Cơ hội phát triển toàn diện vùng miền núi Quảng Bình - Bài 1: Vùng đồng bào dân tộc thiểu số khởi sắc

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 1, năm 2021-2025, được phê duyệt theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với vùng đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi. Tỉnh Quảng Bình xác định đây là cơ hội quan trọng để thay đổi một cách toàn diện mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của người dân đồng bào dân tộc thiểu số.

Phóng viên TTXVN tại Quảng Bình thực hiện 3 bài viết nhìn nhận những kết quả, khó khăn về chương trình này.

Chú thích ảnh
Từ nguồn vốn Chương trình 1719, đường giao thông tại một số bản của xã Kim Thủy (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) được nâng cấp, phục vụ cho việc đi lại của người dân được thuận lợi. 

Bài 1: Vùng đồng bào dân tộc thiểu số khởi sắc

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phân công nhiệm vụ đến từng ban, ngành, địa phương, đoàn thể, với mục tiêu giảm nghèo bền vững, nhiều chương trình hỗ trợ xây nhà ở, phát triển sản xuất, tạo sinh kế, xây dựng cơ sở hạ tầng… đã giúp diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Bình đổi thay tốt đẹp hơn.

Giúp dân an cư, tạo sinh kế

Huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) có 3 xã miền núi là Kim Thủy, Ngân Thủy, Lâm Thủy, người dân nơi đây chủ yếu thuộc dân tộc Bru-Vân Kiều, sinh sống tập trung tại 24 thôn, bản, với 9.171 nhân khẩu, trong đó có hơn 1.000 hộ nghèo, 257 hộ cận nghèo. Sinh kế của người dân chủ yếu dựa vào nương rẫy, một phần ruộng nước.
 
Xác định xây dựng nhà ở, giúp người dân ổn định cuộc sống là vấn đề bức thiết, huyện đã tích cực triển khai Dự án 1 “Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt”, tiến hành rà soát, phê duyệt đối tượng thụ hưởng chính sách về đất ở, nhà ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt với nguồn vốn phân bổ là hơn 12,4 tỷ đồng. Đến nay, huyện Lệ Thủy đã hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 92 hộ dân tộc thiểu số (xã Kim Thủy 55 hộ, xã Ngân Thủy 22 hộ và xã Lâm Thủy 15 hộ).

Chú thích ảnh
Người dân xã miền núi Kim Thủy (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) được hỗ trợ xây dựng nhà mới từ Chương trình 1719. 

Phấn khởi trong ngôi nhà mới khá khang trang, anh Hồ Văn Nhanh (bản Chuôn, xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy) cho biết, trước đây, gia đình anh sống trong căn nhà cũ kỹ, dột nát, không đảm bảo an toàn. Năm 2023, được chính quyền các cấp hỗ trợ 48 triệu đồng, gia đình anh đã vay mượn thêm họ hàng hơn 50 triệu đồng để có đủ kinh phí khoảng 100 triệu đồng, làm được ngôi nhà kiên cố.

Diện mạo xã Kim Thủy đã dần thay đổi toàn diện, đời sống kinh tế của người dân nâng cao. Đặc biệt, người dân đã dần xóa bỏ tâm lý trông chờ ỷ lại, thay vào đó là tự giác trong sản xuất, canh tác để đảm bảo cuộc sống.

Tại tỉnh Quảng Bình, trong quá trình triển khai Dự án 1, một số địa phương đã có những cách làm đầy sáng tạo. Đơn cử như tại huyện Bố Trạch, để giúp dân làm nhà, ngoài nguồn hỗ trợ của Trung ương giúp mỗi hộ dân được vay ưu đãi 40 triệu đồng/hộ, tỉnh Quảng Bình và huyện Bố Trạch sử dụng vốn đối ứng hỗ trợ thêm 64 triệu đồng/1 hộ dân để các hộ có đủ kinh phí làm nhà vững chãi, khang trang. Huyện đã làm nhà sàn mẫu theo phong tục địa phương rộng 34 m2, đảm bảo tiêu chuẩn “3 cứng” để người dân tham khảo. Nhà có sàn cao 1,8m, bên dưới sàn nhà, huyện vận động người dân bê tông hóa để có thêm không gian sinh hoạt và bảo đảm yêu cầu vệ sinh môi trường.
 
