Tích cực triển khai công tác chuẩn bị ứng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an
Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết những ưu tiên của Việt Nam khi được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 và chuẩn bị như thế nào để đảm nhiệm vai trò này, Người phát Ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Ngày 7/6/2019, Đại hội đồng Liên hợp quốc sẽ tiến hành bầu 5 nước ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021, trong đó Việt Nam là ứng cử viên duy nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Sau khi có kết quả, lãnh đạo Việt Nam sẽ có thông điệp về các ưu tiên của Việt Nam trong nhiệm kỳ làm Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
Để chuẩn bị cho việc tham gia Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam đã tích cực triển khai các công tác chuẩn bị mọi mặt về nội dung, nguồn lực, nhân sự, thông tin tuyên truyền, và xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan; tham vấn, trao đổi kinh nghiệm với các nước, các cơ quan của Liên hợp quốc và các tổ chức nghiên cứu quốc tế”.
Việt Nam gửi công hàm tới Đại sứ quán Singapore tại Hà Nội
Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết bình luận của Việt Nam trước phát biểu của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tại Đối thoại Shangri-La và trên trang mạng cá nhân ngày 31/5 vừa qua có nội dung cho rằng Việt Nam đã “xâm lược”, “chiếm đóng” Campuchia, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Bộ Ngoại giao cũng như các cơ quan liên quan của Việt Nam đã giao thiệp chính thức cũng như không chính thức với các đối tác Singapore. Chúng tôi cũng đã có công hàm gửi tới Đại sứ quán Singapore tại Hà Nội. Tôi tin rằng phía Singapore hiểu rõ được thông điệp của chúng ta”.
Khẳng định chủ quyền của Việt Nam với Trường Sa và Hoàng Sa
Bình luận về việc 13 nghị sỹ Mỹ có đưa ra dự thảo đòi Chính quyền Mỹ trừng phạt những cá nhân và thực thể Trung Quốc có liên quan đến Biển Đông, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói: “Một lần nữa xin khẳng định Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế. Các bên cần nghiêm túc thực hiện những nghĩa vụ pháp lý được xác định bởi luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982; đồng thời phải có những đóng góp thiết thực vào việc bảo đảm duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông”.