Cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm trật tự đô thị trên đường Nguyễn Khánh Toàn. Ảnh: hanoimoi.com.vn |
Có 23 cơ sở có công trình vi phạm sẽ bị phá dỡ; trong đó có nhiều nhà hàng, quán nhậu, showroom đang hoạt động kinh doanh. Cụ thể, lô số 1 gồm 7 trường hợp; lô số 3 có 10 trường hợp; lô số 4 có 6 trường hợp.
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Trần Việt Hà, trước khi tiến hành cưỡng chế, UBND phường Quan Hoa đã gửi văn bản, thông báo quyết định cưỡng chế đến từng hộ kinh doanh, yêu cầu các tổ chức, cá nhân là chủ đầu tư sớm di chuyển địa điểm kinh doanh, kinh doanh đúng mục đích là trông giữ xe và phụ trợ; đồng thời tự giác tháo dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng, di chuyển người và vật dụng, tài sản ra khỏi khu đất có công trình vi phạm xong trước 16 giờ ngày 16/5/2018.
Các trường hợp gặp khó khăn vướng mắc trong việc di dời cần báo lại để các đơn vị có chức năng hỗ trợ việc di dời, hạn chế thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra. Đồng thời, quận Cầu Giấy đã tiến hành cắt điện, cắt nước đối với các cơ sở kinh doanh không đúng ngành nghề, vi phạm trật tự xây dựng, mục đích sử dụng đất.
Đối với các trường hợp không chấp hành, quận tổ chức cưỡng chế xử lý vi phạm trật tự xây dựng. UBND phường Quan Hoa được giao nhiệm vụ bố trí địa điểm, mặt bằng để tạm giữ tài sản sau cưỡng chế.
Lãnh đạo quận Cầu Giấy cho biết, đến trước thời điểm thực hiện quyết định cưỡng chế, phần lớn các chủ đầu tư đã dừng kinh doanh, di dời đồ đạc và tự tháo dỡ công trình vi phạm. Tuy nhiên, hiện vẫn có một số hộ chưa đồng thuận với quyết định của UBND quận nên quận buộc phải tiến hành cưỡng chế phá dỡ và dự kiến sẽ hoàn thành việc phá dỡ trong vài ngày.
Đặc biệt, sau khi giải phóng mặt bằng xong các ô đất vi phạm, lực lượng chức năng sẽ dựng hàng rào tôn cao 3m xung quanh dự án, tổ chức gắn camera giám sát để ngăn chặn các trường hợp cố tình tái vi phạm và chỉ để lối vào tại những khu vực nằm trong quy hoạch. Các trường hợp có hành vi phá hoại, cơ quan chức năng sẽ tiến hành khởi tố theo quy định.
Theo quyết định phê duyệt, Dự án cống hóa mương Nghĩa Đô để xây dựng bãi đỗ xe được UBND thành phố Hà Nội cấp giấy chứng nhận đầu tư ngày 31/5/2007 cho Công ty cổ phần Đầu tư, Xây lắp, Thương mại và Dịch vụ. Tổng diện tích dự án là 14.000m2, quy mô khoảng 185 ôtô và 500 xe máy và các dịch vụ phụ trợ.
Tuy nhiên, sau khi được thành phố giao đất, tháng 9/2011, chủ đầu tư đã nhượng dự án cho doanh nghiệp khác là Công ty cổ phần Đầu tư An Lộc. Tiếp đó, đơn vị chủ đầu tư mới này đã ký 30 hợp đồng cho các tổ chức, cá nhân để khai thác, sử dụng các công trình của dự án với nhiều mục đích khác nhau.
Điều đáng nói, thay vì làm bãi gửi xe và công trình phụ trợ, 14.000 m2 đất công đã bị chuyển đổi mục đích thành nhà hàng, quán ăn. Từ năm 2012, chính quyền quận Cầu Giấy và phường Quan Hoa đã nhiều lần xử lý các vi phạm trên nhưng vẫn không kiên quyết, triệt để, các vi phạm vẫn tồn tại gây bức xúc trong nhân dân.
Theo thống kê, trong tổng số 42 cơ sở kinh doanh trên khu vực dự án chỉ có 4 cơ sở trông giữ xe, 6 cơ sở hoạt động dịch vụ sửa chữa, rửa xe và mua bán xe, 25 cơ sở hoạt động kinh doanh ăn uống, 7 cơ sở hoạt động ngành nghề khác. Hơn nữa, có tới 19/42 cơ sở không kê khai và nộp thuế đối với cơ quan thuế trên địa bàn quận Cầu Giấy.