Đa dạng hóa hình thức giới thiệu di sản văn hóa Việt Nam với quốc tế

Đa dạng hóa các hình thức hoạt động, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về di sản văn hóa ở trong nước và giới thiệu di sản văn hóa Việt Nam với bè bạn quốc tế.

Đó là đề nghị của Ủy viên Bộ chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng tại cuộc gặp mặt Đoàn đại biểu Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tại nhà Quốc hội vào chiều 20/11.

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại buổi gặp mặt. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Tại cuộc gặp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng biểu dương Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc; khẳng định việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa vừa là trách nhiệm của Nhà nước vừa là trách nhiệm của tất cả các tổ chức, cá nhân trong xã hội.

Chỉ rõ bối cảnh hội nhập khu vực và quốc tế ngày càng sâu rộng, đòi hỏi càng phải giữ vững độc lập, hòa bình, hữu nghị, hợp tác để phát triển, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, phải quan tâm đến nâng cao dân trí, gắn xây dựng, phát triển kinh tế với các lĩnh vực văn hóa - xã hội, phát huy thật tốt truyền thống, cốt cách con người Việt Nam, bản sắc văn hóa của các dân tộc Việt Nam. Để làm được điều này, cần có sự đóng góp của các nhà khoa học, nhà văn hóa, nhà giáo và các nhà quản lý văn hóa, các nghệ sĩ, nghệ nhân, thành viên của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, thời gian tới, Hội Di sản văn hóa Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò, uy tín của Hội, tập hợp, vận động các thành viên, nhất là các nhà khoa học, các nhà văn hóa, các nhà dân tộc học tiếp tục tổng kết các chuyên đề, cùng tham mưu cho Đảng, Nhà nước về chính sách. 

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội lưu ý, Hội cần góp phần tích cực hơn nữa vào việc xây dựng nếp sống văn hóa, động viên Nhân dân có trách nhiệm giữ gìn các sản phẩm tinh thần có giá trị lịch sử văn hóa, khoa học đang được lưu giữ bằng trí nhớ, bằng chữ viết của các dân tộc, bằng các vũ điệu dân gian, cách ứng xử văn hóa của các dân tộc Việt Nam; lưu giữ, lưu truyền cả tiếng nói, chữ viết các dân tộc thiểu số.

Hội Di sản văn hóa Việt Nam cũng cần nghiên cứu, có những hình thức phục dựng các lễ hội tốt đẹp của người Việt Nam, lưu truyền các tác phẩm văn hóa, nghệ thuật, khoa học, ngữ văn truyền miệng, các hình thức diễn xướng dân gian về lối sống, nếp sống tốt đẹp, các bí quyết về nghề thủ công truyền thống, kiến trúc độc đáo, tri thức về y học, dược học cổ truyền, hoặc nghiên cứu về sự phong phú văn hóa ẩm thực, trang phục truyền thống các dân tộc, các tri thức dân gian huyền bí về đám cưới, việc tang hiếu các dân tộc đều chứa đựng triết lý sống, răn dạy đạo lý của cha ông.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng đề nghị Hội Di sản văn hóa Việt Nam cần tổ chức và phối hợp tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm khoa học xung quanh các vấn đề thực tiễn đặt ra đối với sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; tích cực tham gia ý kiến và thực hiện chức năng phản biện xã hội về di sản văn hóa.

Chú thích ảnh
Quang cảnh buổi gặp mặt. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Hội Di sản Văn hóa Việt Nam là tổ chức xã hội - nghề nghiệp hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hóa, hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự đảm bảo về kinh phí, không có sự tài trợ của Nhà nước. Báo cáo với Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng về hoạt động của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, đại diện Hội cho biết, từ khi ra đời năm 2004 đến nay, Hội đã có bước phát triển toàn diện, bền vững; vị thế và uy tín của Hội ngày càng được nâng cao, góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Hạnh Quỳnh (TTXVN)
Thành lập Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia
Thành lập Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia

Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Quyết định số 1522/QĐ-TTg về việc thành lập Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN