Bình luận về con số tiền lương mà dư luận cho rằng lên tới 17.000 tỷ đồng mỗi năm để trả cho 30% công chức không làm được việc, “sáng cắp ô đi, tối cắp về”, tại buổi họp báo cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí, chiều 14/10, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết đây là con số không chính xác vì không cơ quan nào đi điều tra có 30% công chức không làm được việc. Việc lấy tổng chi cho bộ máy hành chính nhà nước mỗi năm để tính phần trăm số chi cho những người không làm được việc là 17.000 tỷ đồng là không hợp lý.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN |
Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cho rằng hiện chưa có số liệu báo cáo thống kê nào nói rõ trong đội ngũ cán bộ, công chức có 30% là "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về". Đây chỉ là dư luận. Qua 30 năm đổi mới, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đóng góp rất nhiều vào thành tựu của đất nước, đó là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, bên cạnh đó có những người không làm được việc, không đáp ứng được yêu cầu công việc, vì vậy, mới phải tiến hành đổi mới cơ chế quản lý, thực hiện tinh giản biên chế, đưa những người không đáp ứng yêu cầu công việc ra khỏi đội ngũ để lấy những người đáp ứng yêu cầu vào một cách tốt hơn.
Hiện các bộ, ngành, địa phương đều tập trung thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và thực hiện nhiều nội dung khác liên quan như xây dựng đề án cải cách tiền lương; sửa đổi các quy định của Chính phủ hướng dẫn thực hiện Luật cán bộ, công chức, Luật viên chức; quy định về tuyển dụng, sử dụng cán bộ quản lý… Các nhiệm vụ này có liên quan gắn bó chặt chẽ với nhau. Bên cạnh đó là thực hiện một số vấn đề liên quan đến cải cách công vụ, công chức như triển khai xác định vị trí việc làm, hoàn thiện lại hệ thống tiêu chuẩn chức danh công chức, ứng dụng công nghệ thông tin vào các kỳ thi tuyển công chức để đảm bảo khách quan, công bằng, lựa chọn người chính xác hơn.
Những việc đó đều đang triển khai và đã đạt được kết quả nhất định, ví dụ như vị trí việc làm, 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và 22 bộ, cơ quan ngang bộ đều được phê duyệt danh mục vị trí việc làm và đang triển khai tiếp để hoàn thiện thêm một bước về bản mô tả công việc và khung năng lực thực hiện nhiệm vụ. Căn cứ vào vị trí việc làm để quản lý biên chế một cách phù hợp hơn, đúng hơn, chặt chẽ hơn. Căn cứ vào vị trí việc làm có thể đổi mới và thay đổi phương thức và cơ chế quản lý liên quan đến tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá phân loại cán bộ công chức – Thứ trưởng Trần Anh Tuấn nói.
Theo ông, nhờ hai trụ cột hệ thống tiêu chuẩn chức danh công chức, chức danh nghề nghiệp của viên chức và vị trí việc làm để tiếp tục đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới theo đúng yêu cầu Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra là xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính và phục vụ nhân dân. “Với vị trí việc làm và việc đánh giá phân loại cán bộ, công chức đã được ban hành bởi Nghị định 56 của Chính phủ, tôi nghĩ rằng còn rất ít đất để những người lười biếng, không chịu làm việc. Bên cạnh đó, chúng ta đang thực hiện tinh giản biên chế, những người nào không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ là đưa vào danh sách để thực hiện tinh giản biên chế. Anh không đáp ứng được yêu cầu, anh phải ra đi để nhường chỗ cho những người tốt, những người có năng lực, đáp ứng được yêu cầu công việc và làm việc” – Thứ trưởng khẳng định.
Nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm trong vụ việc Trịnh Xuân Thanh
Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cũng thẳng thắn trả lời câu hỏi của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam về kiểm điểm trách nhiệm của Bộ trong việc khen thưởng, tuyển dụng, trình Thủ tướng phê chuẩn bổ nhiệm chức danh Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đối với ông Trịnh Xuân Thanh.
Trên cơ sở chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Ban cán sự Đảng Bộ Nội vụ và lãnh đạo Bộ đã nghiêm túc xây dựng kế hoạch, thành lập tổ công tác và phối hợp với tổ công tác của Ủy ban Kiểm tra Trung ương tiến hành kiểm tra, kiểm điểm. Trong quá trình thực hiện, từ chuyên viên theo dõi đến lãnh đạo vụ, lãnh đạo Bộ, tập thể Ban cán sự Đảng bộ đã nghiêm túc thẳng thắn nhìn vào trách nhiệm của mình để kiểm điểm, đảm bảo tính cầu thị, khách quan, đúng trách nhiệm của từng người. Kết quả kiểm điểm đã được thể hiện trong báo cáo gửi lên các cấp có thẩm quyền xem xét. Khi có thông báo của cấp có thẩm quyền, trong cuộc họp báo, Bộ sẽ trao đổi và công bố công khai kết quả của việc kiểm điểm này. Thứ trưởng Trần Anh Tuấn khẳng định trách nhiệm đến đâu sẽ kiểm điểm đến đó và nghiêm túc chấp hành đúng chỉ đạo của Tổng Bí thư, Ban Bí thư.
Đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo quản lý
Một vấn đề nữa báo giới quan tâm, được lãnh đạo Bộ Nội vụ trả lời tại buổi họp báo, đó là tình trạng lãnh đạo một số địa phương đưa nhiều người thân thích vào làm việc và làm lãnh đạo trong các cơ quan nhà nước mà dư luận vừa qua nói rằng “cả họ làm quan”, “cả nhà làm quan”, khi kiểm tra thì đều khẳng định đúng quy trình.
Khẳng định đây là một thực tế, Phó Vụ trưởng Vụ công chức, viên chức Trương Hải Long cho biết, điều này đặt ra vấn đề phải hoàn thiện thể chế để tránh các hiện tượng sai trái. Bộ Nội vụ đang tiến hành sửa đổi các quy định về phân cấp, quy chế về bổ nhiệm cán bộ. Bộ Nội vụ tham mưu cho Bộ Chính trị ban hành quy định về công tác cán bộ theo tinh thần kết luận của đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) là thời gian tới cần rà soát, hoàn thiện cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật của nhà nước, kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực. Thời gian tới, Bộ Nội vụ phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền của Đảng sửa đổi các quy định liên quan đến công tác cán bộ, đảm bảo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư.
Nói về vấn đề quy trình bổ nhiệm, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cho rằng, bổ nhiệm đúng quy trình nhưng có đảm bảo chất lượng hay không lại là việc khác. Chất lượng thế nào phụ thuộc vào vai trò của cấp ủy và trách nhiệm của người đứng đầu. Được tuyển chọn mà không làm được việc là phải ra đi, nhường chỗ cho người khác, phải có cơ chế đào thải. Luật cán bộ công chức đã quy định về từ chức, miễn nhiệm nhưng còn vấn đề tự giác và còn phải bổ sung thêm một số vấn đề khác như người đứng đầu thấy rằng người đó không làm được việc phải họp cấp ủy để bàn cách miễn nhiệm chức vụ, tìm người khác xứng đáng hơn để đưa vào. Trong quá trình triển khai phải nghiên cứu để đưa ra giải pháp để tuyển chọn người xứng đáng, hạn chế bè nhóm, phe cánh trong tuyển chọn lãnh đạo quản lý. Bộ Nội vụ đã xây dựng đề án về đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo quản lý và đã được Bộ Chính trị thông qua.