Phó Thủ tướng giao UBND tỉnh Hòa Bình, tỉnh Thanh Hóa có trách nhiệm công bố và khen thưởng theo quy định, chỉ đạo 3 huyện trên tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, chú trọng tiêu chí về môi trường để đảm bảo tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới.
Sau 10 năm thực hiện Chương trình nông thôn mới, đến nay, huyện Lương Sơn có 19/19 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Cơ sở hạ tầng có nhiều khởi sắc. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2.92%. Thu nhập bình quân đạt 38 triệu đồng/người/năm. Các điều kiện về giáo dục, y tế, văn hoá tiếp tục được cải thiện. An ninh trật tự ở nông thôn được cải thiện.
Huyện bước đầu thực hiện được mục tiêu là vùng kinh tế động lực của tỉnh. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 13,86%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: công nghiệp - xây dựng 63,1%; thương mại - dịch vụ 24,8%; nông, lâm nghiệp, thủy sản 12,1%. Quy mô các ngành kinh tế tăng gấp 2,2 lần so với năm 2015; thu ngân sách Nhà nước năm 2020 ước đạt 372 tỷ đồng, tăng 242 tỷ so với năm 2015... Huyện Lương Sơn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019 sớm hơn 1 năm so với kế hoạch.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Nga Sơn khóa XXII. Những năm qua, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Nga Sơn tiếp tục chuyển biến tích cực và đạt được kết quả quan trọng. Tốc độ gia tăng giá trị sản xuất ước đạt 13,7%, cơ cấu giữa các ngành nông - lâm - thủy sản 23,7%, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng 44,8%, dịch vụ - thương mại 31,5%; thu nhập bình quân đầu người 44 triệu đồng/năm; bình quân giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 165,5 triệu đồng. Chăn nuôi, trồng trọt và thủy sản đều tăng giá trị sản xuất.
Năm 2019, huyện Nga Sơn đã huy động xây dựng nông thôn mới với số vốn hơn 615 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương, tỉnh là hơn 47 tỷ đồng; ngân sách huyện 68,5 tỷ đồng; ngân sách xã 83 tỷ đồng; vốn tín dụng là 52 tỷ đồng; vốn doanh nghiệp đầu tư 21,6 tỷ đồng; vốn nhân dân đóng góp 342 tỷ đồng (trong đó đóng góp xây dựng công trình phúc lợi là 9 tỷ đồng); nhân dân tự nguyện hiến đất để mở rộng đường giao thông. Đến nay, bình quân toàn huyện đạt 19 tiêu chí/xã, năm 2019 có 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 100%.
Sau 10 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới, diện mạo các vùng quê trong huyện Hoằng Hóa ngày càng khang trang, đời sống nhân dân được nâng cao. Đến nay, toàn huyện đã có 42/42 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tự đánh giá đạt 9/9 tiêu chí nông thôn mới cấp huyện.
Nhờ phát triển mạnh các mô hình sản xuất, các ngành kinh tế, thu nhập bình quân đầu người đã tăng lên hơn 45,6 triệu đồng/năm, cao hơn mức thu nhập bình quân chung của tỉnh. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện theo đó cũng giảm xuống còn 2%, giảm 15,46% so với năm 2011. Hiện tại, huyện Hoằng Hóa có nhiều mô hình sản xuất trở thành điển hình trong tỉnh, như: Nuôi tôm công nghiệp theo hướng công nghệ cao trong nhà màng, sản xuất rau quả theo tiêu chuẩn VietGAP tập trung, hàng trăm mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ đầu ra cho sản phẩm.
Huyện đã huy động tổng nguồn lực hơn 9.747,3 tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới. Các tiêu chí nông thôn mới cấp huyện như bệnh viện đa khoa, hệ thống cơ sở hạ tầng trên nhiều lĩnh vực… đều đạt các tiêu chuẩn theo hướng dẫn của Trung ương.