Đến 2025 có 30-35% lao động có bằng cấp, chứng chỉ
Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) cho rằng đang có một "làn sóng kép" người lao động về quê, chứ không phải chỉ có một làn sóng về quê để tránh dịch. Bởi vì Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra và chắc chắn là trong thời gian tới, dưới tác động của quá trình tự động hóa, thành quả khoa học - kỹ thuật, một loạt người lao động trong những lĩnh vực sử dụng nhiều lao động với tay nghề thấp sẽ phải quay trở lại thôn quê. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đưa ra giải pháp tổng thể.
Trả lời, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định, Việt Nam có lực lượng lao động dồi dào với 55 triệu người nhưng cùng lúc phải giải quyết 2 bài toán. Đó là nâng cao chất lượng mặt bằng của lực lượng lao động nói chung; cùng với đó các xu hướng tác động của Cuộc cách công nghệ lần thứ tư sẽ làm thay đổi bản chất công việc. Theo dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), trong 5 năm tới sẽ có 1/3 công việc thay đổi, 40% lao động khó có khả năng đáp ứng yêu cầu mới khi kỹ năng lao động không được nâng lên.
“Mục tiêu đặt ra là đến 2025 có khoảng 30-35% lao động có bằng cấp, chứng chỉ và đến năm 2030 phấn đấu 40-45%. Đây là chỉ tiêu rất cao, đòi hỏi nỗ lực lớn", Bộ trưởng nhấn mạnh và đưa ra giải pháp là đào tạo nâng cao tay nghề, thích ứng công nghệ mới thông qua doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Theo Bộ trưởng, Chính phủ có chủ trương, chính sách hình thành lực lượng lao động có chất lượng cao nhằm tiếp cận, bắt kịp trình độ các nước ASEAN 4 và G20. Chính phủ đã và đang chỉ đào tạo trình độ cao đẳng chất lượng cao, làm nền tảng trong đào tạo nghề. Chính phủ cũng cho phép hình thành 80 trường chất lượng cao trong nhiệm kỳ này, thiết lập một số trung tâm vùng quốc gia có chức năng dẫn dắt, đào tạo nghề trong tương lai, tập trung đào tạo ngành nghề, lĩnh vực trọng điểm còn thiếu và đòi hỏi chất lượng cao. “Ba trung tâm vùng ở miền Bắc, miền Trung và miền Nam sẽ được thành lập theo tinh thần đó”, Bộ trưởng cho biết.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, ngành lao động quan niệm chuyển đổi số có thể làm mất đi nhiều việc làm nhưng cũng có thể mở ra những cơ hội mới nếu biết tận dụng. Do đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tập trung vào 5 giải pháp cơ bản. Theo đó, chú trọng nâng cao chất lượng dự báo ngắn hạn, trung hạn và dài hạn về nhu cầu nhân lực làm cơ sở để điều tiết và đào tạo, bồi dưỡng; bổ sung các quan sát đánh giá cụ thể theo từng ngành nghề lĩnh vực, sự khác biệt cần thiết trong bối cảnh của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Ngoài ra, thu hút tập trung nguồn lực, thúc đẩy đào tạo và đào tạo lại nâng cao kỹ năng tay nghề cho người lao động. Đồng thời, Bộ sẽ hoàn thiện quy định nhằm rà soát lại cơ chế, chính sách trong phát triển giáo dục nghề nghiệp nhất là chính sách liên kết doanh nghiệp và nhà trường.
Bộ trưởng nhấn mạnh kỹ năng cốt lõi gồm kỹ năng mềm, kỹ năng số, ngoại ngữ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, thể hiện ngay từ khâu đào tạo bồi dưỡng nhà giáo, phát triển chương trình, kiểm tra đánh giá.
Đặc biệt, Bộ sẽ đổi mới chính sách hỗ trợ cơ sở đào tạo doanh nghiệp và người lao động, đào tạo nâng cao chuyên môn, công việc và người lao động đáp ứng yêu cầu, trong đó có việc mở rộng đối tượng bao gồm cả người lao động thất nghiệp, lao động có nguy cơ thất nghiệp cao từ các nguồn kinh phí, quỹ hợp pháp và nguồn vốn sự nghiệp cho phép.
Lương là giá cả của sức lao động
Đại biểu Nguyễn Duy Minh (Đà Nẵng) nêu thực trạng, người sử dụng lao động nhiều nơi chỉ áp dụng mức lương bằng hoặc cao hơn không đáng kể so với tiền lương tối thiểu vùng, khiến lao động không đủ trang trải nhu cầu tối thiểu cuộc sống. Chất lượng bữa ăn ca của người lao động còn thấp, không đảm bảo để tái tạo sức lao động. "Quan điểm của Bộ trưởng như thế nào và Bộ trưởng có giải pháp gì để người sử dụng lao động quan tâm hơn đến vấn đề này?", đại biểu chất vấn.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, theo tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, lẽ ra, việc cải cách thực hiện từ 1/7/2021. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh, Bộ đã báo cáo Chính phủ cho phép lùi thực hiện cải cách chính sách tiền lương ở khu vực doanh nghiệp chậm lại.
Hiện các cơ quan đang thí điểm cải cách tiền lương khu vực doanh nghiệp ở 3 tập đoàn để rút kinh nghiệm, làm cơ sở triển khai trên quy mô cả nước.
"Vấn đề lương của doanh nghiệp thời gian tới sẽ có thay đổi rất căn bản. Lương được xác định chính là giá cả của sức lao động. Khi lương là giá cả sức lao động thì chúng ta phải trả lương theo nguyên tắc thị trường, có sự can thiệp nhất định của Nhà nước", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.
Theo Bộ trưởng, lương tối thiểu vùng sẽ do doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động quyết định. Nhà nước không quy định thang bảng lương nữa. Người lao động và chủ sử dụng lao động sẽ thỏa thuận về mức lương, thu nhập dựa trên ba căn cứ là: sự phát triển của doanh nghiệp; thu nhập phúc lợi của người lao động; mức lương tối thiểu vùng (là mức sàn tối thiểu do Nhà nước đặt ra bắt buộc các doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động chi trả không được thấp hơn). Mức lương dựa trên tốc độ tăng năng suất lao động, chỉ số giá cả, khả năng chi trả của doanh nghiệp. Đây là bài toán hài hòa lợi ích.
"Chúng tôi sẽ tập trung làm tốt vai trò điều phối ba bên trong Ủy ban quan hệ lao động gồm: cơ quan quản lý nhà nước về lao động, đại diện của giới chủ (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI), đại diện cho người lao động là Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.