Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Long An có tổng số 20 ca mắc COVID-19, đã xuất viện 9 ca, 3 ca nặng chuyển điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, các ca còn lại tình hình sức khỏe ổn định.
Sau 1 ngày triển khai thực hiện Công văn 5183 của UBND về việc áp dụng các biện pháp quản lý đối với trường hợp từng đến, trở về từ các địa phương đang thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong ngày 5/6, các huyện trên địa bàn tỉnh đã ban hành quyết định cách ly tại nhà cho 420 trường hợp từ các địa phương khác vào Long An, không có trường hợp cách ly tập trung.
Tại hội nghị, đại diện các các địa phương cho biết, khi áp dụng Công văn 5183, số người dân từ thành phố và các địa phương khác về địa bàn giảm nhiều, tuy nhiên còn nhiều những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện như: nhiều hộ nghèo không có chi phí chi trả cho xét nghiệm; nhu cầu đi lại khám chữa bệnh, sinh hoạt, làm việc, giao thương hàng hóa giữa Long An và TP Hồ Chí Minh rất lớn, đặc biệt là huyện Cần Giuộc xe qua lại nhiều, các chốt không kiểm soát hết. Đại diện huyện Mộc Hóa cho biết, quy trình lấy mẫu xét nghiệm còn gặp nhiều khó khăn... Quỹ đầu tư phát triển tỉnh Long An kiến nghị Ban Chỉ đạo cung cấp thêm các số đường dây nóng để các sở, ngành, địa phương khi có vướng mắc liên hệ để được hướng dẫn thực hiện…
Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Út khẳng định, Long An không “ngăn sông cấm chợ”, thực hiện đúng quy định phòng, chống dịch COVID-19, kiểm soát chặt chẽ những người về từ vùng đang áp dụng Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm những quy định tại Công văn 5183, các cấp, ngành cần tiếp tục tuần tra kiểm soát chặt chẽ biên giới nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng xuất nhập cảnh trái phép.
Các địa phương cần tập trung làm tốt việc sửa chữa các khu cách ly tập trung, đáp ứng tốt nhu cầu phòng, chống dịch an toàn, bảo đảm không lây nhiễm chéo trong khi năng lực điều trị của địa phương còn hạn chế. Bên cạnh đó, các công ty cần xây dựng kịch bản tự cách ly tập trung khi có tình huống đột xuất xảy ra. Hiện nay, theo báo cáo của các địa phương, mỗi ngày đều có các trường hợp F1 trở về trên địa bàn tỉnh, theo đó, các ban, ngành, địa phương cần tiếp tục kiểm soát ngay từ đầu, truy vết nhanh, khoanh vùng gọn các trường hợp F1, F2 để kịp thời chủ động các giải pháp phòng, chống dịch.
Về việc xét nghiệm nhanh tại các khu cụm công nghiệp, do lượng công nhân trên địa bàn quá lớn với khoảng 370.000 công nhân lao động, tỉnh sẽ giao Sở Y tế tìm hiểu, lựa chọn và thử nghiệm kit test nhanh COVID-19, nhằm tiết kiệm chi phí, thời gian và nguồn lực xét nghiệm.
Về tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân và công nhân lao động, ông Nguyễn Văn Út cho biết "đây đang là khó khăn lớn do chúng ta không chủ động được loại vaccine và giá. Tỉnh sẽ tiếp tục cân nhắc dựa trên số lượng người dân, công nhân lao động do doanh nghiệp và địa phương rà soát, thống kê và đăng ký tiêm vaccine, nhằm phục vụ nhu cầu tiêm vaccine vì sức khỏe người dân".