PGS.TS Nguyễn Khắc Thanh, Giảng viên cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh:
Việt Nam đẩy mạnh đối ngoại nhân dân
Lĩnh vực đối ngoại, trong thời kỳ đổi mới này, tôi cho rằng, thành công lớn nhất là Việt Nam đã kịp thời thay đổi đường lối đối ngoại, từ hợp tác toàn diện với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa anh em theo văn kiện Đại hội lần lần 6. Trước biến động của Đông Âu và Liên Xô, Việt Nam đã thay đổi, chuyển sang đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ đối ngoại. Đó là bước ngoặt hết sức cơ bản. Việt Nam đã đánh giá đúng tình hình và thích ứng được biến động của thế giới sau chiến tranh lạnh.
Với việc đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, chúng ta không lấy ý thức hệ là điều kiện tiên quyết. Việt Nam hiện diện trước thế giới với tư cách là một thành viên đầy đủ của cộng đồng quốc tế. Việt Nam quan hệ cơ sở với các nước trên cơ sở là thành viên đầy đủ, quốc gia với quốc gia. Chúng ta không đặt chính trị xã hội làm điều kiện tiên quyết, là do sự lựa chọn mỗi nước. Chính điều này mở ra một khoảng không đối ngoại, thuận lợi cho cán bộ làm công tác đối ngoại, cho những ai cần có sự thay đổi khi hướng về bên ngoài. Thế giới cũng nhìn vào Việt Nam dám thay đổi, đối mặt với thách thức mới sau chiến tranh lạnh.
Việt Nam quyết tâm sửa đổi Hiến pháp năm 1980 thành Hiến pháp 1992, cụ thể hóa đường lối của Đảng, từ đó đi vào cuộc sống. Điều đó cần phải hiểu như thế này: Việt Nam vẫn trung thành, giữ gìn quan hệ bạn bè anh em truyền thống, trong đó có các nước xã hội chủ nghĩa. Việt Nam còn thiết lập đầy đủ với những quốc gia là thành viên đầy đủ của cộng đồng quốc tế.
Chúng ta đã làm cho thế giới nhìn vào Việt Nam thực sự thay đổi. Sau Đại hội 7, Việt Nam vẫn bị phương Tây bao vây cấm vận. Bằng cách đó, Việt Nam từng bước đấu tranh, vận động để thoát khỏi cấm vận. Sau đó, Việt Nam mới thiết lập quan hệ các nước trong ASEAN, trong Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và nhiều quốc gia khác. Từ đó, tạo ra môi trường quốc tế thuận lợi hơn bao giờ hết để Việt Nam tiến tới công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đó là thành tựu lớn nhất.
Ngày 28/7/1995, tại Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEAN lần thứ 28 (AMM-28) tại Brunei Darussalam, Việt Nam chính thức gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và trở thành thành viên thứ 7 của Hiệp hội này, bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam quan hệ bình thường hóa với tất cả các cường quốc với tư cách là quốc gia độc lập, thành viên cộng đồng quốc tế. Chính cái đó, đẩy thêm bước nữa là bình thường hóa với Mỹ, gia nhập ASEAN và APEC ký hiệp định thương mại Mỹ theo tiêu chí Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), thúc đẩy nhanh tiến trình đàm phán gia nhập WTO. Tất cả cái đó bắt đầu từ việc đổi mới đường lối đối ngoại. xác định là đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoai. Ngay cả về đường lối chính sách của Đảng, Việt Nam cũng đổi mới. Việt Nam cũng thiết lập quan hệ với các Đảng cầm quyền của các nước.
Người dân Việt Nam, không phải ai cũng được đào tạo đối ngoại. Ví dụ, Việt kiều sinh sống ở nước ngoài cũng là đối ngoại; lưu học sinh, nghiên cứu sinh học ở các nước Đông Âu cũng là đối ngoại. Chúng ta thủy chung với bạn bè. Đối ngoại nhân dân là linh hoạt. Nhiều khi đi trước một bước, chuẩn bị đối ngoại về phía Nhà nước. Có lẽ bắt đầu tấm lòng thủy chung của người Việt Nam. Khi họ về nước, họ giúp chính khách của nước ngoài hiểu hơn về Việt Nam.
Trong đối ngoại, Việt Nam khẩn trương thúc đẩy quá trình hội nhập vào các tổ chức quốc tế bao gồm trả nợ Quỹ tiền tệ quốc tế; bình thường hóa với Ngân hàng Thế giới; đẩy mạnh gia nhập WTO. Đây là lĩnh vực thành công để giúp Việt Nam có cơ đồ như ngày nay.
Trước hết, Việt Nam có vị trí địa - chiến lược trong một khu vực chiến lược trọng yếu hàng đầu trên thế giới. Trong bàn cờ chiến lược của các cường quốc không thể không tính tới Việt Nam. Việt Nam có lợi thế phát triển trong bối cảnh thế giới lấy đối thoại thay cho đối đầu. Vị trí địa lý đang giúp cho Việt Nam như là công cụ tiếp tục củng cố quan hệ với các cường quốc trên thế giới. Việt Nam luôn đứng giữa các cường quốc, tìm mọi cách làm bạn với các cường quốc.
Đại sứ Tôn Sinh Thành, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ (2014-2018):
Đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế
Tôi cho rằng công tác đối ngoại đã được thực hiện một cách hiệu quả trong những năm qua, thể hiện qua những thành tưu đối ngoại to lớn đã đạt được. Trước hết, chúng ta đã thực hiện tốt chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế. Đến nay, chúng ta đã có quan hệ ngoại giao với 189 nước trong tổng số 193 quốc gia thành viên Liên Hợp quốc. Trong số đó, chúng ta đã đưa các mối quan hệ với các nước lớn và trung tâm lớn đi vào chiều sâu, ổn định, với việc thiết lập quan hệ đặc biệt với 3 nước, đối tác chiến lược với 17 nước và đối tác toàn diện với 13 nước, duy trì được quan hệ cân bằng, đan xen lợi ích với các nước lớn.
Chúng ta cũng đã khá thành công trong chủ trương hội nhập quốc tế, với việc mở rộng quan hệ thương mại với 230 nước, ký 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 3 FTA thế hệ mới, và mạng lưới liên kết kinh tế sâu rộng với hầu hết các nền kinh tế quan trọng trên thế giới. Các nỗ lực hội nhập trên đây đã giúp cho đất nước chúng ta tranh thủ được nhiều nguồn lực bên ngoài về thị trường, vốn và công nghệ. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đến nay đã đạt khoảng 600 tỉ USD, gấp khoảng 120 lần so với những năm đầu của thời kỳ đổi mới. Chúng ta đã thu hút được hơn 400 tỷ đôla Mỹ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong đó đã giải ngân được khoảng 250 tỷ USD…
Chủ trương nâng tầm ngoại giao đa phương cũng đã đem lại nhiều thành tựu. Việt Nam hiện đã là thành viên tích cực và có trách nhiệm của hơn 70 tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng, như Liên hợp quốc, ASEAN, APEC, ASEM, WTO v.v... Chúng ta đã tổ chức thành công nhiều hội nghị quốc tế lớn và hoàn thành nhiều trọng trách như Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc, Chủ tịch luân phiên ASEAN, chủ nhà Hội nghị cấp cao ASEM, Hội nghị thượng đỉnh APEC, Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN… tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc, nhờ đó vị thế và uy tín của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế.
Công tác đối ngoại cũng đã đóng vai trò quan trọng vào việc bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Chúng ta đã cơ bản phân định xong đường biên giới trên bộ với các nước láng giềng Trung Quốc, Lào, chỉ còn 16% với Campuchia. Đối với những vấn đề phức tạp trên Biển Đông, chúng ta cơ bản thực hiện tốt mục tiêu kép, vừa kiên quyết bảo vệ vững chắc chủ quyền và quyền chủ quyền, vừa kiên trì mục tiêu giữ vững hòa bình, không để xảy ra xung đột, kiểm soát vấn đề Biển Đông bằng các biện pháp pháp ngoại giao và pháp lý, nhằm tìm kiếm giải pháp cơ bản, lâu dài cho các tranh chấp.
Có được những thành tựu trên đây là nhờ vai trò tiên phong của ngoại giao Nhà nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cùng với sự vào cuộc của ngoai giao Quốc hội, ngoại giao nhân dân, và sự phối hợp của các bộ ngành, địa phương trong cả nước. Đó cũng là nhờ chúng ta triển khai đồng bộ và hiệu quả nền ngoại giao toàn diện với các trụ cột chính là ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa và tuyên truyền đối ngoại, bên cạnh các trụ cột quan trọng khác là đối ngoai Đảng, đối ngoại nhân dân, đối ngoại quốc phòng, ngoại giao nghị viện và ngoại vụ địa phương.
Nghị quyết Đại hội XIII đã xác định rất rõ mục tiêu, đường lối chỉ đạo và phương châm đối ngoại của đất nước ta trong thời gian tới. Tuy nhiên, việc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII về công tác đối ngoại đang đứng trước nhiều thách thức và cũng không ít cơ hội. Thách thức lớn nhất là sự phức tạp, khó lường của cục diện thế giới và khu vực hiện nay. Sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và quá trình tòan cầu hóa không thể đảo ngược cùng với tác động sâu rộng của đại dịch COVID đang làm cho tương quan lực lượng thay đổi nhanh hơn và trật tự thế giới sẽ chuyển dịch sang hình thái đa cực đa trung tâm sớm hơn, khiến cho cạnh tranh giữa các cường quốc trở nên gay gắt hơn, làm xuất hiện những xu thế trái chiều bất lợi như chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa cường quyền, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch cùng với nhiều mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống.
