Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:
Xin Đại sứ cho biết ý nghĩa của chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng thống Mozambique Filipe Jacinto Nyusi và hai nước đã có sự chuẩn bị như thế nào cho chuyến thăm lần này?
Tiếp nối thành công chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Mozambique Esperanca Bias tới Việt Nam tháng 6/2022 và chuyến thăm của Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tới Mozambique tháng 9/2023, chuyến thăm chính thức lần này của Tổng thống Filipe Jacinto Nyusi hứa hẹn sẽ mở ra những khuôn khổ hợp tác mới, đồng thời tạo đà để các hoạt động triển khai những khuôn khổ hợp tác sẵn có giữa hai nước diễn ra hiệu quả, mạnh mẽ hơn.
Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam và Mozambique hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (25/6/1975-25/6/2025), chuyến thăm của Tổng thống Filipe Jacinto Nyusi càng có ý nghĩa quan trọng, là cột mốc đánh dấu những bước phát triển tốt đẹp của quan hệ song phương trong thời gian qua.
Chuyến thăm được hai bên chuẩn bị chu đáo, trọng thị, chương trình phong phú, nội dung sâu rộng, thực chất, với trọng tâm chính là làm sâu sắc hơn nữa quan hệ song phương trên các lĩnh vực, đáp ứng những thay đổi của tình hình hiện nay, một mặt củng cố các lĩnh vực hợp tác truyền thống, đồng thời mở rộng ra những lĩnh vực như viễn thông, năng lượng và khoáng sản, nghề cá, chuyển đổi số...
Dự kiến, trong khuôn khổ chuyến thăm, Tổng thống Filipe Jacinto Nyusi sẽ gặp và hội đàm với các lãnh đạo cấp cao của Việt Nam, thăm và làm việc với một số doanh nghiệp, cơ sở giáo dục, văn hóa, lịch sử nổi bật. Hai bên cũng dự kiến ký kết một số văn kiện hợp tác quan trọng trong các lĩnh vực hai bên có nhu cầu, tiềm năng và thế mạnh.
Đại sứ đánh giá thế nào về quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Mozambique trong thời gian qua?
Việt Nam và Mozambique thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 25/6/1975, đúng ngày Mozambique tuyên bố độc lập. Quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước bắt nguồn và lớn mạnh từ sự ủng hộ lẫn nhau trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, cũng như từng bước thăng trầm trong sự nghiệp kiến thiết và phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi nước.
Đặc biệt, nhiều thế hệ người Mozambique dành sự kính trọng và yêu mến đặc biệt đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Năm 1977, ngay khi mới giành độc lập, Tổng thống đầu tiên của Mozambique là Samora Moisés Machel đã quyết định đặt tên Hồ Chí Minh cho một con đường lớn ở thủ đô Maputo, dài hơn 1 km, chạy qua Tòa thị chính, Bộ Nội vụ và ngay gần Quảng trường Độc lập.
Có thể nói, quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Mozambique ngày càng phát triển và mở rộng theo năm tháng. Đây là ý chí và mong muốn chung của các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước, thể hiện qua những nỗ lực không ngừng nghỉ nhằm gắn kết hai dân tộc, hai đất nước, bất chấp những khó khăn về khoảng cách địa lý xa xôi cũng như những khác biệt về thể chế chính trị, đặc điểm kinh tế, văn hóa, xã hội.
Trong những năm qua, trao đổi đoàn giữa hai nước liên tục được duy trì, góp phần khẳng định chính sách nhất quán của cả hai nước coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác Việt Nam-Mozambique.
Về chính trị, trong những năm qua, trao đổi đoàn, hội đàm/điện đàm các cấp diễn ra liên tục, đều đặn; các cơ chế hợp tác như Ủy ban liên chính phủ, tham vấn chính trị cũng được duy trì, tạo cơ sở để đẩy mạnh triển khai hợp tác mọi mặt. Hai bên tích cực phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương. Gần đây nhất, Mozambique ủng hộ Việt Nam làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021; thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025. Việt Nam ủng hộ Mozambique làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2024.
Về thương mại - đầu tư, năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mozambique đạt khoảng 127 triệu USD, chủ yếu là các mặt hàng gạo, phân bón, hàng may mặc, thiết bị phục vụ nông nghiệp. Kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng của Mozambique đạt gần 420 triệu USD, chủ yếu là than các loại (khoảng 346 triệu USD) và hạt điều (khoảng 59 triệu USD).
Hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Mozambique là một trong những điểm sáng trong hợp tác kinh tế giữa hai nước, đáng chú ý là thành công của Liên doanh viễn thông Movitel, thành lập từ năm 2012, với tổng số vốn đầu tư trên 600 triệu USD. Tính đến nay, Movitel là nhà cung cấp đa dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin thuộc nhóm 3 công ty có đóng góp ngân sách nhiều nhất cho Mozambique.
