biện pháp phòng chống tình trạng tảo hôn và lao động trẻ em; Trẻ em vi phạm pháp luật; Các biện pháp đảm bảo quyền tham gia của trẻ em; Đảm bảo quyền được tiếp cận giáo dục của trẻ em khuyết tật, trẻ em nhiễm HIV và giải pháp ngăn ngừa trẻ em bỏ học.


Em Nguyễn Trần Đăng Khoa, 17 tuổi, (quận 8, TP.HCM) cho biết: “Em quan tâm nhất là vấn đề nâng độ tuổi trẻ em từ dưới 16 tuổi lên dưới 18 tuổi, bởi điều này sẽ phù hợp với hội nhập quốc tế và nhiều bạn trẻ có quyền được chăm sóc, vui chơi và hưởng các dịch vụ hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng. Thực tế ở TP.HCM có rất nhiều bạn trong độ tuổi này phải đi làm kiếm sống như đánh giày, phụ bàn... để có tiền giúp cha mẹ, trong khi các bạn vẫn có nhu cầu học tập”.


Tối 9/8 sẽ diễn ra phiên giao lưu chính thức Diễn đàn giữa trẻ em và lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành. Tại đây, các em sẽ chính thức gửi thông điệp của Diễn đàn trẻ em năm 2013.

Trong khi đó, em Sùng Thị Dở, 15 tuổi, dân tộc Mông đến từ xã Sán Chỉa, huyện Si Ma Cai (Lào Cai), cho biết: Bên cạnh việc đề xuất nâng độ tuổi, đối với trẻ em vùng cao, chúng em quan tâm nhất là vấn đề tảo hôn, thực tế trên địa bàn có những bạn gái 15 - 16 tuổi đã bị gia đình bắt ở nhà lấy chồng, trong khi các bạn vẫn mong muốn được đi học. Do đó, em mong các cấp chính quyền tuyên truyền Luật Hôn nhân gia đình đến với người lớn để chúng em được hưởng quyền đi học; đồng thời quan tâm nhu cầu vui chơi, giải trí của trẻ em bởi địa bàn vùng cao rất ít địa điểm vui chơi, do đó nhiều bạn dễ bị cuốn vào các trò chơi game trên máy tính”.


Mở rộng chính sách hỗ trợ trẻ em


Từ khuyến nghị của trẻ em thông qua các Diễn đàn năm 2009 và năm 2011, những năm gần đây, Nhà nước đã mở rộng các chính sách hỗ trợ cho trẻ em trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao... Hàng năm, Nhà nước đều ưu tiên bố trí tăng chi cho công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, bảo đảm năm sau cao hơn năm trước. Năm 2011 đầu tư khoảng 11.336 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2010; năm 2012 là 13.024 tỷ đồng, tăng 14,8% so với năm 2011. Dự toán năm 2013 khoảng 15.113 tỷ đồng, tăng 16,04%.


Bộ LĐ,TB&XH đã phối hợp với các đơn vị hữu quan xây dựng và trình Chính phủ Chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011 - 2015. Theo đó, xây dựng và phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em với mục tiêu 50% tỉnh thành có dịch vụ bảo vệ trẻ em. Trong năm 2013, phấn đấu 85% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc để phục hồi, tái hòa nhập và có cơ hội phát triển, 65% trẻ em được phát hiện có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được giảm thiểu, loại bỏ nguy cơ; giảm tỷ lệ trẻ em bị tử vong do tai nạn thương tích xuống dưới 21/100.000 em.


Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Tiếp nhận ý kiến của trẻ em từ Diễn đàn tổ chức năm 2009 và 2011, Bộ đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về học tập của trẻ em. Theo đó, ngành giáo dục triển khai việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, thông qua các môn học chính khóa và ngoại khóa như chương trình “Học sinh tích cực phòng chống tệ nạn xã hội”, tổ chức vào tháng 5 hàng năm, “Thanh niên với tình bạn, tình yêu và gia đình hiện đại”, vào tháng 10 hàng năm. Bộ cũng thực hiện đổi mới nội dung giáo dục, trong đó hướng tới việc giảm tải nội dung học.

 

Ông Nguyễn Hải Hữu, Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ,TB&XH): Năm nay, Diễn đàn trẻ em tập trung góp ý sửa đổi Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em với nét mới về nâng độ tuổi trẻ em từ dưới 16 tuổi lên dưới 18 tuổi. Các em được cung cấp thông tin và thảo luận từ chính các câu chuyện kể của các em để từ đó có những khuyến nghị chính xác hơn. Bên cạnh đó, từ thực tế, các em đã khuyến nghị cần được chăm sóc bảo vệ trước tình trạng bạo lực tinh thần, ngược đãi, sao nhãng đang gia tăng. Đây là những vấn đề mặt trái của kinh tế thị trường đang tác động và các bộ, ngành hữu quan, chính quyền địa phương cần có những giải pháp, mô hình hỗ trợ kịp thời trong thời gian tới.

 

Xuân Minh

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN