Phóng viên TTXVN tại Liên bang Nga dẫn lời ông Lokshin chỉ ra rằng phiên họp Đại hội đồng LHQ hôm 7/6 đã gần như nhất trí 100% bầu Việt Nam vào HĐBA LHQ, cơ quan gồm 15 quốc gia, trong đó 5 quốc gia là Ủy viên thường trực và có quyền phủ quyết, 10 quốc gia còn lại được bầu theo nhiệm kỳ 2 năm.
Theo bài báo, cuộc bỏ phiếu lần này diễn ra trong bối cảnh bế tắc trong HĐBA, khi cơ quan này không có khả năng đạt nhất trí và tìm ra giải pháp cho nhiều cuộc khủng hoảng trên thế giới, từ vấn đề Syria tới Sudan. Trong bối cảnh không tích cực đó, sự kiện đất nước ứng cử viên duy nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương được bầu không được chú ý nhiều bằng kết quả bỏ phiếu. 192 trong tổng số 193 thành viên LHQ đã bỏ phiếu cho Việt Nam. Đây là kết quả kỷ lục trong toàn bộ lịch sử LHQ, một kết quả hoàn toàn bất ngờ.
Bài báo viết, năm 2008, Việt Nam đã lần đầu được bầu vào HĐBA LHQ làm Ủy viên không thường trực. Bằng hoạt động của mình khi đó, Việt Nam đã được công nhận là thành viên có trách nhiệm và uy tín trong cộng đồng quốc tế. Kể từ đó đến nay, uy tín của Việt Nam tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới ngày càng tăng cao, điều cho phép ngành ngoại giao Việt Nam hy vọng vào kết quả cao khi bỏ phiếu. Song việc một trong số ít quốc gia trên thế giới định vị mình là đất nước xã hội chủ nghĩa giành được gần tuyệt đối số phiếu vẫn là một sự bất ngờ.
Tác giả cho rằng quy chế ủy viên HĐBA LHQ giúp nâng cao vai trò của quốc gia được bầu trong giải quyết các vấn đề quốc tế và tăng thêm ý nghĩa cho lá phiếu của nước đó khi xem xét những tình huống khủng hoảng gay cấn nhất. Tờ Mainichi của Nhật Bản viết rằng lâu nay công luận thế giới đã tin chắc rằng Việt Nam nhất quán và kiên trì thực hiện đường lối rộng mở và đa dạng hóa quan hệ quốc tế, đảm bảo phát triển bền vững trên thế giới và ngăn chặn hậu quả nguy hiểm của biến đổi khí hậu. Một ấn tượng mạnh nữa mà đất nước tạo dựng được trong năm qua là việc Hà Nội được chọn làm nơi gặp gỡ lần thứ hai của hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên.
Ông Lokshin nhận xét, tại chính Việt Nam, việc đất nước được bầu vào cơ quan quan trọng nhất của LHQ, chịu trách nhiệm về hòa bình và an ninh, được đánh giá là thành công chính trị to lớn. Và Việt Nam cũng xứng đáng được quốc tế đánh giá cao về vai trò, vị thế, nguyên tắc của đất nước về các vấn đề thời sự toàn cầu và thành tích đáng nể trong phát triển đất nước đạt được trong những năm thực hiện chính sách đổi mới và mở cửa.
Kết thúc bài viết, chuyên gia G.Lokshin dẫn Thông điệp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhân sự kiện Việt Nam được bầu làm Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ, trong đó khẳng định Việt Nam là đối tác tin cậy vì hòa bình bền vững.