CPI tháng 3 tăng 0,16% không có gì 'kỳ lạ'

Thấp hơn nhiều so với các dự báo trước đó của các chuyên gia kinh tế và của Tổ điều hành thị trường, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 cả nước đã giảm nhiệt “kỳ lạ” bất chấp việc giá xăng đã tăng thêm 10% và nhiều loại hàng hóa và dịch vụ thiết yếu khác cũng tăng theo.

Số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố ngày 24/3 cho thấy: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2012 cả nước chỉ tăng 0,16% so với tháng 2 và đạt mức tăng rất thấp so với tốc độ tăng của tháng 3/2011 (2,17%) và tháng 3/2010 (0,75%). Với mức tăng này, CPI tháng 3 đã tăng 2,55% so với tháng 12/2011 và tăng 15,95% so với bình quân cùng kỳ năm trước. Như vậy, CPI tháng 3 đang tiếp tục xác lập xu hướng giảm tốc rõ rệt.


Khách mua hàng tại Co.op mart Vĩnh Phúc (Vĩnh Yên- Vĩnh Phúc). Ảnh: Huy Hùng- TTXVN.


CPI tháng 3 tăng ở 9/11 nhóm trong Rổ hàng hóa chung với mức tăng từ 0,16 - 2,31%; trong đó, tăng cao nhất là nhóm Nhà ở và vật liệu xây dựng với mức tăng 2,31%, tiếp theo là giáo dục tăng 1,1%, giao thông tăng 1,08%... Tăng thấp nhất là đồ uống và thuốc lá, riêng nhóm bưu chính viễn thông tiếp tục giảm.

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Trần Thị Hằng khẳng định: CPI tháng 3 có sự giảm tốc mạnh nhưng không hề “kỳ lạ” là do nhóm hàng hóa chiếm tỷ trọng lớn nhất gần 40% trong Rổ hàng hóa chung là hàng ăn và dịch vụ ăn uống đã giảm giá mạnh tới 0,83%, trong đó cả lương thực và thực phẩm đều giảm mạnh.

Tại thời điểm này, giá lương thực trên thị trường đã giảm 1,21% so với tháng 2 do tác động của tình tình hình xuất khẩu gạo không được thuận lợi về giá và thị trường. Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch vụ Thu Đông với năng suất khá cao nên giá lúa gạo thường tại Đồng bằng sông Cửu Long liên tiếp giảm. Nhằm hạn chế việc giá lúa gạo không giảm thêm, cùng với đảm bảo cho người nông dân có lãi, Chính phủ đã thu mua 1.000 tấn gạo để dự trữ. Trong tháng 3, giá gạo bán lẻ trên thị trường đã giảm từ 500 -1.000 đ/kg ở cả thị trương miền Bắc và miền Nam.

Cùng nhịp với lương thực, giá thực phẩm cũng giảm 1,25% do nhu cầu tiêu dùng giảm cộng với sản lượng dồi dào. Cụ thể, giá thực phẩm tươi sống giảm 2,43%, trong đó thịt lợn giảm 2,79%; thịt bò giảm 0,65%; thịt gà giảm 1,82%. Giá thịt lợn khu vực phía Nam giảm mạnh hơn còn do thông tin về thịt lợn chăn nuôi có chất tạo nạc gây nguy hiểm cho sức khỏe nên người dân giảm tiêu dùng thịt lợn. Giá rau củ quả giảm 2,99% nhờ thời tiết thuận lợi, nguồn cung dồi dào trong khi giá các mặt hàng thịt chế biến ổn định.


Bà Hằng cho biết thêm: Việc điều chỉnh tăng giá bán xăng dầu gần 10% so với mức giá cũ chỉ đóng góp vào mức tăng CPI chung của tháng 3 khoảng 0,08% do tỷ trọng của nhóm này trong Rổ hàng hóa chung không phải là lớn nhất, cũng như do kỳ chốt giá là ngày 15 hàng tháng nên tác động tăng giá xăng dầu chưa phản ánh hết trong CPI tháng 3. Cụ thể, nhóm giao thông là nhóm có mức tăng lớn thứ ba với 1,08% do tác động tăng giá của mặt hàng xăng dầu. Bên cạnh đó, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng tới 2,31% và là nhóm có mức tăng lớn nhất nhưng chỉ đóng góp vào mức tăng CPI chung cả nước tháng 3 thêm 0,23%. Chỉ số giá điện sinh hoạt trong tháng tăng 0,86% do nhu cầu sử dụng tăng cao; nước sinh hoạt tăng 1,13%; giá xây dựng tăng nhẹ 0,45%.

Trước đó, với các diễn biến tăng giá gas, xăng dầu và một số hàng hóa khác, Tổ điều hành thị trường trong nước đã dự báo CPI tháng 3 tăng khoảng 0,4 - 0,5%. Các chuyên gia kinh tế độc lập cũng dự báo CPI tháng 3 sẽ tăng khoảng 0,8-1%. Vì vậy, khi CPI tháng 3 được công bố chỉ tăng thực tế ở mức 0,16%, nhiều chuyên gia cho rằng Tổng cục Thống kê phải chịu áp lực làm đẹp số liệu để trấn an dư luận cũng như rộng đường cho giá điện được điều chỉnh tăng sau một quý có biến động giá cả đầu vào so với giá đầu vào của lần tăng giá gần nhất là ngày 20/12/2011.


Nguyễn Kim Anh
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN