Đẩy nhanh tiến độ kết hợp với nâng cao chất lượng quy hoạch
Cử tri Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, về cơ bản Báo cáo và những ý kiến đánh giá tại Hội trường Quốc hội đã nói lên thực trạng của công tác quy hoạch hiện nay. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, tiến độ lập quy hoạch đang được triển khai chậm, trong đó có nguyên nhân khách quan là do Thành phố là đô thị đặc biệt với dân cư đông, mức độ tập trung lớn, có sự đa dạng về văn hóa, dân cư có trình độ, kinh tế khác nhau. Vì vậy, công tác thẩm định, phê chuẩn quy hoạch phải liên quan đến các bộ, ngành khác nhau dẫn đến chậm tiến độ quy hoạch chung. Tiến độ công tác quy hoạch chậm so với yêu cầu thực tế hiện nay tại Thành phố đã gây ra nhiều khó khăn cho người dân, vì vậy đề nghị Quốc hội có ý kiến yêu cầu các bộ, ngành có biện pháp thống nhất trong vấn đề này.
Bên cạnh đó, công tác quy hoạch còn chưa có được sự đồng bộ giữa Luật Quy hoạch đô thị và luật chuyên ngành liên quan như Luật Đất đai, Luật Xây dựng; vì vậy đề nghị cần có giải pháp để hệ thống pháp luật hoàn chỉnh và đồng bộ. Công tác sửa đổi luật liên quan đến hoạt động quy hoạch phải đảm bảo yêu cầu phát triển đô thị trung tâm phù hợp, đồng bộ với các quận, huyện; điều chỉnh quy hoạch chung của Thành phố phải phù hợp, thống nhất với quy hoạch của vùng dân cư nông thôn.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu nhấn mạnh, tiến độ lập quy hoạch phải gắn với chất lượng quy hoạch. Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều cơ quan, chuyên gia đều thống nhất cho rằng cùng với yêu cầu đẩy nhanh tiến độ quy hoạch chung kết hợp với nâng cao chất lượng quy hoạch, quy hoạch của Thành phố nói riêng, của cả nước nói chung cần phải vừa có tính kế thừa, kết nối giữa quy hoạch cũ và quy hoạch mới.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng, các ý kiến tại Hội trường đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong tiến độ, triển khai, thẩm định, phê duyệt quy hoạch ở cấp quốc gia cũng như quy hoạch vùng, quy hoạch thành phố. Vì vậy, chính sách pháp luật về quy hoạch theo Luật Quy hoạch cần nghiên cứu chuẩn bị, tháo gỡ những khó khăn trong công tác này. Thời gian qua, việc ban hành văn bản pháp luật hướng dẫn chi tiết còn chậm, tồn tại nhiều hạn chế phát sinh dẫn đến sự chậm trễ trong tiến độ triển khai, thẩm định, phê duyệt, thực hiện quy hoạch cấp quốc gia và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng. Cụ thể như: văn bản quy định chi phí lập quy hoạch, đấu thầu, lựa chọn tư vấn lập quy hoạch… ban hành chậm, chưa đồng bộ, thống nhất với những quy định pháp luật liên quan.
Bên cạnh đó, theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, việc thực hiện chính sách pháp luật về công tác quy hoạch có tác động lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước. Vì vậy, cần công khai thông tin quy hoạch trên các phương tiện thông tin truyền thông, đưa thông tin đến với người dân để người dân biết và thực hiện cơ chế giám sát “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”. Công tác quy hoạch chậm, còn tồn tại quy hoạch “treo” thì người dân gặp khó khăn. Chính vì vậy, để nâng cao chất lượng, hiệu quả thì công tác quy hoạch phải gắn với thực hiện dân chủ cơ sở.
Mong muốn công tác quy hoạch hiệu quả hơn
Đồng tình với ý kiến phát biểu tại Hội trường của các đại biểu Quốc hội, cử tri Bùi Mạnh Hùng, một cựu chiến binh tại Phường 12, quận Tân Bình cho rằng, công tác quy hoạch có vai trò rất quan trọng, tác động lớn đến mọi mặt của đời sống xã hội cũng như sự phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh trong tương lai. Trong thời gian qua, tuy Thành phố đã nhiều lần triển khai lấy ý kiến chuyên gia, người dân cho hoạt động quy hoạch, nhưng thực tế, công tác này vẫn chưa đạt hiệu quả như mong đợi của người dân, nhất là các dự án quy hoạch kiến trúc đô thị, xây dựng đô thị.
Ông Bùi Mạnh Hùng cho rằng, vừa qua Chính phủ đã phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 thể hiện mối quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với công tác quy hoạch của Thành phố, nhằm tạo điều kiện và nguồn lực cho sự phát triển của Thành phố trong tương lai. Những yêu cầu về nhiệm vụ quy hoạch Thành phố cũng là mối quan tâm, sự kỳ vọng của cử tri, của nhân dân Thành phố đối với chính quyền Thành phố trong quá trình phát triển, xây dựng Thành phố trở thành đô thị thông minh, nâng cao chất lượng sống của nhân dân và giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế, trung tâm khoa học-kỹ thuật và tài chính của đất nước. Người dân Thành phố mong muốn, trong thời gian tới, công tác quy hoạch sẽ được công khai hơn, hiệu quả hơn, mang lại lợi ích cho người dân Thành phố.
Trong khi đó, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Minh Hòa, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Thành phố Hồ Chí Minh thẳng thắn đánh giá, tầm quan trọng của quy hoạch đối với sự phát triển của Thành phố là điều không bàn cãi. Thực tế công tác quy hoạch của Thành phố trong giai đoạn vừa qua đã có nhiều cố gắng, tiến bộ tích cực nhưng vẫn còn nhiều vấn đề tồn đọng cần giải quyết. Trong đó, dễ nhận thấy nhất là quy hoạch không đồng bộ giữa quy hoạch kinh tế - xã hội và quy hoạch không gian. Quy hoạch kinh tế - xã hội phải đi trước quy hoạch không gian nhưng tại Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương khác đang làm ngược lại. Việc quy hoạch không gian trước khi quy hoạch kinh tế-xã hội dẫn đến sự không hiệu quả, lãng phí nguồn lực, trong đó có những dự án “treo”.
Để giải quyết vấn đề này, cần có sự thay đổi ngay từ chủ trương, từ công tác quản lý nhà nước. Thành phố Hồ Chí Minh đã có những thay đổi về vấn đề này như: làm đề án giao thông trước rồi làm đề án xây dựng nhà ở, khu dân cư, siêu thị sau nhưng vẫn hơi muộn. Muốn quy hoạch tốt phải có quy hoạch dân cư, điều chỉnh, điều tiết dân cư không tập trung vào một nơi như tại các quận nội thành. Đồng thời, mật độ dân số quá cao tại một nơi sẽ dẫn đến thất bại của quy hoạch.
Ông Nguyễn Minh Hòa nhấn mạnh, theo kinh nghiệm quốc tế, cần có một cơ quan chuyên trách mang tính chuyên môn về quy hoạch không làm nhiệm vụ quản lý nhà nước để làm công tác quy hoạch cho Thành phố. Người làm quy hoạch cần có một đơn vị riêng, đủ tầm, vị thế để thực hiện nhiệm vụ quy hoạch, không bị ảnh hưởng từ các công ty, doanh nghiệp liên quan có lợi ích từ công tác quy hoạch.