Các đại biểu cơ bản nhất trí cao về tầm quan trọng, ý nghĩa cấp thiết của việc xây dựng chương trình, chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ cho chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đất nước sau đại dịch COVID-19.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, hai năm qua, do đại dịch COVID-19, tốc độ tăng trưởng kinh tế nước ta suy giảm sâu, ước tính thiệt hại khoảng 30 tỷ USD. Bên cạnh đó, dịch bệnh còn ảnh hưởng nặng nề đến đời sống, sức khỏe, tinh thần của người dân; làm hàng triệu người dân bị mất việc làm, thất nghiệp. Chính vị vậy, việc Chính phủ trình Quốc hội Đề án về chương trình phục hồi, đưa ra các giải pháp tài khóa, tiền tệ là rất cần thiết và rất đúng đắn.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân đánh giá cao giải pháp mà Chính phủ đề ra sử dụng 6.600 tỷ đồng từ nguồn tiết kiệm ngân sách 2022 để thực hiện gói hỗ trợ người lao động thuê nhà. Điều đó giúp không ảnh hưởng đến chi ngân sách của năm 2022 về khoản chi hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Tuy nhiên, đại biểu Trần Hoàng Ngân bày tỏ sự băn khoăn về dự kiến số người thụ hưởng trong Đề án do Chính phủ đệ trình. Số liệu dự kiến cần hỗ trợ 400.000 người quay trở lại thị trường lao động và 3,6 triệu lao động đang thuê nhà là chưa có căn cứ để đánh giá độ chính xác.
Về gói hỗ trợ trị giá khoảng 110.000 tỷ đồng để phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, biện pháp hỗ trợ lãi suất 2% tiền vay là rất cần thiết, đáp ứng nhu cầu ổn định, phục hồi nền kinh tế. Tuy nhiên, cần làm rõ số tiền hỗ trợ lãi suất 2% trong 2 năm dự kiến 40.000 tỷ đồng, tương đương với dư nợ vay khoảng 1 triệu tỷ đồng thì ngành nào được ưu tiên. Đề án của Chính phủ có đưa ra các ngành được hỗ trợ 2% như hàng không, vận tải, du lịch, dịch vụ, công nghệ thông tin… nhưng chưa đưa ra được tỷ trọng hỗ trợ đối với từng ngành. Vì vậy, cần phải tính toán kỹ, đầy đủ để hướng dẫn các ngân hàng thương mại khi triển khai không thiên lệch, đảm bảo tính đồng bộ giữa các ngành với nhau.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân nói thêm: Tôi đặc biệt quan tâm đến ngành nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sản phẩm chất lượng cao. Vừa qua, hàng hóa, nông sản Việt Nam bị ách tắc tại các cửa khẩu, đặc biệt cửa khẩu với Trung Quốc, dẫn đến phải quan tâm đến chính sách giải cứu nông sản. Cần nghiên cứu chính sách hỗ trợ lãi suất để đảm bảo tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại để đảm bảo sản xuất chính ngạch. Ngành nông nghiệp cần thiết phải nhận được tỷ trọng ưu đãi lãi suất cao nhất trong nhóm các ngành được hỗ trợ”.
Đồng tình với chương trình, chính sách tài khóa - tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi, phát triển kinh tế, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho rằng, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình hỗ trợ. Trừ các dự án công trình lớn thì các chương trình hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và các hoạt động khôi phục vận tải, liên kết phải được đẩy nhanh tiến độ, tập trung trong khoảng thời gian 6-9 tháng tới. Hiện nay, doanh nghiệp đang rất thiếu vốn để khởi động lại sản xuất, người lao động cần hỗ trợ để quay lại nơi cũ tìm việc làm mới. Vì thế, cần đẩy nhanh hơn tiến độ, có cơ chế để từng ngành, từng địa phương sử dụng nguồn vốn hỗ trợ hiệu quả, kịp thời.
Theo đại biểu Nguyễn Thiện Nhân, đặc biệt cần củng cố, hỗ trợ quyết liệt cả vật chất, tài chính, cũng như động viên tinh thần là ngành y tế. Đây là ngành chịu tải lớn nhất trong 2 năm vừa qua, với sự nỗ lực làm việc rất lớn. Vì thế, rất cần thiết đầu tư bổ sung để ngành y tế đủ sức thích ứng và điều trị, phòng ngừa dịch một cách bền vững. Bên cạnh đó, cần có biện pháp rà soát chính sách đối với cán bộ, nhân viên y tế hiện hành, thu hút nhân lực cho y tế cơ sở để đảm bảo hoạt động của ngành y tế trong tình hình mới.
Trong khi đó, đại biểu Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh cho rằng, cần nghiên cứu, đảm bảo phối hợp đồng bộ hai chính sách (tài khóa và tiền tệ) để đạt hiệu hiệu quả cao vì mỗi chính sách có đặc trưng, đặc điểm khác nhau. Bên cạnh đó, cần xác định được các vấn đề ưu tiên khi thực hiện chính sách hỗ trợ, như ưu tiên hỗ trợ trực tiếp cho y tế cơ sở; hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng trực tiếp… Liên quan đến chính sách tiền tệ, cần ước lượng được lượng cung tiền đưa ra nền kinh tế, khả năng hấp thụ nguồn tiền của nền kinh tế để xây dựng kịch bản kiểm soát lạm phát, đảm bảo cho sự phát triển ổn định của nền kinh tế vĩ mô.
Quan tâm đến chính sách tài khóa hai năm tới dành khoảng 113,85 nghìn tỷ đồng đầu tư hạ tầng, đại biểu Trần Anh Tuấn cho rằng, trong tổng số 12 dự án đầu tư công trong hành lang đầu tư cao tốc Bắc - Nam phía Đông thì chỉ có 2 dự án cho vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long là ít bởi hạ tầng khu vực phía Nam hiện rất kém phát triển so với hạ tầng phía Bắc. Vì thế cần cân đối nguồn lực, đầu tư thêm các tuyến giao thông tại khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ để tạo động lực phát triển cho khu vực này.