Cử tri Ninh Thuận, Bình Dương đánh giá cao kết quả phát triển kinh tế - xã hội

Sáng 4/11, Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV tiếp tục diễn ra phiên thảo luận và chất vấn tại nghị trường. Theo dõi kỳ họp, nhiều cử tri tại tỉnh Ninh Thuận, Bình Dương rất tán thành và đánh giá cao những kết quả nổi bật trong quản lý, chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong bối cảnh khó khăn, thách thức đan xen.

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội dự phiên họp, chiều 4/11/2020. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Đánh giá cao kết quả phát triển kinh tế - xã hội

Cử tri Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc Công ty cơ khí Tiên Tiến - Chi nhánh tỉnh Ninh Thuận cho rằng, trong năm 2020, mặc dù dịch COVID-19 tác động kéo dài, gây thiệt hại không nhỏ cho nền kinh tế nhưng với giải pháp đồng bộ, hiệu quả về thực hiện giãn cách xã hội, giải quyết hỗ trợ kịp thời cho các thành kinh tế nên kinh tế của đất nước đã trụ vững và phát triển ổn định so với các nước.

Giải pháp của Chính phủ cũng chính là “đòn bẩy” tạo động lực cho các tỉnh, thành phố có cơ hội đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Điển hình như ở Ninh Thuận, mặc dù chịu tác động kép của đại dịch COVID-19 và hạn hán, nhưng trong năm 2020, ngành công nghiệp vẫn tạo đột phá, nguồn thu ngân sách từ lĩnh vực năng lượng tái tạo đã đưa Ninh Thuận trở thành 1 trong 5 tỉnh, thành có mức tăng trưởng cao của cả nước.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Chiến, Giảng viên Ngành Tài chính - Ngân hàng (Trường Đại học Thủ Dầu Một) đặc biệt ấn tượng với nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng dương trong năm 2020 và dự báo cả năm tăng 2,12%. Theo ông mức tăng trưởng này dù thấp hơn nhiều so với mức tăng 7% trong cùng kỳ năm 2019, nhưng vẫn là một kết quả ấn tượng trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu.

Để duy trì mục tiêu tăng trưởng trong năm nay và 5 năm tới, Tiến sĩ Nguyễn Văn Chiến cho rằng Việt Nam cần tiếp tục tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng chuyển dần cơ cấu kinh tế, chú trọng đến việc phát triển khoa học, công nghệ, tận dụng lợi thế cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Hơn nữa, quá trình phát triển cần có sự điều tiết hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo đảm an ninh xã hội và bảo vệ môi trường.

Đồng tình với những tín hiệu tích cực của nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn bình thường mới được các đại biểu Quốc hội nêu ra trong cuộc thảo luận, Chủ tịch Hội xuất nhập khẩu tỉnh Bình Dương Phạm Văn Xô nhấn mạnh: Dù gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch COVID-19 nhưng Việt Nam thành công về nhiều mặt trong năm 2020. Đặc biệt, trong 10 tháng qua, xuất nhập khẩu vẫn tăng, GDP tăng trưởng dương, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2019, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 430 tỷ USD. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn đạt được kết quả tích cực. 

Theo ông Xô: Để nền kinh tế lành mạnh, gia tăng sản xuất và xuất khẩu hàng hóa, Chính phủ cần quan tâm tới hệ thống Logictis và đường xá, bến cảng hiện nay. “Sau khi chúng ta đã ký kết nhiều hiệp định tự do thương mại và đã sẵn sàng hội nhập, nhiều doanh nghiệp đón những đơn hàng xuất khẩu mới, nhưng năng lực từ hạ tầng cầu đường, bến cảng vận chuyển hàng hóa trong nước hiện chưa được tương xứng…” - ông Xô có ý kiến.

Cử tri tại Ninh Thuận đều nhận định, mặc dù khó khăn do dịch bệnh, thiên tai… nhưng GDP của nước ta tăng từ 2 - 3%. Giá trị giải ngân vốn đầu tư công cuối năm 2020 có chuyển biến rất tích cực, đó là nhờ việc Chính phủ chủ động trao quyền tự chủ cho các địa phương cũng như trách nhiệm nêu gương người đứng đầu trong giải quyết, giải ngân nguồn vốn đúng trọng tâm, đúng mục đích.

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đảm bảo an ninh nguồn nước

Là doanh nghiệp lớn đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng Organic, do đó ông Nguyễn Văn Tiến mong muốn Quốc hội, Chính phủ quan tâm tạo thuận lợi để doanh nghiệp gắn kết hợp làm nông nghiệp công nghệ cao với đầu tư phát triển điện mặt trời áp mái nhà phù hợp với công năng, vừa phục vụ cho sản xuất nông nghiệp đồng thời tạo thu nhập cho doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Tiến bày tỏ, hiện nay quy định việc phát triển điện mặt trời áp mái vẫn còn lấn cấn, chưa được khai thông. Làm nông nghiệp công nghệ cao gắn với đầu tư phát triển điện mặt trời áp mái nhà phù hợp với công năng là mô hình kinh tế tuần hoàn, một mặt là vừa khai thác triệt để tài nguồn tài nguyên, mặt khác khai thác hiệu quả đất đai để tạo ra chuỗi giá trị cho sản phẩm hàng hóa.

Chính phủ khuyến khích đầu tư điện năng lượng tái tạo vào sản xuất nông nghiệp nhưng chưa có chủ trương nào hướng dẫn cụ thể, như theo Quyết định 13/2020 về hệ thống tấm quang năng lắp đặt trên mái công trình, mái phù hợp với công năng, như vậy mái làm vật liệu gì thì còn chung chung chưa hướng dẫn cụ thể. Tập đoàn Điện lực Việt Nam thì lập luận cứ lắp trên mái tôn thì ký hợp đồng còn lại phải “tiếp tục chờ”. Như vậy, rất khó cho doanh nghiệp. Do đó, các bộ, ngành có liên quan cần quan tâm, trình Chính phủ sớm có giải pháp tháo gỡ; đồng thời chú trọng đầu tư đồng bộ hạ tầng truyền tải để giải quyết bài toán an ninh năng lượng gắn với bảo vệ môi trường bền vững.

Ấn tượng trước sự hiểu biết của các đại biểu Quốc hội, Tiến sĩ Nguyễn Văn Chiến cho rằng các đại biểu đã đăng đàn thảo luận những nội dung khá toàn diện, trúng sự mong mỏi của cư tri cả nước về vấn đề môi trường, thiên tai, lụt bão và sạt lở đất; thể hiện sự lo ngại trước tình trạng biến đổi khí hậu làm thay đổi thời tiết thất thường đe dọa trực tiếp đến cuộc sống hàng triệu người dân...

Liên quan đến vấn đề an ninh nguồn nước, quản lý an toàn hồ và chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện Dự án hồ chứa nước sông Than của tỉnh. Cử tri ở Ninh Thuận rất tán thành ý kiến của các đại biểu tại nghị trường. Đây là bài toán vô cùng quan trọng, mong được Quốc hội, Chính phủ xem xét, đánh giá thật cụ thể tác động cũng như độ an toàn của các hồ chứa; qua đó cân đối và đầu tư thỏa đáng, nhất là trong giai đoạn biến đổi khí hậu khó lường như hiện nay.

Cử tri Nguyễn Lê, Chi cục phó Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết, Ninh Thuận được xem là vùng đất tiểu sa mạc, thường xuyên đối mặt với hạn hán và nhiều năm qua thiệt hại về sản xuất và đời sống của người dân cũng đã xảy ra.

Thực tế, những năm qua, Ninh Thuận đã được Trung ương đầu tư xây dựng 21 hồ chứa, với tổng dung tích 194,49 triệu m3 nước, nhưng chỉ hơn dung tích chứa của hồ Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng) khoảng 29 triệu m3. Do hạn hán thường xuyên nên các hồ chứa lúc nào cũng cạn kiệt, việc sản xuất nông nghiệp của tỉnh chỉ trông chờ nguồn nước từ hồ Đơn Dương.

Ninh Thuận xác định nông nghiệp công nghệ cao là nhóm ngành trụ cột trong phát triển kinh tế - xã hội. Thế nhưng nếu phát triển mà không có nguồn nước đáp ứng thì thiệt hại cho sản xuất sẽ là vô kể. Do đó, để đảm bảo an ninh nguồn nước nói chung và đảm bảo cho sản xuất của tỉnh nói riêng, ông Nguyễn Lê đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm quan tâm, giải quyết khó khăn hỗ trợ cho tỉnh đầu tư thêm hệ thống hồ chứa tích nước, các công trình thủy lợi phục vụ ổn định sản xuất.

Đặc biệt, Quốc hội cần tháo gỡ hành lang pháp lý để dự án hồ chứa nước Sông Than - công trình đầu tư công có dung tích chứa 85 triệu m3 nước được sớm chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để dự án tiếp tục thực hiện đúng tiến độ, đưa vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu cấp thiết về nguồn nước phục vụ sản xuất và đời sống của người dân địa phương còn nhiều khó khăn như Ninh Thuận.

Công Thử - Chí Tưởng (TTXVN)
Đại biểu Quốc hội băn khoăn về chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021
Đại biểu Quốc hội băn khoăn về chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021

Ngày 4/11, theo chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về các vấn đề kinh tế - xã hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN