Bồi thường, giải phóng mặt bằng tại TP Hồ Chí Minh - Bài 1: Câu chuyện 'được - mất'

Để triển khai các dự án, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng luôn là vấn đề khó khăn, nan giải, thậm chí quyết định đến sự thành bại của dự án.

“Dễ mười lần không dân cũng chịu. Khó trăm lần dân liệu cũng xong". Lời dạy này của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị trong bất cứ tình huống giải quyết các vấn đề liên quan đến người dân.

Đặc biệt, với công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, sự đồng tình của người dân có ý nghĩa quyết định đến thành bại của chính sách, tiến độ của dự án. Điều này cũng đặt ra vấn đề quản lý đất đai cần phải tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật nhưng đồng thời cũng phải linh hoạt, ưu tiên đảm bảo và hài hoà quyền lợi của người có đất bị thu hồi.

Giải phóng mặt bằng là công việc “đụng chạm” trực tiếp đến quyền lợi của người có đất bị thu hồi. Vì thế bên cạnh những dự án thành công cũng có không ít dự án rơi vào tình cảnh “dở khóc dở cười” do chưa tìm được tiếng nói chung giữa người dân và chính quyền.

Thành công nhiều

Trong thời gian qua, với sự đồng lòng chia sẻ của người dân, TP Hồ Chí Minh đã triển khai thành công nhiều dự án đầu tư, qua đó cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống, phát triển kinh tế - xã hội.

Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và đường Hoàng Sa,Trường Sa, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN

Dự án cải tạo vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè (giai đoạn 1, tổng mức đầu tư gần 8.600 tỷ đồng) là một trong nhiều dự án mang đến sự thành công ngoài sức mong đợi. Việc triển khai dự án đã khiến hơn 7.000 hộ dân và 50.000 người dân sống trên và ven kênh rạch phải di dời, tái định cư. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng kéo dài hơn 10 năm và nếu không có sự đồng lòng của người dân cũng như sự kiên trì, linh hoạt trong chính sách đền bù, hỗ trợ của chính quyền thì có lẽ dự án sẽ khó hoàn thành.

Thành công của dự án không những “hồi sinh” dòng kênh ngập chìm trong rác mà còn cải thiện cuộc sống cho khoảng 1,2 triệu người sống xung quanh, có hệ thống thu gom nước thải tập trung, giảm nguy cơ ngập lụt. Tiếp nối thành công này, TP Hồ Chí Minh đang triển khai giai đoạn 2 với tổng mức đầu tư 524 triệu USD nhằm mục tiêu xử lý nguồn nước thải sinh hoạt trong lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè và quận 2 trước khi thải ra môi trường; khôi phục và bảo tồn hệ sinh thái sông Sài Gòn và lưu vực hạ lưu sông Đồng Nai.

Một dự án trọng điểm khác cũng giải quyết khá tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng là dự án xây dựng đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai (nay đổi tên thành đường Phạm Văn Đồng). Để triển khai dự án, TP Hồ Chí Minh đã phải giải tỏa gần 4.000 hộ dân với diện tích ảnh hưởng 62,53 ha, di dời hơn 42 công trình hạ tầng kỹ thuật. Trong khi chi phí xây dựng của dự án chỉ hơn 2.900 tỷ đồng, thì chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng lên tới 7.500 tỷ đồng.

Quá trình thực hiện cũng đã nảy sinh khiếu kiện, khiếu nại nhưng thành phố đã giải quyết tương đối nhanh. Giờ đây nhìn tuyến đường rộng rãi, sạch đẹp và hiện đại, các ô phố dọc đường khang trang, nhiều người đã không tin rằng, dự án lại có thể hoàn thành như vậy.

Bên cạnh đó còn có nhiều dự án được triển khai đúng tiến độ, phát huy hiệu quả nhờ vào sự chia sẻ của người dân trong việc bàn giao mặt bằng như cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, đại lộ Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ, cầu Thủ Thiêm…

Lắm gian nan 

Để triển khai các dự án, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng luôn là vấn đề khó khăn, nan giải, thậm chí quyết định đến sự thành bại. Mới đây vì vướng công tác giải phóng mặt bằng mà Ngân hàng Thế giới (WB) đã dừng tài trợ vốn đối với dự án cải thiện ô nhiễm kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên (tổng mức đầu tư 400 triệu USD). Dự án trải dài trên địa bàn 9 quận huyện của thành phố với hơn 3.000 căn nhà bị giải tỏa. Trong quá trình thực hiện giải tỏa, tái định cư đã phát sinh một số trường hợp khiếu nại, khiếu kiện kéo dài khiến dự án đình trệ.