Hóa Sơn là xã miền núi biên giới đặc biệt khó khăn thuộc huyện Minh Hóa (huyện miền núi của tỉnh Quảng Bình), có 443 hộ với 1.974 nhân khẩu, trong đó trên 70% là người dân tộc Chứt. Năm 2023, toàn xã có 66 hộ nghèo, 197 hộ cận nghèo, nhận thức của đồng bào dân tộc còn hạn chế. Trước đây, đời sống vẫn còn gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, chưa thay đổi tập quán sản xuất; hình thức sản xuất còn mang tính tự cung tự cấp, công cụ sản xuất còn thô sơ, chưa cơ giới hóa.
 
Triển khai Chương trình 1719, với lợi thế rừng núi tự nhiên, từ năm 2023, chính quyền xã Hóa Sơn đã hỗ trợ 32 hộ nghèo và cận nghèo phát triển nghề nuôi ong lấy mật, với tổng số tiền 400 triệu đồng. Đến nay, xã đã thành lập Hợp tác xã nông nghiệp Hóa Sơn, cho ra đời sản phẩm mật ong Hóa Sơn đạt chất lượng OCOP 3 sao.
 
Vui mừng khi được hỗ trợ 10 tổ ong (1,2 triệu đồng/tổ) cách đây hơn 1 năm, ông Đinh Minh Tương (thôn Đặng Hóa, xã Hóa Sơn, huyện Minh Hóa) cho biết, gia đình ông đã nâng tổng số đàn ong nuôi lên trên 50 tổ. Với giá bán 200 nghìn đồng/lít mật ong, mỗi năm gia đình ông thu về lợi nhuận trên dưới 70 triệu đồng. Là sản phẩm OCOP 3 sao nên mật ong của gia đình ông bán rất chạy. Gia đình ông đặt mục tiêu phát triển nuôi ong lấy mật theo hướng hàng hóa, không nuôi nhỏ lẻ như trước đây.
 
Ông Đinh Văn Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND xã Hóa Sơn cho biết, việc hỗ trợ trên nằm trong Tiểu dự án 1 của Dự án 9 “Đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn” của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Bên cạnh hỗ trợ giống ngô, lạc và phân bón, xã Hóa Sơn đã chú trọng trao sinh kế để người dân tộc Chứt có ý thức tự phát triển kinh tế. Thực tế từ mô hình Nuôi ong lấy mật, đời sống kinh tế của các hộ nuôi ngày càng ổn định, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo. Sắp tới, địa phương tiếp tục hỗ trợ xây dựng mô hình sinh kế nuôi lợn lai rừng đến người dân.
 
Nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng bộ

Chú thích ảnh
Thi công hạ tầng Khu tái định cư bản Ban (xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) từ nguồn vốn Chương trình 1719. 

Từ nguồn vốn Dự án 4 “Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” thuộc Chương trình 1719, huyện Bố Trạch đã linh hoạt, sáng tạo trong thực hiện và mang lại hiệu quả cao. Các tuyến đường liên bản, đường nối cụm bản với trung tâm huyện, công trình cung cấp nước sạch liên bản đã góp phần nâng cấp sơ sở hạ tầng một cách đồng bộ.
 
Tại xã biên giới Thượng Trạch (huyện Bố Trạch), trước đây muốn đến các bản phải thông qua tuyến Đường 20 Quyết Thắng xuyên vùng lõi Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng. Vì vậy, từ trung tâm xã đến các bản thường rất xa vì phải đi vòng.

Từ nguồn vốn của Chương trình 1719, huyện Bố Trạch đầu tư các tuyến đường liên bản giúp việc đi lại của người dân, nhất là học sinh, thuận lợi hơn. Việc sáp nhập các điểm trường được thực hiện; các tiềm năng về kinh tế lâm nghiệp của địa phương cũng được khai thác tốt hơn.
 
Ông Đinh Cu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thượng Trạch cho biết, năm 2024, chính quyền địa phương tích cực triển khai xây dựng Nhà hiệu bộ Trường Tiểu học số 2 xã Thượng Trạch; sửa chữa khu vệ sinh khép kín của 6 phòng học Trường Mầm non Tân - Thượng Trạch và nhà vệ sinh Trường Tiểu học số 1 Thượng Trạch, với tổng số tiền 870 triệu đồng; duy tu, bảo dưỡng điểm Trường bản Bụt - Trường Tiểu học số 2 Thượng Trạch với số tiền 709 triệu đồng. Đồng thời, xã cũng sửa chữa dãy nhà học sinh 2 tầng của Trường Tiểu học số 2 Thượng Trạch với số tiền 653 triệu đồng; sửa chữa mái, nhà vệ sinh trụ sở làm việc UBND xã và sửa chữa tuyến đường từ chợ đi Nhà sinh hoạt cộng đồng bản Cà Roòng 1 với tổng kinh phí 800 triệu đồng.
 
Chủ tịch UBND xã Thượng Trạch khẳng định, chỉ hơn 1 năm triển khai Chương trình 1719, hệ thống cơ sở hạ tầng tại địa phương đã khang trang, đồng bộ, diện mạo đã thay đổi một cách toàn diện.
 
Còn tại huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), nguồn vốn Chương trình 1719 phân bổ để thực hiện Dự án 4 là gần 38 tỷ đồng. Đến nay, huyện đã giải ngân 13,8 tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc miền núi.
 
Đại diện Phòng Dân tộc huyện Lệ Thủy cho biết, phần lớn các công trình đầu tư cơ sở hạ tầng đã hoàn thành đảm bảo tiến độ, đưa vào phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân như: các công trình giao thông nông thôn phục vụ sản xuất và dân sinh ở các bản Cồn Cùng, Khe Khế, Khe Giữa của xã Kim Thủy; thực hiện gói mua sắm thiết bị y tế và bàn giao cho trạm y tế 3 xã Kim Thủy, Ngân Thủy, Lâm Thủy.
 
Tính đến ngày 31/12/2023, các địa phương tại tỉnh Quảng Bình đã giải ngân Dự án 4 được 80,4% vốn đầu tư và 100% vốn sự nghiệp. Có được thành quả đó là nhờ sự thường xuyên kiểm tra của các ngành, địa phương để đốc thúc, giải quyết, tháo gỡ kịp thời vướng mắc. Bên cạnh đó, việc triển khai Dự án 4 cũng khá thuận lợi do các quy định, hướng dẫn của bộ, ngành Trung ương rõ ràng, các công trình được thực hiện theo luật đầu tư công và đều có các đơn vị tư vấn thực hiện. Đây là tiền đề quan trọng để các địa phương đẩy nhanh nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng một cách đồng bộ, tạo diện mạo mới cho vùng đồng bào dân tộc thiếu số và miền núi tại tỉnh Quảng Bình.
 
Bài 2: Còn nhiều khó khăn

Bài và ảnh: Tá Chuyên (TTXVN)
Cơ hội phát triển toàn diện vùng miền núi Quảng Bình - Bài cuối: Tập trung khơi thông nguồn vốn
Cơ hội phát triển toàn diện vùng miền núi Quảng Bình - Bài cuối: Tập trung khơi thông nguồn vốn

Mục tiêu giai đoạn 2022-2025, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Bình giảm 50%. Để đạt mục tiêu này, tỉnh đang huy động cả hệ thống chính trị thực hiện Chương trình 1719 đạt hiệu quả cao nhất; cùng với thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ và tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực tế tại các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN