Theo đó, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND và UBND thành phố Đà Nẵng có 11 phòng, ban chuyên môn trực thuộc; trong đó, gồm 9 phòng, ban theo Nghị quyết số 580/2018/NQ-UBTVQH14 và 2 phòng chuyên môn theo nhu cầu thực tế của địa phương (gọi tắt là Văn phòng hợp nhất).
Văn phòng hợp nhất có Chánh Văn phòng và các Phó Chánh Văn phòng cùng lãnh đạo các phòng chức năng. Trong giai đoạn mới thành lập, số lượng Phó Chánh Văn phòng có thể không vượt quá số lượng lãnh đạo Văn phòng hiện có của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND thành phố trước khi hợp nhất ( lãnh đạo các Văn phòng hiện có 8 người).
Sau khi thành lập và đi vào hoạt động, Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND và UBND thành phố Đà Nẵng có trách nhiệm xây dựng phương án, lộ trình sắp xếp đến năm 2020 đảm bảo số lượng cấp phó theo quy định chung.
Tổng chỉ tiêu xác định đối với Văn phòng hợp nhất là 151 chỉ tiêu (123 biên chế công chức, 28 hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP, không giao lao động hành chính). Như vậy, thành phố Đà Nẵng sẽ giải quyết dôi dư đối với 21 người.
Theo phương án giải quyết, bên cạnh những cá nhân có đơn xin thôi việc, cá nhân nghỉ hưu theo chế độ, Chánh Văn phòng hợp nhất có trách nhiệm xem xét giải quyết, xử lý theo quy định hiện hành; có phương án trình UBND thành phố xem xét bố trí sang các Sở theo phân cấp quản lý…
Ông Lê Minh Trung cho biết: Đà Nẵng đã có văn bản đề nghị Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự Đảng Chính phủ có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc chuyển, phân công, tổ chức sinh hoạt Đảng đối với Chánh Văn phòng, Phó Chánh Văn phòng các công chức thuộc Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND và UBND thành phố; đặc biệt là Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND và UBND thành phố trong việc tham gia thành viên Đảng đoàn HĐND và Ban Cán sự Đảng UBND thành phố.
Đà Nẵng cũng kiến nghị Văn phòng Quốc hội có văn bản đề nghị Bộ Nội vụ điều chuyển nguyên trạng biên chế công chức, hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội Đà Nẵng từ Văn phòng Quốc hội sang UBND thành phố Đà Nẵng quản lý để giao đối với Văn phòng Đoàn Đại biểu quốc hội, HĐND và UBND thành phố sau hợp nhất (bao gồm chỉ tiêu đối với Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Đà Nẵng để thống nhất thực hiện các chế độ, chính sách theo quy định).
Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ hướng dẫn cụ thể về xác định nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh Văn phòng Đoàn Đại biểu quốc hội, HĐND và UBND thành phố trong vai trò thành viên Thường trực HĐND thành phố và thành viên UBND thành phố; cơ chế hoạt động, thực hiện nhiệm vụ giúp Đoàn Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Quốc hội, HĐND, Thường trực HĐND, các ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND thành phố trong hoạt động giám sát, khảo sát, theo dõi, tổng hợp, đôn đốc cơ quan thuộc UBND thành phố thực hiện nghị quyết, kết luận về giám sát của Quốc hội và HĐND. Đồng thời, thống nhất về việc quản lý, sử dụng chỉ tiêu biên chế giao đối với đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách và Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND thành phố; có tính trong tổng biên chế công chức của thành phố Đà Nẵng được Chính phủ, Bộ Nội vụ giao hay không, đơn vị nào thực hiện các chế độ chính sách theo quy định đối với các trường hợp nêu trên…