Theo dõi phiên thảo luận qua sóng phát thanh, truyền hình, nhiều cử tri tại thành phố Đà Nẵng đồng tình với ý kiến của các đại biểu Quốc hội đó là cần giảm giá xăng dầu, bình ổn giá cả thị trường và kiềm chế lạm phát.
Theo cử tri Nguyễn Thị Hoa Nam, Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp Sơn Trà (thành phố Đà Nẵng), khi nghe về đề xuất giảm giá xăng dầu của đại biểu Quốc hội, bà và các thành viên trong Hội doanh nghiệp Sơn Trà đều rất đồng tình, ủng hộ.
“Việc giảm giá xăng dầu, bình ổn giá cả thị trường là mong muốn hàng ngày của các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay. Từ đầu năm nay, giá xăng dầu liên tục tăng đã khiến giá thành nguyên vật liệu, chi phí sản xuất tăng đến 10-15% so với năm ngoái. Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất không thể liên tục điều chỉnh giá sản phẩm đầu ra theo giá xăng dầu được, như vậy sẽ mất khách.
Các doanh nghiệp tha thiết đề nghị Quốc hội tiếp tục có ý kiến với Chính phủ giảm các loại thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu để góp phần bình ổn thị trường”, cử tri Nguyễn Thị Hoa Nam cho biết.
Còn cử tri Nguyễn Đức Thảo Vy (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu) nêu ý kiến, hiện nay, giá các mặt hàng đang gia tăng liên tục và ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt hằng ngày của mỗi gia đình. Giá xăng RON 95 vào tháng 6/2021 chỉ khoảng 20.000 đồng/lít nhưng đến nay đã lên tới hơn 31.000 đồng/lít như vậy là tăng trên 30%, trong khi mức lương cơ bản vẫn giữ nguyên.
Cử tri Nguyễn Đức Thảo Vy đồng tình với ý kiến của đại biểu Trần Văn Tiến (tỉnh Vĩnh Phúc) cho rằng cần có giải pháp kiềm chế tăng giá xăng, dầu ở mức thấp nhất có thể nhằm hạn chế tác động xấu đến phát triển kinh tế và đời sống của người dân. Bên cạnh đó cần công khai, minh bạch việc quản lý, điều tiết giá các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, vật tư xây dựng, y tế, sách giáo khoa... để cử tri và nhân dân được biết, chia sẻ.