Trao đổi với phóng viên báo Tin tức bên hành lang Quốc hội, đại biểu Bùi Văn Xuyền, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị tăng thuế bảo vệ môi trường cần được cân đối trong tổng thể chung.
Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Hiện có nhiều ý kiến cho rằng Bộ Tài chính đang tận thu thuế nhằm phục vụ cho ngân sách trong bối cảnh nhiều nguồn chi còn lãng phí. Do đó, phải xem xét đánh giá tổng thể tác động của việc tăng thuế này đối với sản xuất, đời sống, kinh doanh của người dân, nhất là khi tăng thuế đánh vào xăng dầu là mặt hàng được quản lý nghiêm ngặt.
"Cần xem vấn đề này đặt ra trong thời điểm hiện nay phù hợp chưa. Tôi băn khoăn không phải tăng thuế lên mà bảo vệ môi trường được, vì không chỉ xăng dầu gây ô nhiễm môi trường mà còn do nhiều tác động của đời sống, xã hội. Việc tăng thu ngân sách liệu có bảo vệ môi trường hay phục vụ việc khác", đại biểu Xuyền băn khoăn.
Theo ông Xuyền, Bộ Tài chính và Chính phủ cần minh bạch, nhà nước thu thuế sẽ phục vụ cái gì hay tăng thu ngân sách rồi chi tiêu không rõ thì không thuyết phục. Tại các nước, nguồn thu rất rõ ràng, nguồn thu môi trường là phải phục vụ môi trường chứ không dùng cái này chi cho cái khác.
"Nếu tăng thuế môi trường và phục vụ tốt cho môi trường thì người dân sẽ đồng tình. Các nước khác người dân rất tự hào, muốn đóng thuế vì nó phục vụ an sinh xã hội, phục vụ cuộc sống của họ. Ta phải làm sao để người dân cảm thấy nhà nước thu để phục vụ cho họ chứ không xảy ra tham nhũng, lãng phí", ông Xuyền nói.
Đồng quan điểm, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) cho rằng điều quan trọng nhất là làm sao minh bạch các khoản thu ngân sách nhà nước. Phải tạo được niềm tin cho người dân về các khoản người dân đã đóng góp, để người dân thấy rằng tiền của mình đầu tư có ích, có đóng góp cho xã hội. Ở những nước Bắc Âu, thuế rất cao nhưng người dân sẵn lòng đóng góp vì họ thấy đầu tư trở lại cho người dân rất lớn.
Bộ Tài chính đề xuất tăng kịch trần thuế bảo vệ môi trường với xăng lên 4.000 đồng/lít. Ảnh minh họa: Huy Hùng/TTXVN |
"Hiện nay phải tạm thời dừng các khoản kiến nghị làm tăng chi tiêu của nhân dân như phí, lệ phí, thuế... Cố gắng kiềm chế dù ngân sách có khó khăn. Cơ quan thuế luôn mong muốn thu được nhiều nhưng chúng ta phải làm tốt công tác thăm dò dư luận rồi hãy đưa ra dự thảo", đại biểu Trần Hoàng Ngân cho hay.
Theo đề xuất của Bộ Tài chính, thuế bảo vệ môi trường với xăng sẽ tăng từ 3.000 đồng/lít lên mức kịch khung cho phép là 4.000 đồng/lít. Dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên kịch trần 2.000 đồng/lít. Số thu từ dòng thuế này sẽ vào khoảng trên 55.000 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 14.368 tỷ đồng/năm.
Trong tờ trình gửi Ủy ban Thương vụ Quốc hội, ngoài xăng dầu, một số mặt hàng khác như than đá, dung dịch HCFC, túi nilon... cũng được Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế. Nếu phương án được thông qua, tổng số thuế bảo vệ môi trường dự kiến thu được sẽ vào khoảng 57.612 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 15.189 tỷ đồng/năm.
Theo giải thích của Bộ Tài chính, hiện giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam thấp hơn 120 nước, với mức 19.980 đồng/lít xăng. Bộ Tài chính khẳng định, việc tăng thuế bảo vệ môi trường sẽ khuyến khích sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả; góp phần khuyến khích sản xuất, tiêu dùng hàng hóa thân thiện với môi trường (như xăng dầu sinh học - xăng E5, E10, dầu diesel B5, B10, túi ni lông thân thiện với môi trường). Từ đó, sẽ giảm phát thải ô nhiễm môi trường, đảm bảo phát triển kinh tế đi liền giảm ô nhiễm môi trường và thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo vệ môi trường.