Movitel cũng trở thành mạng viễn thông có nhiều thuê bao và phủ sóng rộng nhất, đã tạo việc làm cho hơn 50.000 lao động Mozambique, cung cấp dịch vụ Internet miễn phí cho hơn 2.600 trường học, tham gia các chương trình xã hội và các dự án truyền thông, chuyển đổi số cho các cơ quan, bộ, ngành của Mozambique. Ngoài ra, hai nước đã triển khai thành công một số dự án nông nghiệp, nổi bật là dự án “Hợp tác nghiên cứu, phát triển cây lương thực và cây thực phẩm tại Mozambique” giai đoạn 1 (năm 2013-2017), với triển vọng thực hiện giai đoạn tiếp theo trong thời gian tới.
Trong các lĩnh vực khác, theo khuôn khổ các hiệp định hợp tác sẵn có, Việt Nam đã cử nhiều chuyên gia y tế, giáo dục, nông nghiệp sang làm việc tại Mozambique. Hai bên cũng cấp học bổng cho công dân mỗi nước để học tập, thực tập các khóa đào tạo chuyên ngành hoặc các khóa bồi dưỡng nâng cao.
Về hợp tác kênh đảng, đảng Mặt trận giải phóng Mozambique (FRELIMO, hiện là đảng cầm quyền tại Mozambique) là một trong những chính đảng đầu tiên mà Đảng Cộng sản Việt Nam thiết lập quan hệ ngay từ những năm 1960.
Trong những năm qua, hai đảng liên tục vun đắp quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt, trên cơ sở Thỏa thuận chung về hợp tác giữa hai đảng được ký lần đầu tiên năm 1983 và hiện nay đang được ký kết và triển khai theo từng giai đoạn. Đến nay, Việt Nam đã đào tạo một số khóa bồi dưỡng chính trị ngắn hạn cho các cán bộ quản lý đảng FRELIMO. Hai bên cũng thường xuyên cập nhật tình hình, trao đổi các cấp, cả trao đổi đoàn, kịp thời chúc mừng, thăm hỏi, động viên nhau, thể hiện tình cảm hữu nghị, hợp tác quý báu.
Có thể khẳng định quan hệ giữa hai đảng phát triển tốt đẹp góp phần tăng cường tin cậy chính trị, tạo tiền đề quan trọng thúc đẩy hợp tác mọi mặt giữa hai nước.
Theo Đại sứ, đâu là tiềm năng hợp tác giữa hai nước và cần làm gì để đẩy mạnh quan hệ hợp tác trong thời gian tới?
Tình hữu nghị truyền thống tốt đẹp là nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ đoàn kết, hữu nghị và hợp tác tin cậy giữa Việt Nam và Mozambique trong gần 50 năm qua. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, những xu thế mới nổi lên, đặt ra nhiều thách thức cho mỗi quốc gia phải giải quyết, nhưng tình cảm chân thành và mong muốn hợp tác vì lợi ích chung của hai nước, cũng như vì hòa bình, ổn định, phát triển của mỗi khu vực và thế giới, sẽ là động lực để quan hệ hai nước có những bước phát triển mới trong tương lai.
Hợp tác chính trị và hợp tác kênh đảng, Quốc hội giữa hai nước sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, trên cơ sở các khuôn khổ hợp tác sẵn có và đang phát huy hiệu quả giữa hai nước.
Hợp tác thương mại – đầu tư hai bên thời gian qua có một số điểm sáng, nhưng tổng thể kim ngạch thương mại song phương vẫn còn hạn chế, chưa có nhiều dự án đầu tư lớn ở mỗi nước. Tuy nhiên, cả Việt Nam và Mozambique đều nhận thức rất rõ tiềm năng, thế mạnh có thể bổ trợ, hỗ trợ lẫn nhau trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là về nông nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản, viễn thông, chuyển đổi số, năng lượng và khoáng sản.
Ngoài ra, nếu có sự đầu tư, nghiên cứu để kịp thời nắm bắt tình hình và cơ hội thì Mozambique sẽ có thể là một thị trường đầu tư phù hợp với các doanh nghiệp Việt Nam mong muốn làm ăn, kinh doanh ở khu vực Đông Phi. Bên cạnh đó, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp Mozambique cũng bày tỏ mong muốn tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Việt Nam trong các ngành nghề nông nghiệp, dệt may...
Tôi tin tưởng chắc chắn rằng, trên cơ sở lợi thế, tiềm năng, nhu cầu và nền tảng quan hệ song phương hiện có, với quyết tâm và nỗ lực chung của hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước, quan hệ hợp tác chính trị, kinh tế - thương mại, đầu tư, giao lưu nhân dân giữa hai nước sẽ tiếp tục vượt qua rào cản về khoảng cách địa lý để phát triển, đạt thêm nhiều thành tựu mới trong tương lai.
Xin cảm ơn Đại sứ!.