Tắc trách từ cơ sở
Bên cạnh nhiều dự án lớn mà TP Hồ Chí Minh thực hiện tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng thì vẫn còn nhiều vụ việc phát sinh tranh chấp, thậm chí mức độ gay gắt. Gần đất nhất là vụ “san bằng” 50 phòng trọ trên địa bàn quận Thủ Đức của ông Đỗ Cao Bằng.
Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tại TP Hồ Chí Minh còn gặp nhiều gian nan. Trong ảnh: Một đoạn kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè chảy qua khu vực quận 3 nhìn từ trên cao. Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN |
Nguyên thửa đất 769-16 và 769-17 thuộc tờ bản đồ số 5, đường 30, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức do ông Đỗ Cao Bằng sở hữu và đã uỷ quyền cho con gái là bà Đỗ Minh Yến quản lý, sử dụng. Do chưa có nhu cầu để ở nên gia đình bà Đỗ Minh Yến thuê nhà thầu thi công xây dựng 50 phòng trọ và đã cho thuê ổn định được 2 năm qua.
Từ năm 2015 - 2016, Thanh tra Sở Xây dựng và UBND quận Thủ Đức đã ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị, yêu cầu ông Đỗ Cao Bằng phải tự tháo dỡ. Đến sáng 7/8/2017, chính quyền địa phương đã huy động người, máy móc tới phá dỡ toàn bộ khu nhà trọ trong sự ngỡ ngàng của gia đình ông Đỗ Cao Bằng.
Ông Đỗ Cao Bằng bức xúc, dù là chủ đất nhưng ông lại chưa hề nhận được các quyết định xử phạt, cưỡng chế, thông báo thời gian cưỡng chế... Các văn bản đó lại được UBND phường Hiệp Bình Chánh gửi đến nhà thầu thi công nhà trọ. Đến khi xảy ra cưỡng chế thì chính quyền mới cung cấp các văn bản liên quan cho ông.
Điều đáng nói là trong thư mời đề ngày 2/8/2017 với nội dung mời ông Đỗ Cao Bằng và bà Đỗ Minh Yến lên UBND phường Hiệp Bình Chánh để tham dự buổi họp về cưỡng chế thì UBND phường Hiệp Bình Chánh lại không ghi nội dung về ngày, giờ, tháng, năm làm việc (bỏ trống), gây nhiều bức xức và hoài nghi đối với người dân.
Về vấn đề này, lãnh đạo UBND phường Hiệp Bình Chánh thừa nhận có sai sót và đã xử lý cán bộ thụ lý. Mặt khác, theo phản ánh của người dân, cùng nằm trong khu quy hoạch nhưng sát nhà trọ của bà Đỗ Minh Yến bị phá dỡ lại tồn tại nhiều nhà trọ nhếch nhác mà vẫn chưa bị xử lý.
Cũng trên địa bàn quận Thủ Đức, đã xảy ra khiếu nại kéo dài tại dự án bất động sản Vạn Phúc Riverside (quy mô 198 ha tại phường Hiệp Bình Phước). Đây là dự án kinh doanh nhà ở thương mại, chủ đầu tư tự thương lượng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản với người dân.
Tuy nhiên trong quá trình thương lượng, UBND quận Thủ Đức đã ban hành và áp giá bồi thường cho mỗi mét vuông đất thấp hơn giá thị trường tới 15 lần, gây bức xúc cho người dân, khiến một số dự án thành phần chưa hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng. Trong khi nhiều hạng mục hạ tầng chưa hoàn thiện nhưng chủ đầu tư dự án lại rao bán rầm rộ với giá cao gấp nhiều lần so với giá người dân nhận đền bù.
Hiện nay, UBND TP Hồ Chí Minh đã giao Thanh tra thành phố nghiên cứu, rà soát, báo cáo vụ việc, đề xuất trình thành phố xem xét giải quyết theo quy định đối dự án này.
Một sự vụ khác gây xôn xao dư luận là câu chuyện dân bỏ tiền làm đường bị xã xử phạt diễn ra tại huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã yêu cầu UBND TP Hồ Chí Minh kiểm tra, báo cáo sự việc này.
Cụ thể, đoạn đường tự mở (cuối đường Tân Thới Nhất 16 đến hết thửa đất 620) dài khoảng 200 m, chiều ngang 5 m, là mương thoát nước có từ trước năm 1975, qua thời gian bị bồi đắp. Đến năm 2011, các hộ dân có đất tại khu vực sử dụng để hoạt động đi lại.
Ngày 13/5/2017, ông Nguyễn Thế Dũng đổ đá trên tuyến mương này để làm đường. Khi phát hiện sự vụ, UBND xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn đã lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi san, lấp mương trái quy định. Đồng thời, ban hành quyết định đình chỉ thi công xây dựng công trình vi phạm, buộc ông Nguyễn Thế Dũng khôi phục lại hiện trạng ban đầu.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Trần Văn Chiến, Chủ tịch UBND xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn cho biết, nguyên nhân là ông Nguyễn Thế Dũng muốn phân lô tách thửa khu đất 10.000 m2 nên đổ đá lấp mương để làm thêm đường phía sau khu đất. Sau khi xử phạt hành chính 3 triệu đồng, UBND xã đã yêu cầu đơn vị thi công trả lại hiện trạng, đồng thời gia cố lại bờ kênh để phục vụ người dân đi lại và tưới tiêu.
Lãng phí đất vàng
Không chỉ phát sinh nhiều vấn đề về trật tự đô thị mà quá trình quản lý sử dụng đất và chuyển đổi mục đích sử dụng đất; trong đó có các doanh nghiệp cổ phần hoá tại TP Hồ Chí Minh cũng đang tồn tại nhiều bất cập. Điều đáng nói là các dự án được chuyển đổi sử dụng đất sang làm dự án nhà ở thương mại, mặc dù chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính nhưng vẫn được triển khai, mở bán rầm rộ với giá bán cao ngất ngưởng, doanh nghiệp “bỏ túi” nhiều tỷ đồng. Sự quản lý lỏng lẻo này, nếu không được chấn chỉnh kịp thời sẽ gây thất thoát ngân sách Nhà nước, tạo hiệu ứng thiếu lành mạnh cho thị trường bất động sản.
Gần đây nhất, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ một số cơ sở nhà, đất chuyển mục đích sử dụng đất thiếu hợp lý trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, gây bức xúc dư luận. Cụ thể, việc cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước, xác định giá trị doanh nghiệp trong quá trình cổ phần hoá không tính giá trị quyền sử dụng đất, không thực hiện đấu giá đất khi cổ phần hoá.
Thậm chí, việc xác định giá đất để thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chủ yếu dựa vào kết quả của doanh nghiệp tư vấn nhưng không đầy đủ và chưa sát với giá thị trường, chưa được HĐND thành phố thông qua.
Trong danh sách 11 dự án trên địa bàn TP Hồ Chí Minh bị kiến nghị thanh tra thì đa số chưa đóng tiền chuyển mục đích sử dụng đất. Các khu đất đều toạ lạc tại những vị trí đắc địa như: số 504 Nguyễn Tất Thành (quận 4), 38 Kim Biên và 88 Gò Công (quận 5), 205 Lạc Long Quân (quận 11), khu đất tại địa chỉ đường Nguyễn Văn Dung (quận Gò Vấp), khu đất 35/12 Bế Văn Cấm (quận 7), 119 Phổ Quang (quận Phú Nhuận), 15 Thi Sách (quận 1)…
Công tác quản lý đất tại thành phố cũng đang tồn tại nhiều bất cập khi nhiều khu đất công đang bị sử dụng sai mục đích, việc giao đất không đúng thẩm quyền. Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh cho thấy, hiện thành phố có 746 khu đất chưa có pháp lý để sử dụng đất và được giao cho các cơ quan nhà nước quản lý. Trong số đất công này, nhiều khu đang bị sử dụng sai mục đích, bị bỏ hoang gây lãng phí. Nhiều doanh nghiệp hết hạn thuê đất hoặc sử dụng không đúng mục đích bị thu hồi đất nhưng đa số không bàn giao.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thừa nhận, hiện nay vẫn còn tình trạng sử dụng đất lãng phí trên địa bàn. Trong giai đoạn 2010 - 2015, thành phố đã thu hồi đất tại 576 dự án được chấp thuận nhưng không triển khai. Đối với giai đoạn 2016 - 2020, hiện thành phố đang rà soát với 1.283 dự án sẽ bị thu hồi; trong đó, có hơn 280 dự án có dấu hiệu chậm tiến độ.
Theo ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh, trên địa bàn thành phố có 4 cơ quan quản lý nhà đất, công sản gồm Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố (quản lý đất sạch), Công ty Quản lý nhà thành phố (quản lý biệt thự, công sở), các Công ty dịch vụ công ích quận huyện (quản lý nhà phố, đơn lẻ, cho thuê) và các cơ quan Trung ương, bộ ngành doanh nghiệp Trung ương đóng trên địa bàn thành phố (với diện tích rất lớn).
Hiện quỹ đất sạch do Trung tâm phát triển quỹ đất quản lý bắt buộc phải đấu giá và để sử dụng thanh toán hợp đồng BT vẫn còn hơn 1.000 nhà do các Công ty công ích quận huyện quản lý về cơ bản thu hồi để đấu giá. Riêng phần đất của cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn hiện đang chờ Nghị quyết Quốc hội ban hành hướng dẫn giải quyết nhưng trước mắt thành phố và cơ quan Trung ương thống nhất một bước là cùng quản lý và cùng chia sẻ.