Vaccine phòng COVID-19 được sử dụng cho người dân trên nguyên tắc đảm bảo sự tự nguyện đóng góp, hoạt động công khai, minh bạch và đúng quy định của pháp luật. Tính đến 16 giờ ngày 4/6, Quỹ vaccine phòng COVID-19 đã tiếp nhận được khoảng 264,8 tỷ đồng, hơn 8.700 USD và hơn 2.700 EUR.
Với sáng kiến Quỹ vaccine phòng COVID-19, đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam đánh giá cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm của nhân dân trong cuộc chiến chống "giặc COVID-19".
Đánh giá cao sáng kiến của Việt Nam
Theo các tính toán, để đạt được miễn dịch cộng đồng, Việt Nam cần có 150 triệu liều vaccine phòng COVID-19 để tiêm phòng cho khoảng 75 triệu người dân. Tổng kinh phí ước tính hơn 25.000 tỷ đồng. Cùng với đó, dịch bệnh được dự báo chưa thể kết thúc sớm, "sống chung với dịch bệnh" trở thành yêu cầu thường trực, hiệu lực của vaccine lại không kéo dài, việc tiêm vaccine phải tiến hành định kỳ. Tất cả những điều này đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn trong khi đất nước còn nhiều khó khăn, ngân sách hạn hẹp. Mỗi đóng góp của người dân vào Quỹ vaccine phòng COVID-19 đều hướng tới mục tiêu cuộc sống an toàn hơn của bản thân, gia đình, cộng đồng và cả xã hội.
Trong bối cảnh như vậy, việc thành lập Quỹ vaccine phòng COVID-19 kêu gọi mọi tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tự nguyện tham gia đóng góp, tài trợ, hỗ trợ cho Quỹ vaccine phòng COVID-19. Các tổ chức quốc tế tại Việt Nam đánh giá cao sáng kiến này của Việt Nam.
Theo Tiến sỹ Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, việc huy động các nguồn lực để nâng cao khả năng tiếp cận vaccine COVID-19 của Chính phủ Việt Nam rất kịp thời, phù hợp với sáng kiến vaccine toàn cầu. Chính phủ Việt Nam rất nỗ lực để huy động nguồn lực từ ngân sách nhưng thực tế vẫn cần nhiều nguồn lực hơn nữa. Việc Chính phủ quản lý và sử dụng công bằng, hiệu quả nguồn lực từ người dân, doanh nghiệp tư nhân sẽ mang lại giá trị mới cho chiến lược ứng phó với COVID-19.
"Chính sự đoàn kết này sẽ giúp Việt Nam chấm dứt đại dịch. Hy vọng Việt Nam sẽ tiếp tục là một ví dụ cho cách tiếp cận toàn dân trong việc kết thúc đại dịch", Tiến sỹ Kidong Park nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam cho rằng: "Đây là một sáng kiến hay, là điều Liên hợp quốc đã ủng hộ trong nhiều tháng nay".
Dưới góc độ của Liên hợp quốc, ông Kamal Malhotra cho rằng chỉ nên có một quỹ ở tầm quốc gia, đặt dưới dự giám sát tổng thể và sự chỉ đạo của Chính phủ, thay vì có nhiều quỹ cạnh tranh nhau. Dịch COVID-19 được coi là điều chưa có tiền lệ trong 1 thế kỷ qua, là tình huống khẩn cấp quốc gia cho bất cứ thể chế nào. Chỉ có Chính phủ mới đủ tầm và năng lực điều phối quỹ này.
Đẩy nhanh tiếp cận vaccine cho người dân
Chúc mừng Chính phủ Việt Nam ra mắt Quỹ vaccine phòng COVID-19, bà Carollyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết, việc tiêm vaccine phòng COVID-19 nhanh và hiệu quả là biện pháp cần thiết và quan trọng để đảm bảo an toàn cho người dân, thúc đẩy phục hồi kinh tế. Bà Carollyn Turk tin tưởng, Chính phủ Việt Nam đang có bước đi đúng đắn trong việc đẩy nhanh tiếp cận vaccine cho người dân.
Bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho biết, UNDP đã thực hiện một nghiên cứu về trải nghiệm của người dân về dịch COVID-19. "Kết quả cho thấy sự ủng hộ thực sự rộng khắp của người dân Việt Nam đối với các quyết sách phòng, chống dịch COVID-19 của Chính phủ".
Bên cạnh đó, theo bà Caitlin Wiesen, mức độ lan tỏa và ủng hộ của người dân Việt Nam với các quyết sách của Chính phủ cao ở mức đặc biệt so với các nước khác trên thế giới. Do đó, bà tin tưởng, tất cả mọi người dân, đặc biệt các doanh nghiệp, người có tiềm lực tài chính sẽ đồng lòng ủng hộ lời kêu gọi của Chính phủ, tích cực tham gia đóng góp vào Quỹ vaccine phòng COVID-19.
Chia sẻ về sáng kiến thành lập Quỹ vaccine phòng COVID-19 của Việt Nam, Đại sứ Giorgio Aliberti, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho rằng, việc lập quỹ là một phần quan trọng trong chiến lược tổng thể ứng phó với dịch COVID- 19 của Việt Nam. Đồng thời, Đại sứ tin tưởng, trong chiến lược này, Chính phủ Việt Nam đóng vai trò then chốt trong việc huy động và kết nối các nguồn lực. "Điều này cho thấy, Chính phủ đã nắm bắt được đầy đủ về nhu cầu, cần phải có những bước đi nhanh hơn nữa. Đây là điều rất tích cực", Đại sứ Giorgio Aliberti chia sẻ.