“Thà đứng trước Hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước Hội đồng xét xử”
Đại biểu Trần Văn Khải, đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Hà Nam cho rằng, đang có tình trạng một số cán bộ, công chức sợ sai, đùn đẩy trách nhiệm.
“Thực tế hiện nay có một số bộ phận không nhỏ công chức rất có năng lực nhưng lại thiếu về động lực. Họ giống như một số cầu thủ bóng đá, có năng lực nhưng lại đi lững thững trong những trận đấu quyết liệt, hoặc chủ động bỏ ra ngoài sân khi trận đấu vẫn đang cần họ”, đại biểu Trần Văn Khải nêu ví dụ.
Chỉ ra hiện tượng nêu trên, đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) nêu dẫn chứng khi đi tiếp xúc cử tri ông đã gặp 3 đối tượng. Đối tượng thứ nhất là với cán bộ có năng lực, nhưng sợ không dám làm. Đối tượng thứ hai là với cán bộ có năng lực, nhưng lại “nghe ngóng”, né tránh. Đối tượng thứ ba là không muốn làm và không dám làm, bởi vì trước làm đã không đúng, làm ẩu, làm thiếu trách nhiệm; nay mà làm như cũ sẽ bị phát hiện ra những lần trước đây làm sai.
Còn đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) lại dẫn ra ví dụ khác, đó là: “Có cán bộ tâm sự, thà đứng trước Hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước Hội đồng xét xử”.
Chỉ ra nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này, đại biểu Nguyễn Hữu Thông cho rằng, chưa có sự đồng bộ của hệ thống pháp luật. Đối với vấn đề này khi áp dụng luật này thì đúng; nhưng khi thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra thì lại sai. Áp dụng vào thời điểm này thì đúng nhưng sau đó kiểm tra, vào thời điểm khác thì lại sai.
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông lấy dẫn chứng về một trong những vấn đề dễ sai nhất đó là xác định giá đất. Theo quy định hiện hành, việc xác định giá đất là bằng các yếu tố giả định nên không chính xác.
“Tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 16/3/2022 đối với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường liên quan đến đấu giá đất, tham gia làm rõ những ý kiến của đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã phát biểu là phương pháp xác định giá đất, giá khởi điểm theo quy định tại Nghị định 44 và Thông tư 36 ngày 30/6/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường là không chính xác và đề nghị phải sửa đổi. Tuy nhiên đến nay các quy định trên vẫn chưa được sửa và thực tế ở rất nhiều địa phương có nhiều dự án lớn và rất lớn chưa xác định được giá đất để triển khai đầu tư. Nếu Chính phủ không có những giải pháp quyết liệt thì việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2023 là khó hoàn thành”, đại biểu Nguyễn Hữu Thông dẫn chứng.
Nhiều ĐBQH cho rằng, cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung đã được Bộ Chính trị ban hành tại Kết luận số 14 ngày 22/9/2021 nhưng chủ trương đúng đắn đó lại chưa được cụ thể hóa bằng các văn bản quy phạm pháp luật nên cán bộ rất ngại trong quá trình công tác.
“Họ làm cầm chừng, không dám đột phá. Do vậy, tôi đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành trung ương một mặt thường xuyên rà soát các cơ chế, chính sách nhằm điều chỉnh cho đồng bộ, phù hợp với thực tế. Mặt khác sớm cụ thể hóa các chủ trương của Đảng bằng các văn bản quy phạm pháp luật để áp dụng vào thực tiễn cuộc sống”, đại biểu Nguyễn Hữu Thông kiến nghị.
Cần hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, chế độ ưu đãi
Để giải quyết tình trạng này, nhiều ĐBQH cho rằng việc cấp bách hiện nay là phải xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, chế độ ưu đãi để tuyển chọn và xây dựng những đội ngũ công chức, lãnh đạo ưu tú, dấn thân vì Tổ quốc.
“Tôi tin rằng họ rất cần xã hội cổ vũ, ủng hộ hết mình để làm những kỳ tích mà cả dân tộc có thể tự hào, không chỉ cho thế hệ hôm nay và cho thế hệ mai sau”, đại biểu Trần Văn Khải hiến kế.
Một thể chế mạnh mẽ, minh bạch, rõ ràng và hiệu lực sẽ tạo môi trường làm việc tối ưu, giúp cho công chức yên tâm làm việc, thu nhập chính đáng từ lương đủ để nuôi mình và giúp đỡ gia đình. Quan trọng hơn, họ được pháp luật bảo vệ và khi đó, tin rằng người bình thường sẽ trở thành anh hùng khi đảm nhiệm những nhiệm vụ gian khó.
Về thể chế, nhiều ĐBQH đề nghị Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ cần quyết liệt giải quyết các bài toán lớn về năng lực đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững, nâng cao năng lực lao động, năng suất lao động. Đặc biệt là cải cách thể chế để bộ máy công quyền của có thể phát huy tối đa tiềm năng, vị thế và trách nhiệm của mình trước Tổ quốc.
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm, giải quyết có hiệu quả ổn định tinh thần, động viên cán bộ, công chức, viên chức; tránh tình trạng bất an, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, kể cả cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Do vậy, các ĐBQH đã hiến kế, đề nghị Chính phủ sớm có giải pháp quyết liệt. Thủ tướng rất quyết liệt triển khai, họp ngày, họp đêm, trong khi đó cán bộ cấp dưới lại có tư tưởng sợ sai, cho nên cần phải chấn chỉnh lại càng sớm càng tốt để không được ảnh hưởng đến chất lượng thực hiện nhiệm vụ và công việc, phục vụ nhân dân.