Đại biểu Trần Hoàng Ngân trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội. Ảnh: TTXVN |
Sáng 23/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc. Bên hành lang Quốc hội, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, Dự án Luật phải hướng đến vấn đề hành chính tinh gọn và hiệu quả.
Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, kinh tế Việt Nam trong năm 2017 và những tháng đầu năm 2018 tăng trưởng cao. Tuy nhiên, trong quá trình thảo luận đều có nhận định rằng, tăng trưởng cao nhưng chưa vững chắc. Thực tế đó cho thấy, tăng trưởng kinh tế vẫn chưa đồng bộ, thiếu các cực phát triển mới.
Do đó, việc tìm ra được các cực phát triển mới tại các khu vực còn tiềm năng như: Phú Quốc, Vân Đồn và Bắc Vân Phong để thúc đẩy phát triển kinh tế là cần thiết.
Quốc hội đã thảo luận ở kỳ họp trước, lãnh đạo các đơn vị trung ương cũng thảo luận về vấn đề này và thấy rằng, rất cần thiết có luật về đặc khu hành chính kinh tế đặc biệt. Luật Đặc khu có 2 mảng là hành chính và kinh tế đặc biệt.
Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, việc thu hút vốn FDI trong 30 năm vừa qua để lại cho chúng ta những bài học rất đáng quan tâm và đang có chiến lược, cần định hướng lại việc thu hút FDI.
Trong 30 năm, mặc dù thu hút FDI rất lớn và đóng góp trên 20% GDP, 24% tổng vốn đầu tư xã hội và 72% kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, việc hỗ trợ chuyển giao công nghệ cũng như phát triển công nghiệp hỗ trợ còn rất hạn chế.
Do đó, việc xây dựng Luật Đặc khu với định hướng tiếp tục thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Vậy cần phải cân nhắc lại nên thu hút FDI vào lĩnh vực nào. Cụ thể như mình có cần phải có casino hay không? Phải tính toán lại làm sao việc thu hút đầu tư nước ngoài theo định hướng xanh, sạch.
Một tấm biển rao bán đất ở Phú Quốc. Ảnh: Lê Huy Hải-TTXVN |
Định hướng xanh ở đây được hiểu là phải ưu tiên về vấn đề bảo vệ môi trường. Sạch ở đây, được hiểu là DN đầu tư đó phải có một lý lịch trong sạch. Điều này được thể hiện qua các vấn đề về đóng thuế, DN này có chuyển giá hay không? Hay DN này làm ăn có lành mạnh hay không?… Và vấn đề mấu chốt là phải ưu tiên về chất lượng, tức vấn đề về công nghệ cao. Một yếu tố quan trọng khác là tính lan tỏa, tức là phải gắn với sự phát triển ở trong nước.
Cũng theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, Luật Đặc khu cần chú ý tập trung nhiều hơn về khía cạnh hành chính đặc biệt hơn là kinh tế. Bởi hiện nay Việt Nam đã có nhiều các khu kinh tế, đặc biệt là khu kinh tế ven biển. Do đó khi thực hiện thí điểm thì vấn đề hành chính cần phải gọn nhẹ, hiệu quả. Như vậy, mới tiết kiệm được các khoản chi, với thể chế gọn nhẹ thì sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân mong muốn Luật Đặc khu sẽ giúp tạo ra một thí điểm về hành chính đặc biệt từ đó nhân rộng ra cả nước hơn là kinh tế đặc biệt. Khi ban hành Luật Đặc khu chúng ta mong muốn có thêm các cực để phát triển, mong muốn có thêm những đầu tàu ở từng lĩnh vực để từ đó tạo ra những cực tăng trưởng giúp kinh tế đất nước có sự phát triển bền vững.
Liên quan đến quyền hạn người đứng đầu đặc khu, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, nên để cho họ quyền hạn đến mức mà có thể triển khai một cách nhanh nhất và chịu trách nhiệm trước quyền hạn của mình. Và ở đây còn liên quan đến lãnh đạo của các tập đoàn, DN, người đại diện vốn nhà nước. Do đó, cần làm rõ quyền hạn và trách nhiệm của họ. Mặt trận tổ quốc, Hội đồng nhân dân, Quốc hội giám sát được quyền này, và như vậy sẽ đảm bảo sự minh bạch và công khai.
Về vấn đề ưu đãi, ông Ngân cho rằng, không nên dành quá nhiều ưu đã cho các khu vực này. Bởi vì, chúng ta đầu tư phải nhanh chóng lấy lại vốn. Bên cạnh đó, vấn đề hiện nay là phải kiểm soát được giá cả đất ở các khu vực này. Đừng để những cơn sốt đất cản trở nhà đầu tư. Vì nhà đầu tư phải trả chi phí quá lớn cho thuê, chuyển nhượng đất thì họ sẽ không đầu tư nữa.