Dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở gồm 5 chương, 34 điều với những nội dung cơ bản về vị trí, chức năng của Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; tiêu chuẩn tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; quan hệ công tác của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Về nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, dự thảo Luật quy định thống nhất nhiệm vụ, quyền hạn của các lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, công an xã bán chuyên trách thành nhiệm vụ chung của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và xác định rõ đây là lực lượng tham gia hỗ trợ công an cấp xã trong bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở.
Thảo luận tại hội trường, nhiều ý kiến cho rằng, quy định tại dự thảo Luật sẽ góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác đảm bảo an ninh trật tự tại cơ sở hiện nay, khi sắp xếp 3 lực lượng gồm công an xã bán chuyên trách kết thúc nhiệm vụ, dân phòng và bảo vệ dân phố thành một lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự tại cơ sở.
Lực lượng này đặt dưới sự quản lý của chính quyền địa phương, được lực lượng công an nhân dân hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ. Đây là lực lượng quần chúng tự nguyện được tuyển chọn, tham gia hỗ trợ lực lượng chức năng trong việc phòng ngừa vi phạm pháp luật, bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn xã, phường, thị trấn; làm nòng cốt trong lực lượng quần chúng tự nguyện tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Bên cạnh những ý kiến đồng tình, nhiều đại biểu còn băn khoăn xung quanh một số quy định về cơ quan chủ quản. Có ý kiến đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, hoàn thiện dự án Luật, đồng thời bổ sung các báo cáo đánh giá tác động để làm rõ hơn một số vấn đề như tiêu chuẩn tuyển chọn; sắp xếp, bố trí lực lượng này; chế độ, chính sách liên quan và đảm bảo nguồn kinh phí hoạt động; bổ sung cụ thể trong dự thảo Luật quy định về nhiệm vụ để tránh chồng chéo với lực lượng Công an xã.
Theo ý kiến của nhiều đại biểu, dự thảo luật chưa có đánh giá tác động, báo cáo tổng kết về các lực lượng đang có, là thiếu căn cứ. Thêm vào đó, việc đưa lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở tại các địa phương sẽ dẫn đến tăng ngân sách và biên chế. Hiện nay tại cơ sở có lực lượng công an xã bán chuyên trách và dân quân tự vệ nên việc bổ sung lực lượng dễ gây chồng chéo về nhiệm vụ và lãng phí không cần thiết.
Đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) cho rằng, khi dự thảo Luật được thông qua sẽ giảm 500 nghìn người hưởng lương ngân sách là chưa thuyết phục. Đại biểu cho rằng, nếu thông qua dự luật này thì số lượng người tăng thêm để hưởng ngân sách hàng tháng của địa phương là 804 nghìn người chứ không phải 500 nghìn người. Theo các điều từ 19 đến 22 của dự thảo luật này, ngân sách địa phương phải bố trí để chi trả bao gồm cả trụ sở, phụ cấp, bảo hiểm. Như vậy sẽ không còn kinh phí để đầu tư phát triển, an sinh xã hội.
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp cho rằng khi luật ban hành sẽ giảm 500 nghìn người là không thực tế vì các lực lượng trên mỗi địa phương khác nhau. Có địa phương thành lập đội dân phòng theo luật phòng cháy, chữa cháy, nhiều địa phương do điều kiện ngân sách khó khăn không thành lập nên số lượng người thực tại ít hơn so với tờ trình. Ngược lại sẽ tăng thêm 1/3 nếu gộp ba lực lượng này, có khả năng tăng thêm 500 nghìn người và việc giảm chi ngân sách cho ba lực lượng trên càng không có cơ sở.
Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho rằng, đây là vấn đề lớn, tác động trực tiếp tới an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương, cơ sở, nhiều nội dung liên quan đến công tác tổ chức, vị trí pháp lý của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở; kinh phí, ngân sách bảo đảm. Một số nội dung của dự thảo Luật chưa thống nhất với quy định của một số luật hiện hành; dự thảo Luật cũng chưa đề cập đến các tổ chức tự nguyện, tự quản, các mô hình khác của quần chúng nhân dân đang tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Một số nhóm chính sách mới trong Luật chưa được Chính phủ đánh giá một cách chi tiết, toàn diện, sát thực tiễn.
Đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét cho thực hiện thí điểm việc xây dựng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trong một thời gian nhất định, tại một số địa phương để có thời gian tổng kết, đánh giá sự cần thiết cũng như tính khả thi của chính sách trước khi ban hành Luật.
Theo ý kiến một số đại biểu, thay vì xây dựng lực lượng mới như trong dự án Luật, nên hướng cho công an xã tăng cường công tác vận động quần chúng cùng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở; đồng thời nâng cao hơn nữa năng lực công an chính quy đưa về các xã và lực lượng sẵn có tại cơ sở.
Các đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, Ban soạn thảo cần nghiên cứu, cân nhắc, đặt trong bối cảnh tình hình các địa phương để đưa ra những quy định cho phù hợp, đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Nhiều ý kiến nhấn mạnh, làm sao Luật đưa ra phải phù hợp với thực tiễn thì mới thực sự phát huy hiệu quả.
Giải trình rõ thêm một số vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, thực tế ở Việt Nam, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở tồn tại ngay từ những ngày đầu của Cách mạng tháng 8 thành công, cho đến nay ngày càng phát triển.
Chủ trương hiện nay là giao rất nhiều công việc và thực hiện nhiệm vụ "4 tại chỗ", thì đây chính là một trong những lực lượng rất quan trọng để thực hiện "4 tại chỗ" theo các quy định và phân cấp.
Theo Bộ trưởng, dự thảo luật này điều chỉnh chính với 3 lực lượng trên thực tế đang tồn tại trên phạm vi toàn quốc, có lịch sử, có các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh. Đối với lực lượng quần chúng tự quản, tự nguyện khác mang tính đơn lẻ, đặc thù ở các địa phương, không mang tính phổ biến toàn quốc, còn nhiều ý kiến khác nhau về tổ chức, hoạt động của lực lượng này, Chính phủ thấy rằng cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá thận trọng, toàn diện, cả về quy định cũng như thực tiễn để có đủ cơ sở quy định trong luật..
Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, Bộ Công an sẽ phối hợp các Cơ quan thẩm định của Quốc hội tiếp tục tiếp thu, giải trình, trình Quốc hội xem xét, quyết định.