Môi trường thế giới có nhiều biến động, bất ổn, đòi hỏi Việt Nam cần có một bộ máy lãnh đạo đủ tầm, một khung chính sách đúng đắn có tầm nhìn, một bộ máy thực thi hiệu quả để giúp Việt Nam vượt qua được những thử thách trên. Quan trọng hơn, Việt Nam hiện đã tích lũy đủ nền tảng, tiềm lực để bước vào giai đoạn “cất cánh”, hướng tới mục tiêu trở thành nền kinh tế phát triển vào năm 2045. Để đạt được mục tiêu này, chặng đường phát triển 10 năm tới sẽ rất quan trọng bởi nó tạo đà và xác định hướng đi ban đầu cho giai đoạn cất cánh đó. Đây là nhận định của Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, chuyên gia nghiên cứu của Chương trình nghiên cứu Việt Nam thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak), trụ sở tại Singapore, khi trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Singapore về sự kiện Đại hội XIII của Đảng.
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp bày tỏ ấn tượng về những thành tựu của Việt Nam 5 năm qua như duy trì được đà tăng trưởng kinh tế tích cực và ổn định liên tục trong một môi trường thế giới ngày một biến động, đồng thời ngày một phát huy, nâng cao vai trò của mình trên trường quốc tế. Cho tới khi đại dịch viêm đường hô hấp COVID-19 bùng phát, Việt Nam đã liên tục duy trì được mức tăng trưởng trung bình gần 7% mỗi năm. Đặc biệt, Việt Nam đã giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tăng xuất khẩu, đạt thặng dư thương mại, tăng dự trữ ngoại hối, thu hút được ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài chất lượng. Nền kinh tế trong nước, nhất là thành phần kinh tế tư nhân, ngày một phát triển, có những bước tiến trong các ngành công nghiệp công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, tạo nền tảng cho việc nâng cao chất lượng tăng trưởng, giảm phụ thuộc các nhà đầu tư nước ngoài, mở ra cơ hội để Việt Nam có thể thoát bẫy thu nhập trung bình trong tương lai.
Năm 2020, khi đại dịch làm tê liệt nhiều nền kinh tế và đa phần các nước trong khu vực đều tăng trưởng âm thì Việt Nam vẫn là một trong những điểm sáng hiếm hoi tăng trưởng dương. Ngoài nguyên nhân Việt Nam đã chống dịch thành công, thành quả này phần nào còn cho thấy sức dẻo dai, mức độ chống chịu của nền kinh tế Việt Nam đã tăng lên đáng kể trong thời gian qua. Càng ấn tượng hơn, khi thành quả này đạt được trong bối cảnh môi trường quốc tế ngày càng biến động phức tạp, bất ổn, khó lường. Không những thế, Việt Nam còn tận dụng những vận động mới trong môi trường chiến lược, biến thách thức thành cơ hội, nhất là trong việc thu hút một số nhà đầu tư nước ngoài chất lượng cao.
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp nêu rõ vị thế quốc tế của Việt Nam trong 5 năm qua đã không ngừng vươn lên, với nhiều dấu ấn đáng kể, từ việc tổ chức thành công Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) năm 2017, hoàn thành tốt năm chủ tịch ASEAN 2020, đến làm chủ nhà cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều năm 2019, hay được bầu làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Những dấu ấn này cho thấy sự chủ động, tích cực của Việt Nam cũng như sự thừa nhận, tín nhiệm của các quốc gia khác trong cộng đồng quốc tế đối với vai trò, tiếng nói của Việt Nam. Ông khẳng định thành quả này bắt nguồn không chỉ từ sự tích cực của ngành ngoại giao mà còn xuất phát từ tầm vóc, thế lực ngày càng lớn mạnh của Việt Nam, với nền tảng quan trọng nhất là sự ổn định chính trị và phát triển kinh tế liên tục, vững chắc của Việt Nam trong thời gian qua.
Không chỉ vậy, nhiệm kỳ Đại hội XII còn ghi dấu ấn trong việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, với điểm nhấn là chiến dịch chống tham nhũng rất hiệu quả và chưa từng có tiền lệ, về cả quy mô cũng như mức độ, cho thấy sự nghiêm túc của Đảng trong việc xóa bỏ tình trạng này, đồng thời thể hiện sự tập trung, hiệu quả trong công tác chỉ đạo, quyết tâm chính trị mạnh mẽ từ cấp cao.
Theo Tiến sĩ Hiệp, trong giai đoạn tới, Việt Nam cũng đối mặt với một số thách thức như duy trì đà tăng trưởng liên tục, đổi mới mô hình tăng trưởng hướng tới sự bền vững; bất bình đẳng về thu nhập; dân số lão hóa; chất lượng giáo dục, đào tạo chưa theo kịp yêu cầu phát triển; ô nhiễm môi trường; thiên tai, biến đổi khí hậu… Ở bên ngoài, thách thức lớn nhất là môi trường quốc tế ngày càng bất ổn, bất định, với nhiều tác động khó lường từ sự gia tăng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng có những cơ hội đáng kể. Việt Nam vẫn được coi là một nền kinh tế năng động, hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài với dân số tương đối đông và vẫn còn trẻ. Nền tảng kinh tế Việt Nam ngày càng vững chắc, các doanh nghiệp trong nước ngày càng lớn mạnh. Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, Việt Nam cũng có cơ hội tận dụng và cập nhật các xu hướng khoa học - công nghệ....
Chuyên gia Lê Hồng Hiệp kỳ vọng Việt Nam sẽ tiếp tục có những đổi mới về chính sách kinh tế để làm thông thoáng môi trường kinh doanh, đầu tư; tiếp tục duy trì chiến dịch chống tham nhũng và cải cách thể chế; tiếp tục có những chính sách phù hợp nhằm duy trì được sự tự cường, tự chủ chiến lược, giữ vững hòa bình ổn định khu vực, đồng thời cương quyết bảo vệ các lợi ích chính đáng của mình phù hợp với luật pháp quốc tế. Theo Tiến sĩ Hiệp, Việt Nam hiện đã có một thế và lực mới, vì vậy ông kỳ vọng Việt Nam sẽ có một tư duy đối ngoại chủ động, tự tin hơn, phát huy tốt hơn vị thế và ảnh hưởng của mình trên trường quốc tế để hướng tới mục tiêu trở thành một quốc gia tầm trung vào năm 2030.