Bất chấp những thách thức nói trên, chúng ta vẫn xác định xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là chủ đạo trên thế giới và cả trong khu vực Châu Á- Thái Bình Dương. Cùng với đó, xu thế dân chủ hóa quan hệ quốc tế và vai trò ngày càng tăng của luật pháp quốc tế, cũng tạo nên những điều kiện thuận lợi cho việc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII về đối ngoại của chúng ta.
Hơn nữa, thế và lực của ta đã mạnh hơn trước, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: “ Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực và vị thế như ngày nay”. Tôi tin tưởng rằng một đất nước có hơn 340 tỷ USD thu nhập quốc dân, gần 100 triệu dân cùng với truyền thống kiên cường bảo vệ tổ quốc và khát vọng cháy bỏng vươn lên của cả dân tộc, chắc chắn sẽ vượt qua được mọi thử thách, thực hiện thành công các mục tiêu đối ngoại mà Nghị quyết Đại hội XIII đã đề ra.
Đại sứ Hà Kim Ngọc, Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ:
Kết nối tri thức kiều bào đưa về Việt Nam
Kiều bào đóng vai trò quan trọng trong công tác ngoại giao. Việc kết nối trí thức kiểu bào và đưa về Việt Nam là rất quan trọng, tiềm năng của tri thức kiều bào rất lớn. Theo số liệu của Uỷ ban nhà nước về người Việt ở nước ngoài, trí thức người Việt ở Mỹ có đến 200.000 người, chiếm đến một nửa tổng số trí thức người Việt ở nước ngoài. Đây cũng là cộng đồng có học vấn cao so với các cộng đồng nhập cư ở Mỹ.
Tính ra đến trên 55% kiều bào tại Mỹ có trình độ đại học hoặc tương đương, 23% trình độ thạc sĩ, cao hơn tỷ lệ trung bình ở Mỹ, 10% là tiến sĩ. Đặc biệt, có rất nhiều trí thức có tên tuổi ở Mỹ, nhất là trong những lĩnh vực khoa học, kỹ thuật cơ bản, vật lý, vũ trụ, công nghệ thông tin...Có nhiều người đã được vinh danh trong thời gian qua. Chúng tôi nhận thấy, đây là nguồn tài nguyên, nguồn lực rất lớn, có thể tận dụng để đóng góp cho sự phát triển của đất nước và các địa phương. Vừa qua đã có nhiều trí thức đã về nước để hợp tác, đào tạo, giáo dục, khởi nghiệp. Tuy nhiên, tôi nghĩ đó chỉ là bước khởi đầu. Tiềm năng còn rất lớn, nên chúng ta cần tiếp tục huy động nguồn lực này để đóng góp cho đất nước.
Vừa qua, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và Bộ Khoa học Công nghệ đã ký thoả thuận hợp tác phát triển trung tâm khởi nghiệp sáng tạo. Đây là ý tưởng rất tốt.
Theo tôi, các địa phương phải có chính sách cụ thể, phát huy thế mạnh của địa phương mình, xuất phát từ nhu cầu của mình để có chế độ ưu đãi cho trí thức và doanh nghiệp Việt kiều. Tôi nhấn mạnh sự trọng dụng. Sau Cách mạng tháng Tám, Bác Hồ thu hút được nhiều đại trí thức về nước, như Trần Đại Nghĩa, Lương Đình Của...Người ta sẵn sàng từ bỏ địa vị giàu sang để về đồng cam cộng khổ với đồng bào trong nước thì mình phải trọng dụng họ. Đó là vấn đề then chốt.
Để thu hút trí thức kiều bào, theo tôi có 3 vấn đề cần làm:
Thứ nhất, các cơ quan Trung ương phải đưa ra những biện pháp rất thiết thực, hiệu quả; phải có cơ chế tiếp nhận, xử lý, phản hồi những sáng kiến, khuyến nghị của các trí thức kiều bào.
Thứ hai, về phía các địa phương, cần làm 3 việc: Tạo ra môi trường, cơ sở hạ tầng và chế độ chính sách, để khuyến khích và trọng dụng nhân tài.
Thứ ba, cần tập trung vào những lĩnh vực của thời đại, như công nghệ cao, đổi mới. Các địa phương nếu đầu tư vào những cái mới đó sẽ phát huy được sở trường của các trí thức kiều bào, tạo ra môi trường thực sự hấp dẫn để họ về đây.