Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng:
Thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị Việt Nam – Lào
Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của hai Đảng, hai Nhà nước Việt Nam - Lào, các ban, bộ, ngành, nhất là cấp ủy, chính quyền địa phương, lực lượng bảo vệ biên giới và nhân dân vùng biên hai nước đã chung tay xây dựng đường biên giới Việt Nam-Lào hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác cùng phát triển. Đặc biệt, Việt Nam và Lào đã phối hợp rất chặt chẽ trong bảo vệ đường biên, cột mốc, phát triển kinh tế-xã hội ở khu vực biên giới, góp phần xóa đói giảm nghèo, ngăn chặn các hoạt động tội phạm qua biên giới.
Trong những năm qua, kể cả khi xảy ra đại dịch COVID-19, Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung và Bộ đội Biên phòng (BĐBP) nói riêng đã không ngừng thúc đẩy nhiều hoạt động hợp tác với các nước láng giềng có biên giới liền kề, trong đó phải kể đến các hoạt động tuần tra chung, chia sẻ thông tin, ngăn chặn nạn vượt biên trái phép, đấu tranh phòng, chống tội phạm, ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập qua đường biên giới. Bên cạnh đó, các hình thức giao lưu, kết nghĩa cũng được tích cực triển khai ở các cấp với nhiều hình thức phong phú.
Cho đến nay, chúng ta đã tổ chức 6 lần Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam-Trung Quốc, 3 lần Giao lưu “Biên cương thắm tình hữu nghị”; tổ chức “Giao lưu hữu nghị biên giới Việt Nam-Lào-Campuchia” lần thứ nhất cấp Bộ chỉ huy BĐBP, Giao lưu hữu nghị biên giới Việt Nam-Lào lần thứ nhất cấp Bộ tư lệnh BĐBP, giao lưu văn nghệ “Sắt son tình nghĩa Việt-Lào” cấp Bộ chỉ huy BĐBP... Ngoài ra, chúng ta đã tham mưu cho các cấp ủy, chính quyền địa phương về kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới, chia sẻ kinh nghiệm, giao lưu văn hóa bản địa, giúp nhau phát triển kinh tế...
Đây là những mô hình giao lưu rất sáng tạo, linh hoạt, thực chất, hiệu quả ở tuyến biên giới của Việt Nam tiếp giáp với 3 nước láng giềng Trung Quốc, Lào và Campuchia. Trong thời gian tới, chúng ta kỳ vọng mở rộng những mô hình giao lưu nói trên sang các nước Tiểu vùng Mê Công và khối ASEAN vì một mục tiêu: Hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác, cùng phát triển với các nước láng giềng có biên giới liền kề nói riêng và trong khu vực nói chung.
Các hoạt động giao lưu hữu nghị biên giới với nhiều mô hình sáng tạo, linh hoạt, thực chất, hiệu quả đã một lần nữa khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại của Việt Nam, trong đó ưu tiên mối quan hệ với các nước láng giềng có biên giới liền kề, các nước bạn bè truyền thống, các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện. Các hoạt động này cũng góp phần đưa hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam với các nước ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả và thực chất hơn, qua đó đóng góp quan trọng vào việc củng cố tiềm lực quốc phòng của mỗi nước, đồng thời nêu cao tinh thần trách nhiệm của các ban, bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương, lực lượng bảo vệ biên giới và nhân dân vùng biên cùng chung tay xây dựng các tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác, cùng phát triển.
Trung tướng Đỗ Danh Vượng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ đội biên phòng:
Vận dụng sáng tạo đường lối, quan điểm của Đảng trong công tác dân vận của Bộ đội biên phòng
Quan hệ đoàn kết, hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào là truyền thống quý báu của hai Đảng, hai Nhà nước, của hai dân tộc được vun đắp từ lâu, nên nhân dân hai bên biên giới có mối quan hệ gắn bó thân tộc, dân tộc lâu đời.
Do vậy, với mong muốn tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân hai bên biên giới đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong phát triển kinh tế thì từ sáng kiến của BĐBP Quảng Trị những năm trước đây, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo các đơn vị BĐBP trên tuyến biên giới Việt - Lào trên cơ sở tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai Đảng, hai Nhà nước, nhân dân hai nước để tổ chức hoạt động kết nghĩa giữa các bản, cụm bản hai bên biên giới. Hoạt động này hiện đã được triển khai rộng khắp tại các tỉnh tuyến biên giới Việt Nam - Lào với 103 cặp cụm dân cư tổ chức kết nghĩa.
Qua 17 năm, mô hình này đã được khẳng định là có sức ảnh hưởng sâu rộng, thể hiện vận dụng sáng tạo đường lối, quan điểm của Đảng trong công tác dân vận của BĐBP và các địa phương trong tình hình mới. Tại các cặp cụm dân cư kết nghĩa, nhân dân hai bên hết sức đồng thuận, tin tưởng và ủng hộ lẫn nhau; ý thức, trách nhiệm đối với chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia cũng được nâng lên rõ rệt.
Hoạt động kết nghĩa này không chỉ dừng lại ở các hoạt động giao lưu, tiếp xúc, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển kinh tế, xã hội, cùng nhau quản lý bảo vệ biên giới, cùng nhau vun đắp, xây dựng tình hữu nghị, đoàn kết lâu dài, mà còn thông qua các hoạt động “Nâng bước em tới trường”, xây dựng các trạm y tế hữu nghị, xây dựng các công trình phục vụ cho sự phát triển của hai bên, cùng tham gia tuần tra, quản lý, bảo vệ biên giới, phối hợp đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm.
Quan hệ đoàn kết, hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào và hoạt động đối ngoại quốc phòng, đối ngoại biên phòng giữa quân đội hai nước đã có từ lâu. Tuy nhiên, trong xu thế hội nhập và phát triển chung hiện nay thì Đảng, Nhà nước ta xác định đối ngoại quốc phòng cũng là một trong những trụ cột chính để tăng cường mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị với các Đảng, các nhà nước, nhân dân trên toàn thế giới.
Đối với nước bạn Lào, đây là mối quan hệ đoàn kết đặc biệt, lâu đời, do vậy, không chỉ dừng lại ở các hoạt động đối ngoại của các đơn vị, lực lượng nhỏ lẻ, mà nâng cấp lên thành hoạt động lớn, hoạt động chung để ngang tầm với vị trí, quan hệ của hai nước. Vì thế, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã quyết định cùng với Bộ Quốc phòng Lào tổ chức hoạt động giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam - Lào lần thứ nhất, nhằm tăng cường mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị đặc biệt giữa hai Đảng, Nhà nước, nhân dân và quân đội hai nước. Thông qua đó để cùng chung tay quản lý, bảo vệ vững chắc biên giới, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển, đảm bảo sự ổn định để nhân dân hai bên biên giới cùng nhau xây dựng, phát triển đất nước.
Ông Đoàn Công Huynh, Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại (Bộ TT&TT):
Đa dạng hình thức tuyên truyền
Thực hiện Chương trình phối hợp tuyên truyền khu vực biên giới, hải đảo, hoạt động phối hợp gữa Sở TT&TT và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) trong 10 năm qua đã được triển khai tới nhiều đối tượng với các hình thức phong phú, đa dạng, cơ bản đáp ứng được yêu cầu thông tin và định hướng dư luận xã hội; các ngành chức năng đã chủ động nắm chắc và dự báo được tình hình nổi lên ở khu vực biên giới. Các lực lượng công tác thông tin đối ngoại ở khu vực biên giới từng bước được nâng cao về nhận thức và trau dồi các kỹ năng thông tin tuyên truyền. Vì vậy, đã góp phần nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân khu vực biên giới, biển, đảo, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Bộ TT&TT và Bộ Tư lệnh BĐBP đã phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí trung ương và địa phương, nhất là 44 tỉnh, thành phố biên giới, phát huy hiệu quả thông tin, tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng. 100% Sở TT&TT phối hợp với Bộ Chỉ huy BĐBP các tỉnh, thành phố mở các chuyên mục, chuyên trang “Vì chủ quyền biên giới”, “Thông tin biên giới”, “Biên giới - Biển đảo”…
Giai đoạn 2011-2020, đã có hàng ngàn tin, bài, phóng sự, phim tài liệu, tiểu phẩm truyền hình, phát thanh… được tuyên truyền, quảng bá sâu rộng trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Đồng thời, đã tổ chức các chương trình giao lưu hữu nghị quốc phòng với các quốc gia vùng biên giới với Trung Quốc, Lào, Campuchia; triển khai chương trình đưa thông tin về miền núi, vùng sâu, vùng xa, sử dụng sức mạnh internet để phục vụ hiệu quả công tác tuyên truyền đối ngoại bằng cả tiếng Việt và tiếng nước ngoài…
Kết quả công tác thông tin, tuyên truyền và thông tin đối ngoại đã góp phần nâng cao tinh thần cảnh giác trước các âm mưu, thủ đoạn, chiến lược diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch, phản động; góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác, đầu tư, phát triển văn hóa-xã hội khu vực biên giới, thực hiện chủ trương mở cửa, hội nhập, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Chương trình phối hợp giai đoạn 2021-2030 giữa Bộ TT&TT và Bộ Tư lệnh BĐBP với những mục tiêu cao hơn, định hướng cách làm hiệu quả hơn và công tác phối hợp chặt chẽ, thống nhất hơn. Bảo đảm sự phối hợp thống nhất, đồng bộ trong công tác thông tin đối ngoại từ Trung ương đến cơ sở, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, các cơ quan chức năng. Qua đó, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chác chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Ông Nguyễn Văn Đen, Phó Giám đốc Sở Thông tn và Truyền thông Cà Mau:
Tăng cường thông tin đối ngoại
Trên cơ sở chương trình phối hợp, Sở TT&TT, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Cà Mau và các huyện ven biển tích cực, chủ động phối hợp triển khai công tác thông tin và thông tin đối ngoại khu vực biên giới, biển đảo; triển khai tuyên truyền miệng, tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức pháp luật và kỹ năng tuyên truyền cho đội ngũ thông tin cơ sở các cấp; tổ chức hội thi tìm hiểu về biển đảo Việt Nam tại các huyện ven biển….
Sở TT&TT Cà Mau phối hợp với Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh xây dựng 23 cụm pano tuyên truyền ở tất cả các xã, thị trấn có biên giới biển; biên tập tài liệu, áp phích, tranh cổ động (hơn 20.000 bản)….; cùng với tỉnh đoàn tổ chức cuộc thi tìm hiểu, lồng ghép nội dung truyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về an ninh quốc gia và chủ biển biển đảo cho cán bộ cơ sở và đoàn thanh niên.
Hoạt động truyền thông được đẩy mạnh trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã góp phần tích cực vào quá trình thông tin, truyền thông và thông tin đối ngoại khu vực biên giới biển, đảo trên địa bàn, nhất là vùng sâu, vùng xa, ven biển. Do đó thời gian tới, chương trình phối hợp tuyên truyền đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng và từng thời điểm; phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành và địa phương.