Bên lề Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV:

Đại biểu kiến nghị sớm triển khai lộ trình xã hội hoá ngành điện

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức bên hành lang Quốc hội, đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Hà Nội) cho biết, ngoài giải pháp tiết kiệm điện, việc phát triển nguồn điện mới là then chốt để giải quyết tình trạng thiếu điện.

Hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực điện năng

Theo dự báo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trường hợp các tình huống cực đoan xảy ra, miền Bắc có nguy cơ thiếu 1.600-4.900 MW điện trong tháng 5 và tháng 6. Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, để xảy ra tình huống này, trách nhiệm thuộc cả hai phía là EVN và người dân. 

Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, thời gian qua, ngành điện có những khó khăn chủ quan, khách quan, khiến nhiều dự án điện chưa triển khai, chưa huy động tối đa nguồn điện. Nhưng trách nhiệm của EVN là phải đảm bảo đủ nguồn điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Mặt khác, theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, cũng phải thúc đẩy trong toàn dân văn hoá tiêu dùng, văn hoá tiết kiệm điện. Khi việc tiết kiệm điện trở thành văn hoá, chi phối hành vi hàng ngày của người dân, chúng ta sẽ giảm được nhu cầu điện năng cho mỗi gia đình, góp phần giải quyết khó khăn cho ngành điện hiện nay.

Về việc hàng nghìn MW năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió) chưa huy động lên lưới, trong khi chúng ta vẫn phải nhập khẩu điện từ Lào và Trung Quốc, đại biểu Vũ Tiến Lộc cho hay, phát triển năng lượng tái tạo là định hướng phát triển quan trọng và đúng hướng của ta trong thời gian tới. Phát triển năng lượng này không chỉ làm tăng tổng cung trong hệ thống năng lượng quốc gia mà còn tạo ra nguồn năng lượng sạch, năng lượng chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Hiện nay, theo xu hướng chung của thế giới, các nhà đầu tư nước ngoài có những cam kết sử dụng năng lượng xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Khi đầu tư vào một quốc gia, doanh nghiệp ngoại rất quan tâm rằng quốc gia đó sử dụng tỉ lệ năng lượng tái tạo như thế nào, có đảm bảo yêu cầu về năng lượng sạch cho họ. Do vậy, việc đầu tư, phát triển các nguồn điện tái tạo không chỉ có ý nghĩa phát triển nguồn điện cho phát triển kinh tế - xã hội, mà còn thúc đẩy dòng vốn đầu tư chất lượng cao, thân thiện với môi trường, mở đường cho dòng vốn đầu tư mới vào Việt Nam.

“Trên thực tế, những dự án điện cũng đóng góp lớn vào tăng trưởng, đầu tư, nên đây là xu hướng mà chúng ta cần thúc đẩy. Muốn làm được điều đó, phải có chuyển động rất nhanh, quyết sách kịp thời về quy hoạch và chính sách, nhất là chính sách về giá, phân phối điện. Thời gian qua, chúng ta vẫn còn lúng túng về việc này. Do vậy, thời gian tới, Chính phủ cần tập trung giải tỏa những khó khăn, vướng mắc, hoàn thiện hệ thống pháp luật, hệ thống chính sách trong lĩnh vực điện năng, nhất là năng lượng tái tạo, sẽ góp phần huy động được các nguồn lực để đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước”, đại biểu Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Về việc tăng giá điện, theo đại biểu, trong bối cảnh doanh nghiệp và người dân rất khó khăn như hiện nay, chúng ta đang thực hiện khoan thư sức dân, yểm trợ cho doanh nghiệp, thì không nên đưa ra bất cứ giải pháp nào để tăng giá, tăng phí, tăng thêm thủ tục cho người dân và doanh nghiệp khi dư địa về tài khoá của Chính phủ vẫn còn lớn. Do vậy, Chính phủ phải cùng với các ngành hàng, ngành điện lực giải quyết vấn đề này.

Sớm triển khai lộ trình xã hội hoá ngành điện

Chú thích ảnh
Đại biểu Lê Thanh Vân, Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau.

Liên quan đến vấn đề EVN báo lỗ liên tiếp và liên tục tăng giá, phải đi nhập khẩu điện ở Trung Quốc, Lào trong khi nguồn điện từ năng lượng tái tạo lại chưa được hoà mạng, đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) cho rằng, việc sản xuất điện cần song hành với việc cải thiện hạ tầng truyền tải, nhưng vừa qua hai việc này lại thực hiện không đồng bộ.

“Lúc thì đồng ý cho bổ sung hàng loạt các dự án năng lượng tái tạo nhưng khi sản xuất ra, năng lực truyền tải có hạn dẫn đến có điện mà không tiêu thụ được. Cùng với đó, cơ sở pháp lý của các dự án cũng chưa minh bạch gây khó khăn khi hoà mạng”, ông Vân nói và cho rằng, nếu khắc phục được những vấn đề này từ trước, sẽ không thiếu điện, không phải tăng giá điện.

Ông Lê Thanh Vân cũng cho rằng, cần phải xem xét lại chi phí hệ thống vận hành đường truyền tải điện, chi phí cho sản xuất điện của EVN khi nhiều người vẫn lo ngại chi phí này quá lớn do bộ máy hoạt động cồng kềnh, mà điều này lại tính hết vào giá thành.

Theo đại biểu Lê Thanh Vân, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng cần thanh tra, kiểm tra vai trò của EVN để trả lời cho Quốc hội biết việc quản lý, quản trị của doanh nghiệp này như thế nào, tại sao năm nào cũng thua lỗ, lỗ đến hàng chục nghìn tỉ xong lại tính hết vào giá điện khiến người dân phải gánh chịu.

“Người dân không hề liên quan đến việc thua lỗ của EVN, đó là do việc sản xuất điều hành giá điện yếu kém, không chịu tiết kiệm bộ máy dẫn đến phát sinh chi phí cao. Có một thời gian người dân cũng đặt câu hỏi về thu nhập của cán bộ, lãnh đạo EVN rất cao, đến bây giờ cơ quan chức năng vẫn chưa vào cuộc”, đại biểu Lê Thanh Vân nêu vấn đề.

Theo đại biểu Lê Thanh Vân, lộ trình xã hội hoá ngành điện hiện nay còn chậm, càng để độc quyền, sự lộng hành về giá là không tránh khỏi. Do đó, cần sớm triển khai lộ trình đó để các thành phần kinh tế tham gia vào sản xuất, truyền tải điện. Nhà nước chỉ nên độc quyền về phân phối, tách chức năng quản lý nhà nước với chức năng kinh doanh mới đảm bảo được chiến lược về an ninh năng lượng quốc gia.

Còn đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, ĐBQH tỉnh Hải Dương phát biểu: "Với người dân, việc tăng 3% giá điện có thể chưa tác động quá lớn đến cuộc sống. Nhưng nhìn rộng ra, bất cập của giá điện hiện nay không phải là bán điện với giá bao nhiêu tiền mà là cách tính giá điện chưa phù hợp với điều kiện hiện tại. Hiện thang bảng giá điện sinh hoạt chưa hợp lý, có những ngành nghề cần ưu đãi giá điện thì đang phải chịu giá điện cao, có những ngành nghề không nằm trong trong khu vực ưu đãi thì vẫn được ưu đãi về giá điện. Do đó, theo tôi, trước khi EVN tính toán đến tăng giá điện thì nên xem lại cơ cấu tính giá điện cho hợp lý nhất để cả người dân, doanh nghiệp và EVN không phải chịu thiệt thòi, bất cập ở đâu thì chúng ta phải gỡ ở đó trước đã".

Cũng theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đại biểu đã nghe EVN trả lời về năng lượng tái tạo chưa được đấu nối và cũng thấy tình trạng người dân cho biết họ đã đầu tư điện mặt trời, ban đầu EVN cam kết mua hết nhưng việc mua lại nhỏ giọt và người dân thừa điện mà không biết xử lý như thế nào. 

"Chúng ta đứng trước nguy cơ thiếu điện rất lớn, đặc biệt là trong các mùa hè, khi nhu cầu sử dụng điện tăng cao. Để giải quyết thì chúng ta cần có sự giám sát cũng như khảo sát thực sự kỹ lưỡng về vấn đề này, hiện nay rõ ràng giữa câu trả của EVN với phản ánh của người dân chưa gặp nhau nên vấn đề này cần làm minh bạch", đại biểu đoàn Hải Dương nêu.

Bài, ảnh, clip: PV/Báo Tin tức
40/40 dự án điện chuyển tiếp đề xuất giá tạm bằng 50% giá trần
40/40 dự án điện chuyển tiếp đề xuất giá tạm bằng 50% giá trần

Công ty mua bán - điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, đến nay đã hoàn thành đàm phán ký và ký tắt hợp đồng mua bán điện với 40/40 chủ đầu tư điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp đề xuất giá tạm thời bằng 50% khung giá trần.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN