Về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 2021 và những tháng đầu năm 2022, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thái Bình Trần Minh Tuyến đánh giá cao chỉ đạo quyết liệt của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và địa phương trong việc đưa ra những quyết sách linh hoạt, kịp thời nhằm kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 giúp doanh nghiệp và người lao động yên tâm sản xuất.
Kết quả 7/12 chỉ tiêu phát triển đạt và vượt kế hoạch năm 2021 thể hiện nỗ lực và quyết tâm cao của Chính phủ trong bối cảnh còn nhiều khó khăn. Trong đó, nhiều chính sách được ban hành kịp thời như “phao cứu sinh” đối với nhiều doanh nghiệp như Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội; Nghị quyết số 11/NQ-CP về chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội; mới đây nhất Chính phủ đã ban hành Nghị định 34/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2022. Đây là những chính sách được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao, giúp doanh nghiệp giảm bớt áp lực, từng bước tháo gỡ khó khăn và phục hồi sản xuất.
Tại Thái Bình, với cộng đồng trên 8.500 doanh nghiệp (chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa), năm 2021 các doanh nghiệp trên địa bàn đã nỗ lực sản xuất kinh doanh và đóng góp vào ngân sách trên 6.000 tỷ đồng (vượt trên 1.300 tỷ đồng và bằng 126% so với cùng kỳ). Ngoài ra, cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Thái Bình cũng đóng góp tích cực trong việc ủng hộ hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 tại địa phương, giúp tỉnh kiểm soát tốt dịch bệnh, tạo môi trường sản xuất an toàn.
Để giúp doanh nghiệp tiếp tục phục hồi và từng bước tăng trưởng mạnh mẽ, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thái Bình kiến nghị các cấp, bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp trong đầu tư và phát triển; đồng thời Chính phủ cần có những chỉ đạo quyết liệt hơn nữa để chính sách hỗ trợ sớm đến được với doanh nghiệp theo phương châm “vừa đúng, vừa trúng”. Bên cạnh đó, cần giảm bớt những quy định về vay vốn do hiện nay nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa rất khó tiếp cận vốn vay do có nhiều quy định, thủ tục doanh nghiệp khó có thể đáp ứng.
Theo dõi phiên thảo luận qua truyền hình, cử tri Hoàng Thị Liên (phường Quang Trung, Thành phố Thái Bình) đánh giá cao chất lượng phiên thảo luận với nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn chỉ ra những thực trạng, tồn tại trong xã hội cần sớm có chính sách phù hợp; vấn đề phục hồi và phát triển kinh tế, mở cửa du lịch; những tiêu cực trong đấu giá quyền sử dụng đất…. Cử tri cũng đánh giá cao công tác phòng, chống tham nhũng mà Đảng, Nhà nước đang quyết liệt thực hiện từ Trung ương đến địa phương, góp phần làm trong sạch bộ máy, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
Cử tri kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành cần tiếp tục có những chính sách kiềm chế lạm phát, nhất là kiểm soát giá xăng dầu, giá phân bón... Thực tế thời gian qua, giá một số loại phân bón tăng từ 80-100% khiến nông dân vốn đã gặp khó khăn do thời tiết không thuận lợi lại thêm chi phí đầu vào tăng, hiệu quả sản xuất giảm.