Đại sứ Thái Xuân Dũng nêu rõ, thời gian gần đây, sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt Việt Nam - Séc phát triển rất tích cực trên tất cả các lĩnh vực. Phía Séc đang rất quan tâm và thúc đẩy quan hệ với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam và một số nước trong ASEAN, thể hiện qua một số cuộc gặp, tiếp xúc, điện đàm cấp cao như: điện đàm giữa hai Bộ trưởng Ngoại giao (tháng 7/2022), cuộc gặp giữa hai Thủ tướng Việt Nam và Séc bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN - Liên minh châu Âu (EU) (tháng 12/2022) và các chuyến thăm tới Việt Nam với tần suất dày đặc kể từ cuối năm 2022 và đầu năm 2023 như chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Jana Cernochova, Thứ trưởng Ngoại giao Jiri Kozak (tháng 12/2022), Bộ trưởng Công Thương Jozef Sikela (tháng 2/2023), Thủ tướng Séc Petr Fiala (tháng 4/2023), Phó Chủ tịch Hạ viện Séc Jan Batosek (tháng 5/2023). Qua các cuộc đối thoại cấp cao giữa lãnh đạo hai bên, phía Séc khẳng định Việt Nam là một trong những đối tác hàng đầu của nước này bên ngoài EU về phát triển thương mại và đầu tư, với nền tảng quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai nước được xây dựng và củng cố từ cách đây hơn 70 năm.
Đại sứ Thái Xuân Dũng nhấn mạnh chuyến thăm chính thức Séc lần này của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn một lần nữa khẳng định bước phát triển rất tích cực trong quan hệ giữa hai nước. Chuyến thăm nhằm tiếp tục thúc đẩy và triển khai hiệu quả hơn kết quả của các chuyến thăm trước đó, trong đó quan trọng nhất là chuyến thăm của Thủ tướng Petr Fiala vừa qua cũng như các cuộc tiếp xúc của lãnh đạo hai nước bên lề các hội nghị quốc tế. Trong khuôn khổ chuyến thăm, hai bên sẽ tập trung thảo luận về các biện pháp thúc đẩy quan hệ chính trị đối ngoại, duy trì trao đổi đoàn cấp cao, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương và quốc tế, triển khai hiệu quả thỏa thuận Hiệp định Thương mại Tự do EU - Việt Nam (EVFTA), tăng cường hợp tác thương mại - đầu tư, an ninh - quốc phòng, khoa học công nghệ, giáo dục - đào tạo, văn hóa - du lịch, lao động…
Điểm lại những nét nổi bật trong quan hệ giữa Việt Nam và Séc thời gian gần đây, Đại sứ Thái Xuân Dũng cho biết hơn 70 năm qua, quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống nhiều mặt giữa hai nước đã được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp, không ngừng được củng cố và phát triển. Séc là một trong những nước đầu tiên trong EU phê chuẩn EVFTA và Hiệp định Bảo hộ đầu tư EU - Việt Nam (EVIPA). Hai bên duy trì định kỳ các cuộc họp của Ủy ban liên Chính phủ về Hợp tác kinh tế để triển khai các hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư.
Gần đây, nét mới nổi bật trong quan hệ song phương giữa hai nước là việc trao đổi các đoàn cấp cao nhiều và dày đặc kể từ năm 2022, qua đó quan hệ hợp tác hữu nghị nhiều mặt song phương phát triển lên một tầm cao mới. Tại phiên họp thứ VII Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Séc về Hợp tác kinh tế tại Praha vào cuối tháng 6/2022, chuyến thăm của Bộ trưởng Công thương Jozef Sikela đến Việt Nam tháng 2/2023 và đặc biệt tại chuyến thăm vừa qua của Thủ tướng Séc Petr Fiala tới Việt Nam tháng 4/2023, hai bên đã nhất trí thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, tập trung một số lĩnh vực như: năng lượng và năng lượng tái tạo (chuyển dịch năng lượng, hiện đại hóa các nhà máy điện than và hệ thống truyền tải điện của Việt Nam, an ninh mạng, chuyển giao công nghệ trong ngành phát điện…), công nghiệp mỏ, hợp tác nghiên cứu khảo sát vấn đề môi trường, xử lý nước thải, công nghiệp hóa dầu, đào tạo phi công, văn hóa, giáo dục, du lịch, lao động… Đây đều là những lĩnh vực Việt Nam rất quan tâm và Séc có thế mạnh.
Đại sứ Thái Xuân Dũng cho biết, trong chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn lần này, hai bên sẽ tập trung thảo luận việc thực thi triển khai các cam kết, hiệp định, thỏa thuận đã ký kết, đặc biệt thúc đẩy ký kết Hiệp định giáo dục giai đoạn mới trên cơ sở Ý định thư về hợp tác giáo dục hai bên đã ký kết; thúc đẩy phía Séc nới lỏng quy định cấp thị thực cho Việt Nam, tiến tới việc ký kết Hiệp định hợp tác lao động giữa hai nước tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi hợp tác lao động, chuyên gia; thúc đẩy việc thành lập trung tâm văn hóa tại hai nước.
Đề cập đến những thuận lợi và cơ hội đưa quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt giữa hai nước sang giai đoạn phát triển mới, Đại sứ Thái Xuân Dũng cho rằng có 3 thuận lợi chính.
Thứ nhất, Việt Nam và Séc là hai nền kinh tế có thể bổ trợ cho nhau. Việt Nam có thế mạnh về nông nghiệp, thủy hải sản, dệt may, da giày, đồ gỗ, công nghiệp điện tử và hàng tiêu dùng..., có thị trường nội địa lớn, với 100 triệu dân trong khi Séc là một trong những nước EU có nền tảng khoa học kỹ thuật và công nghệ tiên tiến. Do vậy, Việt Nam có thể hợp tác với Séc trong việc chuyển giao công nghệ xanh, thân thiện với môi trường trong những lĩnh vực Việt Nam rất quan tâm và Séc có thế mạnh.
Thứ hai, cộng đồng người Việt tại Séc khá đông, lên tới gần 100.000 người đang hội nhập một cách bền vững và có những đóng góp thiết thực vào đời sống kinh tế, văn hóa - xã hội của Séc, cũng như vào việc gìn giữ, phát huy, lan tỏa bản sắc văn hóa truyền thống của người Việt, tuyên truyền, quảng bá những nét đẹp văn hóa, hình ảnh về đất nước, con người Việt Nam ở sở tại. Bên cạnh đó, cộng đồng người Việt Nam tại Séc cũng luôn hướng về cho quê hương đất nước, với việc thường xuyên quyên góp để hỗ trợ đồng bào bị ảnh hưởng thiên tai và dịch bệnh trong nước, với nhiều dự án đầu tư và đang hoạt động hiệu quả tại Việt Nam, có thể kể đến như Khu công nghiệp Khai Quang, Vĩnh Phúc, Elmich Việt Nam, Khu Resort 5 sao The An Nam… Cộng đồng người Việt tại Séc chính là cầu nối thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị tích cực giữa hai nước.
Thứ ba, Séc là nước có nền giáo dục đào tạo phát triển, đặc biệt về đào tạo các ngành khoa học, kỹ thuật, tuy nhiên, hợp tác song phương trong lĩnh vực này hiện chưa được như kỳ vọng. Việc ký Ý định thư về việc hợp tác giáo dục giữa hai bên tại chuyến thăm của Thủ tướng Séc đến Việt Nam vào tháng 4 vừa qua là bước đầu để thúc đẩy, tiến đến đàm phán, ký kết Hiệp định mới cấp Chính phủ về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho việc trao đổi sinh viên, giảng viên, nghiên cứu sinh, hợp tác nghiên cứu giảng dạy và cấp học bổng cho sinh viên hai nước.
Bên cạnh đó, Việt Nam còn là một đất nước hòa bình, chính trị - xã hội luôn ổn định, môi trường đầu tư hấp dẫn, ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Đây được xem là lợi thế lớn cho các nhà đầu tư nước ngoài từ nhiều quốc gia đến đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, trong đó có các nhà đầu tư đến từ Séc. Hiện nay thương mại song phương đang trên đà phát triển, trong bối cảnh khó khăn của tình hình kinh tế thế giới, thương mại giữa Việt Nam và Séc vẫn tăng trưởng hàng năm: năm 2020 so với năm 2019 tăng 22%; năm 2021 so với năm 2020 tăng 32,5% và năm 2022 so với năm 2021 tăng 12,6%. Theo số liệu thống kê của Séc, năm 2022, kim ngạch thương mại hai nước đạt 2,34 tỷ USD.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi và cơ hội, có một số khó khăn thách thức cho việc phát triển hợp tác giữa hai nước.
Thứ nhất, do ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine, lạm phát của Séc khá cao. Lạm phát của Séc năm 2022 ở mức 15,1% và năm 2023 dự kiến ở mức 10,4%. Do vậy, hoạt động tiêu dùng của người dân Séc giảm sút và ảnh hưởng đến xuất khẩu của các nước, trong đó có Việt Nam. Thêm vào đó, do khoảng cách địa lý nên chi phí logistics đến Séc cũng khá cao.
Thứ hai, hiện nay Séc chưa nới lỏng việc cấp thị thực cho Việt Nam. Séc đã mở cửa thị trường lao động cho một số nước ASEAN như Philippines, Indonesia, Malaysia nhưng chưa mở cho Việt Nam. Do vậy, việc thúc đẩy phía Séc nới lỏng việc cấp thị thực cho Việt Nam, tiến tới việc ký kết Hiệp định hợp tác lao động giữa hai nước tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi hợp tác lao động, chuyên gia giữa hai quốc gia là một chủ đề của chuyến thăm lần này.
Thứ ba, là một thành viên tích cực của EU nên Séc cũng thực hiện rất nghiêm ngặt các quy định của EU trong lĩnh vực thương mại, đầu tư. Hiện nay quan hệ thương mại hai chiều và đầu tư của Séc vào Việt Nam cũng chịu tác động không thuận khi còn nhiều thành viên EU chưa phê chuẩn EVIPA, EU đang áp “thẻ vàng” về IUU (khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định) đối với thủy sản của Việt Nam và việc các nước thành viên EU, trong đó có Séc, thường sử dụng hàng rào kỹ thuật và thường xuyên thay đổi quy định đối với hàng nhập khẩu, trong đó có hàng nhập khẩu từ Việt Nam.
Đại sứ Thái Xuân Dũng tin rằng với nỗ lực tích cực và trên cơ sở nền tảng quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai nước, hai bên hoàn toàn có thể vượt qua các thách thức, nắm bắt cơ hội đưa quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt giữa hai nước sang giai đoạn phát triển mới như mong muốn của hai bên trong chuyến thăm chính thức của Thủ tướng CH Séc Petr Fiala tới Việt Nam hồi tháng 4 vừa qua.