Cùng đó phải kể đến dự án “treo” hơn 13 năm nay chưa được giải quyết dứt điểm là Công viên Sài Gòn Safari tại huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh với quy mô hơn 485 ha và nguồn vốn đầu tư dự tính ban đầu khoảng 500 triệu USD. Do chủ đầu tư cũ không đủ khả năng tài chính triển khai nên hiện thành phố đã chấp thuận cho Tập đoàn Vingroup tham gia nghiên cứu dự án. Thực hiện chỉ đạo của Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, từ tháng 2/2017 Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra toàn diện dự án này.

Nhiều người dân chuyện Củ Chi cho rằng, trong khi các khiếu nại thu hồi đất làm dự án Công viên Safari có liên quan đến lãnh đạo huyện Củ Chi chưa giải quyết thì cán bộ này lại được luân chuyển về một Sở của thành phố gây nhiều bức xúc.

Ông Đoàn Văn Xuân, ngụ ấp Ba Sòng, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, người có đất bị thu hồi phản ánh, dự án kéo dài hơn 13 năm, thu hồi đất của người dân rồi bỏ đó, cảnh tượng hoang toàn trong khi người dân không có đất sản xuất.

Theo ông Nguyễn Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, dự án đã khiến 705 hộ dân bị ảnh hưởng; trong đó 443 hộ bị giải toả trắng. Từ năm 2004, dự án tiến hành bồi thường giải phóng mặt bằng nhưng đến nay sau hơn 13 năm vẫn chưa xong, vẫn còn 16 hộ chưa đền bù được. Ngay cả khu tái định cư vẫn chưa hoàn thành.

Trong khi đó, dù đã hoàn thành và đưa vào hoạt động nhiều năm nay nhưng dự án Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh vẫn không thể “sạch tay” trong thu hồi đất. Mới đây, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận liên quan đến dự án này và đề nghị UBND TP Hồ Chí Minh giải quyết các trường hợp có đất bị thu hồi theo hướng đảm bảo hài hoà quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, không để phát sinh khiếu nại tố cáo.

Dự án Khu Công nghệ cao thành phố được quy hoạch có diện tích 913 ha tại 5 phường của quận 9 gồm Tân Phú, Tăng Nhơn Phú A, Tăng Nhơn Phú B, Long Thạnh Mỹ và Phước Long B, khiến 3.113 hộ dân phải di dời khi thu hồi đất trong ranh 913 ha. Ngoài ra có thêm 470 hộ dân phải di dời khi thành phố thu hồi thêm 149 ha nằm ngoài ranh dự án để phục vụ công tác xây dựng các khu tái định cư.

Tuy nhiên, việc thu hồi thêm diện tích đất này chưa được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận điều chỉnh. Trong 3 lần thu hồi đất của UBND thành phố không có tên phường Hiệp Phú (quận 9) nhưng thực tế lại thu hồi đất tại phường Hiệp Phú và không thu hồi đất ở phường Phước Long B. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới khiếu nại bức xúc gay gắt của các hộ dân bị thu hồi đất.

Cùng với đó, UBND quận 9 không ban hành quyết định thu hồi diện tích đất cụ thể đối với từng hộ gia đình, cá nhân. Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận 9 đã tiến hành đền bù, bồi thường, tái định cư nhưng không lập phương án đền bù, hỗ trợ thiệt hại và tái định cư cụ thể để trình UBND thành phố thẩm định, phê duyệt.

Trong tổng số 3.113 hộ dân bị thu hồi đất thì có tới 2.035 hồ sơ được UBND quận 9 kiểm kê, ban hành quyết định công bố giá trị bồi thường trước ngày Luật Đất đai 2003 có hiệu lực (ngày 1/7/2004) gây thiệt thòi cho người dân, dẫn tới bức xúc và khiếu nại kéo dài.

Đáng lưu ý, UBND quận 9 đã đề xuất và được UBND thành phố chấp thuận chủ trương cân đối, điều chuyển tới 5.668/7.383 căn và nền đất trống thuộc các dự án tái định cư để bố trí tái định cư cho dự án không phải là dự án Khu Công nghệ cao; trong đó có một số dự án có tính chất thương mại.

Trần Xuân Tình (TTXVN)
Thủ tướng đôn đốc về giải phóng mặt bằng cho 3 trường Đại học hàng đầu đất nước
Thủ tướng đôn đốc về giải phóng mặt bằng cho 3 trường Đại học hàng đầu đất nước

Chiều 2/11, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc với Ban lãnh đạo 3 trường Đại học có quy mô lớn nhất cả nước gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh và Đại học Đà Nẵng. Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương liên quan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN