Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập 2 phường thuộc thành phố Hải Dương, cụ thể: thành lập phường Tân Hưng trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của xã Tân Hưng sau khi điều chỉnh, phường Tân Hưng có 5,00 km2 diện tích tự nhiên và 8.664 người; thành lập phường Nam Đồng trên cơ sở toàn bộ 8,89 km2 diện tích tự nhiên và 10.675 người của xã Nam Đồng.
Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn quyết định điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính thành phố Hải Dương như: Nhập toàn bộ 10,81 km2 diện tích tự nhiên, 12.623 người của xã Tiền Tiến và 8,89 km2 diện tích tự nhiên, 10.769 người của xã Quyết Thắng, huyện Thanh Hà vào thành phố Hải Dương; nhập toàn bộ 4,86 km2 diện tích đất tự nhiên và 7.870 người của xã Ngọc Sơn huyện Tứ Kỳ vào thành phố Hải Dương; nhập toàn bộ 9,26 km2 diện tích tự nhiên, 16.729 người của xã Liên Hồng, huyện Gia Lộc và toàn bộ 5,05 km2 diện tích tự nhiên, 10.274 người của xã Gia Xuyên, huyện Gia Lộc vào thành phố Hải Dương. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/12/2019.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Dương Thái khẳng định, thành phố Hải Dương là đô thị có vị trí đắc địa trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, nằm trên 2 hành lang kinh tế quan trọng gần với hành lang kinh tế ven biển Bắc Bộ. Đánh giá cao sự đồng thuận, ủng hộ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các xã đã vì sự phát triển chung của tỉnh Hải Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dương Thái đề nghị Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hải Dương phối hợp với các sở, ngành, các địa phương tiếp tục tăng cường tuyên truyền, quán triệt, triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết số 788/NQ-UBTVQH14; xây dựng thành phố theo định hướng phát triển không gian đô thị “ngôi sao” với cấu trúc đa cực hướng tâm và phát triển bền vững với 5 mục tiêu “Đô thị công thương – Đô thị sống khỏe – Đô thị sáng tạo – Đô thị đẹp thân thiện với con người và Đô thị an toàn, an tâm”; tổ chức bồi dưỡng nâng cao kiến thức cho cán bộ, công chức gắn với việc sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, biên chế, số lượng đối với từng cơ quan, đơn vị phù hợp với mô hình hiện tại và gắn với việc thực hiện chính sách tinh giản biên chế.
Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương triển khai, hướng dẫn, tạo mọi điều kiện tốt nhất, đơn giản hóa các thủ tục để các cá nhân, tổ chức thực hiện chuyển đổi các loại giấy tờ có liên quan do thay đổi địa giới đơn vị hành chính.
Bí thư Thành ủy thành phố Hải Dương Lê Đình Long cho biết: Trong thời gian tới, thành phố Hải Dương tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị và ưu tiên cho các xã mới sáp nhập về thành phố theo hướng tăng cường các thiết chế văn hóa, dịch vụ công ích, hạ tầng xã hội. Thành phố cũng sẽ thực hiện điều chỉnh quy hoạch các xã theo hướng đô thị và làm tốt công tác quản lý gắn với nguyên tắc bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa riêng của mỗi địa phương trong quá trình phát triển của thành phố và chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn kiểu mẫu. Là đô thị loại 1, thành phố Hải Dương tập trung xây dựng và đề xuất đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế đặt hàng các dịch vụ công, cải cách thủ tục hành chính... tạo môi trường bình đẳng, thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư sản xuất, cung ứng dịch vụ trên địa bàn thành phố với mục tiêu cung cấp các dịch vụ tốt nhất, hạ tầng tốt nhất cho người dân.
Thành phố Hải Dương được thành lập từ ngày 6/8/1997 theo Nghị định số 88-CP trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của 11 phường, 2 xã thuộc thị xã Hải Dương. Sau hơn 20 năm xây dựng và phát triển, với việc sáp nhập thêm 5 xã, thành phố Hải Dương hiện có diện tích tự nhiên là 111,64 km2, dân số trên 508.000 người với 25 đơn vị hành chính (19 phường, 6 xã), được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt tiêu chí đô thị loại I trực thuộc tỉnh Hải Dương theo Quyết định 580/QĐ-TTg ngày 17/5/2019.