Trại Davis đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia, như một sự khẳng định về vai trò của quân ta trong Cách mạng. Những người từng tham gia Phái đoàn đang mong ngóng từng ngày Trại Davis được phục dựng lại, như một minh chứng hào hùng của cuộc đấu tranh cách mạng giữa lòng địch, với nhiều cam go, gian khổ nhưng kiên cường bất khuất của những người chiến sĩ cách mạng.
Ký ức không phai
Năm 1973, ông Nguyễn Tiến Quân (sinh năm 1950 tại Phan Rang, Ninh Thuận) đang là Hạ sĩ, thuộc bộ phận Ban Thông tin Miền. Do từng trực tiếp tham gia đánh trận, có kinh nghiệm chiến đấu, giỏi võ và bắn súng giỏi nên được gọi lên nhận nhiệm vụ tham gia lực lượng vệ binh đoàn B Trại Davis.
Ông Quân nhớ lại, khoảng đầu tháng 4/1975, chỉ huy nhóm họp, thông báo tình hình ta sẽ tấn công giải phóng Sài Gòn. Cán bộ, chiến sĩ hai đoàn A và B sẵn sàng chiến đấu, ứng phó với mọi tình huống. Từ ngày 18/4/1975, anh em bắt đầu tiến hành đào hầm bằng cuốc, xẻng cá nhân, cọc màn Mỹ bằng thép đập bẹt đầu. Rất may đất bên dưới trại qua một lớp đất lèn cứng là khá mềm và nhiều cát nên đào cũng đỡ vất vả.
Nhờ thiết kế của dãy nhà ta ở Trại Davis là nhà sàn, nên anh em chui xuống sàn đào tránh được sự soi xét của địch từ các trạm gác tầm cao. Toàn bộ đất được cho vào bao tải vận chuyển vào những chỗ kín, hoặc cho vào các hòm, tủ sắt tài liệu (sau này được dùng làm nắp hầm). Do cán bộ tham gia đoàn B nhiều người đã có tuổi, lại nắm giữ chức vụ quan trọng, anh em trẻ, nhất là vệ binh là lực lượng đào hầm chính của đoàn.
“Có những hôm tận 3 giờ sáng, Trưởng đoàn Hoàng Anh Tuấn (sau này là Thiếu tướng) còn chui xuống thăm hỏi anh em, mang trà thuốc tiếp tế cho anh em đào hầm. Chỉ mười ngày sau, ta cơ bản có được một hệ thống hầm liên thông giữa các phòng, đơn vị, đảm bảo yếu tố chiến đấu khi cần thiết”, ông Quân nhớ lại.
Với hệ thống hầm hào đào gấp gáp đó, 300 cán bộ, chiến sĩ ta trong Trại Davis với trang bị chủ yếu vũ khí cá nhân đơn giản đã dũng cảm, kiên cường quyết tâm bám trụ lại ngay trong sân bay Tân Sơn Nhất chờ đón đồng đội tiến vào giải phóng Sài Gòn. Từ cơ sở phòng làm việc có sẵn, Trại Davis trở thành một địa điểm an toàn, bảo mật nhất tại Sài Gòn sau ngày giải phóng. Chính vì vậy, ngày 2/5/1975, Đại tướng Văn Tiến Dũng cùng Bộ Tham mưu tiền phương Chiến dịch Hồ Chí Minh đã đến thăm Trại Davis và tổ chức cuộc họp quan trọng với một số cán bộ cấp cao các Quân đoàn, Sư đoàn trước khi chuyển đến Sở Chỉ huy mới.
Sau ngày 30/4/1975, Trại Davis có thời gian được sử dụng làm nơi làm việc của Tướng Trần Văn Trà, với tư cách là Tư lệnh Quân quản Sài Gòn. Một thời gian dài sau đó trại bị bỏ hoang và các kết cấu trên đất dần bị phá bỏ. Hiện nay, toàn bộ khu vực Trại Davis cũ đang nằm trong khu vực quân sự thuộc sự quản lý của Bộ Quốc phòng.
Là chứng tích lịch sử về một giai đoạn đấu tranh quân sự, ngoại giao tiêu biểu trong cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà, Trại Davis được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 2017. Theo Đại tá Nguyễn Bạch Vân, Trại Davis xứng đáng là Di tích lịch sử cấp Quốc gia, bởi nơi đây ghi dấu sự thể hiện bản lĩnh, ý chí, trí tuệ Việt Nam, phát huy cao độ chủ nghĩa Anh hùng cách mạng Việt Nam trong đấu tranh ngoại giao, quân sự thi hành Hiệp định hòa bình Paris 1973.
Trại Davis là vùng đất đầu tiên được chính thức và công khai đặt dưới quyền kiểm soát của Cách mạng, là vùng đất giải phóng đầu tiên nhờ thắng lợi của Hiệp định Paris. Trại Davis là trung tâm ngoại giao quân sự, Tổng hành dinh của hai đoàn đại biểu quân sự Trung ương của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Trại Davis là di tích lịch sử cách mạng, lưu giữ nhưng giá trị, thể hiện tính độc đáo về nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Đảng, hoạt động ngoại giao quân sự của ta trong đấu tranh buộc địch thi hành Hiệp định Paris, có giá trị lớn trong giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng, công tác nghiên cứu lịch sử và nghệ thuật quân sự Việt Nam.
