Tăng cường giám sát thực hiện quyền trẻ em

Để phát huy hiệu quả luật bảo vệ quyền lợi của trẻ em trong thực tế, việc lắng nghe ý kiến của chính các em và hình thành một cơ quan giám sát việc thực hiện quyền trẻ em được xem là yêu cầu quan trọng cần đưa vào Dự thảo Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em trình Quốc hội thông qua vào năm 2015.

Hãy để trẻ nói lên suy nghĩ

Kết quả tham khảo, lấy ý kiến của đại diện học sinh 10 trường trung học cơ sở và tiểu học trên địa bàn thành phố Hà Nội cho thấy, bản thân các em đang bị áp đặt về suy nghĩ, cách học, cách chơi, bị gây áp lực về học tập, bị kiểm soát thời gian, không gian riêng tư hay phải làm những điều theo sự sắp xếp của gia đình, nhà trường và không được thể hiện quan điểm, chính kiến của mình...

Nhiều em đã mạnh dạn đóng góp ý kiến về quyền trẻ em tại tọa đàm góp ý kiến bổ sung Dự thảo Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em, tổ chức cuối tháng 12/2014.



Nguyễn Hoàng Quân, học sinh lớp 5A3 trường tiểu học Đại Yên, Hà Nội, cho biết, em không biết mình có quyền gì, tất cả mọi việc đều do gia đình sắp xếp, kể cả học tập và vui chơi. Nguyễn Anh Phương, lớp 8A5 trường THCS Nguyễn Siêu, Hà Nội chia sẻ, nhiều ý kiến của em không được người lớn lắng nghe, nhiều khi chính em bị áp đặt suy nghĩ nên không dám bày tỏ quan điểm của mình. “Gia đình bắt học thêm quá nhiều, nhất là gây áp lực về thành tích, làm em luôn thấy mệt mỏi” - là ý kiến của Nguyễn Khánh Linh, lớp 7A6 trường THCS Thành Công... Nhiều em còn cho biết, chính các em cũng không biết được quyền lợi của mình, đồng thời không biết tới Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em. Theo bác sĩ Nguyễn Trọng An, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Phát triển cộng đồng, trẻ em suy nghĩ rất khác người lớn, hãy để chính các em bày tỏ ý kiến và được nói lên suy nghĩ của mình. Đồng tính với ý kiến trên, bà Vũ Thị Kim Hoa, Phó Vụ trưởng Vụ Chăm sóc và Bảo vệ trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng, các em được quyền nói lên suy nghĩ và mong muốn của mình. Chính những điều các em nói ra là điều phản ánh trung thực nhất về hiện trạng thực thi quyền trẻ em.

Cần một cơ quan giám sát

Một trong những nguyên nhân khiến việc thực thi quyền trẻ em ở nước ta còn một số hạn chế, cũng như Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em hiện hành chưa phát huy hết được hiệu quả là do sau 10 năm áp dụng, nhiều quy định trong Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em năm 2004 đã không còn phù hợp. “Nhiều quy định chung chung, chưa cụ thể, cần sự thay thế, bổ sung và điều chỉnh” - bác sĩ Nguyễn Trọng An nhận xét. Mặt khác, ngoài Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em, các quyền của trẻ em còn được được quy định rải rác trong 22 đạo luật khác nhau, chính sự dàn trải này làm hạn chế quyền trẻ em trong thực tế.

Tăng cường các điều kiện để trẻ em được vui chơi, giải trí là một trong những kiến nghị được chú ý trong Dự thảo Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em năm 2015.



Bên cạnh đó, ông Nguyễn Phú Trường, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Đồng đội Trung ương cho rằng, những quy định trong luật vẫn còn khá xa thực tế. Từ trên giấy tới việc thực thi còn một khoảng cách. Do vậy, việc tuyên truyền về quyền trẻ em nên được thực hiện rộng rãi hơn. Đồng thời, cần nâng cao nhận thức của mọi người, nhất là trong gia đình và nhà trường về quyền trẻ em, giúp đảm bảo Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em được thực thi và tôn trọng trong thực tế.

Ông Nguyễn Phú Trường cho rằng, nên có cơ quan riêng để giám sát việc thực hiện luật bảo vệ quyền trẻ em, cũng như theo dõi quyền trẻ em trong cuộc sống. Thực tế cho thấy, chính việc không có cơ quan chịu trách nhiệm giám sát thực hiện quyền trẻ em nên quyền lợi của trẻ em đang bị ảnh hưởng và còn nhiều tồn tại. Đồng tình với ý kiến trên, bác sĩ Nguyễn Trọng An cũng đóng góp thêm: Nên phát triển đội ngũ công tác xã hội liên quan tới trẻ em, nhằm bảo vệ quyền trẻ em trong thực tế, tránh tình trạng nhiều vụ việc đáng tiếc xảy ra rồi mới sử dụng chế tài để xử phạt.

Nhân rộng nhiều diễn đàn

Trong khuôn khổ buổi tọa đàm góp ý kiến bổ sung Dự thảo Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em do Hội Đồng đội Trung ương và Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Phát triển cộng đồng phối hợp tổ chức cuối tháng 12 vừa qua tại Hà Nội, các em nhỏ có mặt đều mạnh dạn đưa ra những chia sẻ, ý kiến xoay quanh việc thực thi quyền trẻ em trong thực tế và những mong muốn về quyền trẻ em dưới lăng kính của mình. Đây thực sự là những đóng góp quan trọng để các đơn vị chức năng, những nhà làm luật, gia đình, nhà trường và xã hội tự xem xét lại chính mình trong việc xây dựng và thực hiện luật về quyền trẻ em. Tại buổi tọa đàm, bác sĩ Nguyễn Trọng An chia sẻ, đây thực sự là dịp để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của trẻ và là cơ hội tốt để những cơ quan liên quan tự xem xét lại những kiến nghị của mình đối với Dự thảo Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em năm 2015.

Không nên gây áp lực về học tập mà nên quan tâm, tạo điều kiện để trẻ phát triển toàn diện.


Sau phát biểu của mình tại tọa đàm, Nguyễn Hoàng Quân vui vẻ cho biết, tại buổi tọa đàm, em đã biết nhiều hơn về quyền của mình. “Điều em nói đã được các bác, các chú chú ý lắng nghe và trả lời, khiến em thấy rất vui”, Quân cho biết thêm.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của các buổi tọa đàm, các diễn đàn để trẻ em được chia sẻ suy nghĩ, bà Vũ Thị Kim Hoa nói: Chúng ta nên tạo ra các diễn đàn cho trẻ em để từ đó các em mạnh dạn nói lên suy nghĩ của mình. Chính các ý kiến của các em là cơ sở quan trọng để xây dựng Dự thảo Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em. Tuy nhiên, để có góc nhìn toàn diện về mong muốn của trẻ, bên cạnh việc mở thêm nhiều diễn đàn còn cần thu hút ý kiến của trẻ em tại nhiều địa phương. Theo ông Nguyễn Phú Trường, trong khuôn khổ một buổi tọa đàm thì chưa thể thu hút được mọi ý kiến của các em, cần có nhiều buổi tọa đàm, nhiều diễn đàn, nhiều hình thức lấy ý kiến để trẻ em được phát biểu nhiều hơn nữa về quyền lợi của mình. Nhất là để trẻ em ở các địa phương được chia sẻ. Có như thế ta sẽ có góc nhìn đầy đủ và toàn diện hơn để xây dựng những đóng góp quan trọng trong việc bảo vệ quyền trẻ em.

Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả trong việc xây dựng Dự thảo Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em năm 2015, các em cũng cần được thông tin về luật, về quyền của mình, từ đó đóng góp ý kiến, bổ sung cho phù hợp theo quan điểm của mình, để các cơ quan chuyên môn lắng nghe, tổng hợp và cân nhắc đưa vào Dự thảo Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em trình Quốc hội thông qua vào năm 2015. Tuy nhiên, “bên cạnh việc lắng nghe, cũng nên tuyên truyền cho các em hiểu về bổn phận và trách nhiệm của mình, tránh tình trạng các em lầm tưởng quá về quyền trẻ em” - bà Vũ Thị Kim Hoa cho biết.

Bài và ảnh: Anh Đức

Việt Nam đạt được những tiến bộ vượt bậc về quyền trẻ em
Việt Nam đạt được những tiến bộ vượt bậc về quyền trẻ em

Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và là nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước này vào năm 1990. Kể từ đó đến nay, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ vượt bậc trong việc thực hiện quyền của trẻ em.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN