Thưa Chủ tịch Thượng viện, Việt Nam và Pháp sẽ kỷ niệm 50 năm quan hệ song phương và 10 năm quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2023. Xin ông đánh giá về sự kiện này?
Có thể đánh giá một cách tích cực nhất về quan hệ giữa Việt Nam và Pháp. Từ quá khứ đa dạng, phức tạp với nhiều thời điểm khó khăn, thậm chí là chiến tranh, hai nước đã chắt lọc, giữ lại những điều tốt đẹp nhất và giúp quan hệ tiến lên. Đây là kỳ tích chung của Việt Nam và Pháp. Hợp tác giữa hai nước thời gian qua đi vào cụ thể, đáp ứng các ưu tiên chung.
Vì sự thịnh vượng kinh tế của mỗi bên, Việt Nam và Pháp đều có tinh thần xây dựng, hướng tới sự hiện đại, khoa học và công nghệ, quan tâm đến các lĩnh vực trong tương lai như không gian, năng lượng sạch và tái tạo, giao thông… Nay mai, người dân Hà Nội sẽ được sử dụng tuyến tàu điện ngầm mới do Pháp tài trợ một phần, do một số công ty lớn của Pháp xây dựng và trang bị, hệ thống này sẽ giúp họ di chuyển an toàn hơn, ít ô nhiễm hơn và nhanh hơn. Các công ty Pháp khi tham gia các dự án luôn thể hiện sự tin cậy, công bằng trong chia sẻ giá trị và lợi ích kinh tế, đảm bảo tính bền vững và chất lượng.
Việt Nam luôn nhận được sự hỗ trợ của Pháp vào những thời điểm quan trọng. Pháp là một trong những quốc gia ủng hộ mạnh mẽ nhất để Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh Châu Âu và Việt Nam có hiệu lực. Pháp cũng đánh giá cao vai trò nổi bật của Việt Nam trong ASEAN, đặc biệt khi Việt Nam đảm nhiệm vị trí Chủ tịch vào năm 2020. Trao đổi thương mại hai chiều tiếp tục được mở rộng (đạt gần 7 tỷ Euro vào năm 2021). Ngày càng có nhiều sản phẩm nhập khẩu vào Pháp và châu Âu có khâu sản xuất tại Việt Nam.
Pháp tự hào đã đồng hành cùng Việt Nam 50 năm trên con đường vì sự tiến bộ. Hợp tác giáo dục là một ví dụ thành công, với các dự án liên kết đại học về khoa học và công nghệ (USTH), quản lý (CFVG) hoặc kỹ thuật (PFIEV). Trong ngành y, 3.000 bác sĩ Việt Nam đã được đào tạo tại Pháp. Khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Việt Nam đã kịp thời cung cấp khẩu trang cho Pháp, trong khi Pháp cũng đáp ứng kịp thời nhu cầu về vaccine cho Việt Nam.
Ngoài các yếu tố lợi ích, quan hệ Việt Nam và Pháp còn có khía cạnh nhân văn. Hiện có 300.000 người Việt Nam tại Pháp, tham gia mọi mặt trong đời sống kinh tế, xã hội. Giữa hai dân tộc có nhiều điểm chung, gắn bó và ảnh hưởng lẫn nhau về di sản, ẩm thực, phong cách sống. Có thể nói quan hệ hai nước thời gian qua là 50 năm chia sẻ và tin cậy, trong sự tôn trọng chủ quyền và tôn trọng sự khác biệt.
Theo Chủ tịch Thượng viện, trong thời gian tới hai nước cần làm gì để phát huy các tiềm năng, vượt qua các thách thức nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược này?
Pháp và Việt Nam chia sẻ các nguyên tắc trong quan hệ quốc tế, đó là tuân thủ luật pháp quốc tế, giải quyết các tranh chấp bằng con đường hòa bình, đối thoại và đa phương hóa. Pháp có nhiều lợi ích và lý do để đóng góp vào sự ổn định của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đặc biệt là tôn trọng sự lưu thông tự do hàng hải. Tôi muốn nhấn mạnh cam kết kiên định của Pháp đối với các nguyên tắc tự do hàng hải và hàng không, điều mà Việt Nam và nhiều nước ở khu vực Biển Đông cùng chia sẻ. Khi Việt Nam đảm nhận những trọng trách ngày càng lớn trên trường quốc tế, và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có tầm quan trọng chiến lược ngày càng cao, việc tăng cường hợp tác giữa hai nước chúng ta trong lĩnh vực này trở thành một ưu tiên cấp bách.
Một vấn đề quan trọng trước mắt cần hai nước hợp tác, đó là huy động các nguồn lực để hạn chế quy mô và khắc phục những hậu quả của biến đổi khí hậu. Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) hiện đang giúp thực hiện một số dự án thích ứng với biến đổi khí hậu như bảo tồn bờ biển và đồng bằng sông Cửu Long và sông Hồng. AFD và Tập đoàn điện lực EDF cũng đang hợp tác với Điện lực Việt Nam EVN trong nỗ lực chuyển đổi năng lượng, phù hợp với tuyên bố của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại COP26, và chúng tôi hy vọng sẽ sớm đạt được trong khuôn khổ Đối tác giữa Việt Nam - G7 về Chuyển đổi Năng lượng công bằng (JET-P).
Những khía cạnh khác trong quan hệ đối tác hai nước vẫn có thể tiếp tục làm sâu sắc thêm như trong lĩnh vực văn hóa và di sản, giáo dục đào tạo, y tế, luật, nghiên cứu, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực không gian. Trước mắt, hai nước sẽ cùng nhau tìm ra phương án để cải tạo cầu Long Biên, cây cầu mà người dân Hà Nội nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung đã rất gắn bó!
Xin Chủ tịch Thượng viện cho biết về quan hệ hợp tác nghị viện giữa Pháp và Việt Nam?
Mối quan hệ liên nghị viện đóng vai trò quan trọng trong hợp tác giữa hai nước, đóng góp tích cực vào đối thoại và hiểu biết lẫn nhau. Tôi hy vọng rằng trao đổi nghị viện giữa hai nước sẽ tiếp tục được tăng cường. Chúng ta có một trong những thỏa thuận hợp tác lâu đời nhất giữa Thượng viện Pháp và Quốc hội Việt Nam, được ký kết từ năm 2003, và đây cũng là một trong những nhóm hữu nghị hoạt động tích cực nhất. Các lĩnh vực hợp tác rất rộng, xung quanh hoạt động nghị viện, về những chủ đề cùng quan tâm trong lĩnh vực y tế, phát triển bền vững, môi trường, chính sách xã hội...
Ở Pháp, Thượng viện đại diện cho chính quyền địa phương - thị trấn, làng, tỉnh, vùng... Một cách tự nhiên, trong chuyến thăm tới Việt Nam, tôi muốn nhấn mạnh mối liên kết giữa chính quyền địa phương Pháp và các đối tác ở Việt Nam. Hợp tác giữa các địa phương là một trụ cột cơ bản trong quan hệ Pháp và Việt Nam, và đã có những kết quả cụ thể như hợp tác giữa Hà Nội với vùng Ile de France và vùng đô thị Toulouse trong việc tôn tạo một số khu phố lịch sử hoặc quản lý phát triển đô thị; giữa Lào Cai với vùng New Aquitaine vì mục tiêu du lịch bền vững, bảo vệ môi trường; hợp tác đào tạo tiếng Pháp…
Xin Chủ tịch Thượng viện chia sẻ ý nghĩa chuyến thăm chính thức lần này tới Việt Nam?
Đây là chuyến thăm đầu tiên của một Chủ tịch Thượng viện Pháp tới Việt Nam kể từ năm 2008. Đây cũng là chuyến thăm châu Á đầu tiên của tôi kể từ khi được bầu lại làm Chủ tịch Thượng viện vào năm 2014. Lựa chọn Việt Nam không phải ngẫu nhiên mà xuất phát từ mối quan hệ sâu sắc giữa hai nước cùng triển vọng hợp tác trong tương lai.
Chuyến thăm lần này là sự kiện nối lại trao đổi ở cấp cao nhất giữa hai nước sau đại dịch COVID-19, tiếp sau chuyến thăm chính thức Pháp vào tháng 11/2021 của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Chuyến thăm cũng thể hiện sự gắn bó Pháp đối với Việt Nam, đồng thời khẳng định sự tin tưởng vào quan hệ hợp tác giữa hai nước, tin tưởng vào tình bạn giữa hai bên và những điều chúng ta có thể cùng nhau đạt được.
Nhân dịp này, tôi sẽ cùng Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát động các hoạt động kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Pháp và Việt Nam. Hiện cơ quan đại diện ngoại giao Pháp cùng các đối tác Việt Nam đang làm việc tích cực để xây dựng các hoạt động kỷ niệm trong năm 2023, với điểm nhấn là các sự kiện cộng đồng như triển lãm, lễ hội, hội họp cùng các hoạt động chính trị và ngoại giao. Chuyến thăm chỉ là sự khởi đầu cho một năm hứa hẹn sẽ rất phong phú và hiệu quả.
Vậy Chủ tịch Thượng viện cho biết các hoạt động trong chuyến thăm này, và ông kỳ vọng gì vào chuyến thăm này?
Trước tiên tôi xin cảm ơn Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã gửi lời mời. Tôi mong được trao đổi với ngài Chủ tịch cùng các lãnh đạo Việt Nam để củng cố quan hệ vững chắc, trước sau như một giữa Nghị viện hai nước.
Tôi sẽ vinh dự và hân hạnh được cùng với Chủ tịch Quốc hội chủ trì Lễ phát động các hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, trong đó sẽ công bố logo của các hoạt động này cũng như một số thông tin về các hoạt động được lên kế hoạch cho năm 2023. Tôi cũng dự lễ khánh thành cơ sở mới của Viện Pháp tại Hà Nội, đặt tại hai biệt thự di sản được Pháp trùng tu. Viện Pháp sẽ hướng đến những đối tượng công chúng mới, đặc biệt là giới trẻ, đồng thời có sứ mệnh quảng bá ngôn ngữ Pháp.
Nhân dịp này, tôi sẽ gặp gỡ người dân Việt Nam khi đến thăm công trường xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 3 sắp được khai trương của Hà Nội cùng một số dự án quy hoạch đô thị hoặc trùng tu di sản do Pháp thực hiện hoặc tham gia thực hiện với các đối tác khác, ví dụ như Bờ hồ Hoàn Kiếm hoặc một số biệt thự từ thời Pháp đang được trùng tu. Đến Hà Nội, tôi cũng sẽ ghé thăm những địa danh có truyền thống lâu đời mà tôi vô cùng ngưỡng mộ như Văn Miếu, Viện Viễn Đông Bác cổ; gặp gỡ cộng đồng người Pháp và doanh nghiệp Pháp tại Việt Nam. Đây là những nhân tố toàn diện góp phần vào sự năng động và thành công của Việt Nam.