Khôi phục lại biểu tượng khát vọng thống nhất đất nước
Đại tá Nguyễn Bạch Vân, nguyên sĩ quan tùy tùng của Tướng Trần Văn Trà, nguyên Trưởng Ban liên lạc truyền thống “Trại Davis” trầm ngâm cho biết: Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn (Trưởng đoàn B) khi còn sống rất băn khoăn vì Phái đoàn liên hợp quân sự của ta tại Trại Davis là một đơn vị đặc biệt “không có tiền bối và cũng không có hậu duệ”, vì vậy những hoạt động lưu giữ truyền thống của đơn vị rất khó khăn.
Các thành viên tham gia Phái đoàn liên hợp quân sự nay còn sống, đa phần tuổi cũng đã cao, sức yếu. Mong muốn của anh em cũng như ý nguyện của những đồng chí đã khuất là phục dựng lại Trại Davis với tư cách một địa điểm di tích lịch sử cách mạng, để thế hệ sau biết được ý nghĩa và giá trị lịch sử của nó.
Lật giở những tài liệu còn lưu trữ được về Trại Davis, Đại tá Bạch Vân cho biết, trong những năm qua, các cán bộ trong Ban liên lạc truyền thống “Trại Davis” đã dày công thu thập những hiện vật, tài liệu liên quan đến Trại Davis. Đó là những bức ảnh ghi lại cuộc sống của anh em ta trong Trại Davis cho đến các cuộc họp, các chuyến công tác giám sát thực hiện việc Mỹ rút quân về nước, trao trả tù binh, các hiện vật mà cán bộ ta đã sử dụng trong thời gian sống tại Trại Davis… Trong đó có cả những tài liệu về quá trình công binh Mỹ xây dựng Trại Davis; bản đồ tổng thể xây dựng Trại Davis ghi rõ từng vật liệu xây dựng, công năng các khối nhà…
“Đây sẽ là tài liệu rất quan trọng cho việc phục chế sau này. Chúng tôi rất ước mong có ngày được sử dụng nó để góp phần lưu giữ, tôn vinh một giai đoạn đặc biệt trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước của lịch sử dân tộc”, ông Bạch Vân chia sẻ.
Hiện nay, Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Bộ Tư lệnh Quân khu 7 thực hiện đề xuất phục dựng Di tích lịch sử quốc gia Trại Davis. Theo quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, vị trí khoanh vùng phục dựng Di tích lịch sử Quốc gia Trại Davis nằm hoàn toàn trong đất quốc phòng, do các đơn vị của Quân chủng Phòng không – Không quân quản lý, thuộc phường 12, Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh. Diện tích khoanh vùng để phục dựng di tích là 4.000m2.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Quân khu 7, Trại Davis là di tích lịch sử cách mạng, nơi lưu giữ những giá trị thể hiện tính độc đáo về nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Đảng và hoạt động ngoại giao quân sự của ta trong quá trình đấu tranh buộc địch thi hành Hiệp định Paris. Di tích này có giá trị to lớn đối với công tác giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng, công tác nghiên cứu lịch sử và nghệ thuật quân sự Việt Nam.
Trong cuộc làm việc cùng các đơn vị liên quan về đề xuất phục dựng Di tích lịch sử Quốc gia Trại Davis, bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, Bộ Quốc phòng và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cần bàn bạc, thực hiện các quy trình pháp lý theo quy định về chủ quyền xây dựng dự án và trực tiếp quản lý dự án. Bộ Văn, hóa Thể thao và Du lịch luôn ủng hộ và sẽ hỗ trợ Bộ Quốc phòng về các vấn đề chuyên môn liên quan để công tác phục dựng Trại Davis đúng quy định pháp luật, đảm bảo các giá trị văn hóa và lịch sử, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, tham quan của du khách đến với Thành phố Hồ Chí Minh và những người quan tâm đến lịch sử quân sự Việt Nam
Về vấn đề này, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Tổng Cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam cho rằng, theo quy định của pháp luật, Di tích lịch sử Trại Davis nằm trên địa bàn Thành phố được giao cho chính quyền địa phương quản lý về văn hóa, nhưng chủ quyền xây dựng dự án và trực tiếp quản lý cần bàn bạc lại. Nếu thuộc quyền Thành phố Hồ Chí Minh, cần tổ chức bàn giao lại cho Bộ Quốc phòng và phối hợp với Quân khu 7 thực hiện các quy định về quản lý nhà nước. Bộ Quốc phòng chủ động chỉ đạo vấn đề giao đất… Trong vòng 5 năm tới, phải hoàn tất thủ tục, hoàn thiện Đề án, triển khai xây dựng để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, tham quan lịch sử dân tộc của nhân dân và khách du lịch quốc tế khi đến Việt Nam.
Nếu được phục dựng lại, Trại Davis sẽ là một trong những di tích lịch sử quân sự đặc biệt quan trọng, di tích tiêu biểu trong hệ thống di tích lịch sử cách mạng tại Thành phố Hồ Chí Minh. Khu Di tích lịch sử Trại Davis cùng với Bảo tàng Hồ Chí Minh- Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh; Địa đạo Củ Chi; Bảo tàng Chứng tích chiến tranh; Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh; Hội trường Thống Nhất (Dinh Độc lập); di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam; Chiến Khu Đ; di tích Quân ủy, Bộ Tư lệnh Miền (căn cứ Tà Thiết); Sở Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh (căn cứ Căm Xe)… tạo thành chuỗi du lịch về nguồn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, miền Đông Nam bộ và cả nước.