Luật Thủ đô (sửa đổi) tương đối đầy đủ, toàn diện
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, trong quá trình chỉnh lý dự thảo Luật, hiện còn một nội dung quy định về biên chế cán bộ, công chức, số lượng viên chức của thành phố Hà Nội (điểm d khoản 1 Điều 10) được đề nghị tiếp tục xin ý kiến.
Cụ thể, tại Thông báo số 1955/TB-VPQH của Văn phòng Quốc hội đã đề nghị xem xét, tăng thẩm quyền cho thành phố Hà Nội chủ động quyết định biên chế cán bộ, công chức, số lượng viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập.
Trên cơ sở Thông báo số 1955/TB-VPQH của Văn phòng Quốc hội và yêu cầu của thực tiễn, dự thảo Luật quy định trên tổng số biên chế cán bộ, công chức, viên chức được cơ quan có thẩm quyền giao, thành phố Hà Nội được tăng thêm biên chế từ nguồn biên chế dự phòng căn cứ vào khung danh mục vị trí việc làm, quy mô dân số, thực trạng khối lượng công việc, mức độ hiện đại hóa trang thiết bị, phương tiện làm việc, đặc điểm an ninh, chính trị, an toàn xã hội trên địa bàn và khả năng cân đối ngân sách của thành phố Hà Nội để bảo đảm các chi phí cho biên chế tăng thêm. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đề xuất cơ quan có thẩm quyền quyết định cụ thể về số lượng biên chế tăng thêm.
Quy định này nhằm bảo đảm tính linh hoạt, chủ động cho thành phố Hà Nội trong việc quyết định biên chế. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng quy định này có nội dung khác với quy định của Đảng về quản lý hệ thống biên chế của hệ thống chính trị. Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Quy định số 70-QĐ/TW ngày 18/7/2022 của Ban Chấp hành trung ương về quản lý biên chế của hệ thống chính trị thì Bộ Chính trị “Quyết định tổng biên chế và biên chế dự phòng của hệ thống chính trị theo nhiệm kỳ 5 năm và khi cần thiết; quyết định giao biên chế cho các cơ quan, tổ chức được giao thẩm quyền quản lý biên chế”.
“Do vậy, Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định việc xin ý kiến của Bộ Chính trị”, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết.
Thẩm tra sơ bộ dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật (UBPL) của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết: Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã thể hiện tương đối đầy đủ, toàn diện 9 nhóm chính sách mà Chính phủ trình Quốc hội khi lập đề nghị xây dựng Luật; dự thảo Luật có nhiều nội dung mang tính đột phá, đặc thù, nhiều nội dung thể hiện sự kế thừa, bổ sung và phát triển hơn so với Luật Thủ đô hiện hành mà qua tổng kết thực tiễn thấy rằng vẫn tiếp tục phát huy giá trị.
Liên quan đến tổ chức chính quyền tại Thủ đô, Chủ nhiệm UBPL Hoàng Thanh Tùng cho rằng, việc củng cố, nâng cao năng lực của HĐND thành phố Hà Nội thông qua việc tăng số lượng đại biểu HĐND Thành phố, tăng số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách và tăng số Phó Chủ tịch HĐND Thành phố là cần thiết, bảo đảm khả năng đảm đương thêm các nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền theo luật và phù hợp với yêu cầu tổ chức chính quyền đô thị. Tuy nhiên, đây là vấn đề quan trọng, liên quan đến việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương và Bộ Chính trị nên cần được báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trước khi quy định trong dự thảo Luật để trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Về quy hoạch và quản lý đô thị, cơ bản tán thành với các quy định như dự thảo Luật, tuy nhiên để bảo đảm tính khả thi, tránh chồng chéo, mâu thuẫn với các quy định khác của pháp luật có liên quan, Chủ nhiệm UBPL Hoàng Thanh Tùng đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo lưu ý một số nội dung như: Cần có các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về quy hoạch trên địa bày; bổ sung quy định về nguồn vốn lập quy hoạch và việc lựa chọn đơn vị tư vấn trong công tác lập quy hoạch; cụ thể hóa nguyên tắc quản lý và sử dụng không gian ngầm phải bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh, gắn với công tác phòng thủ dân sự...
Đối với các chính sách tài chính, ngân sách và huy động nguồn lực phát triển Thủ đô, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, quy định cụ thể hơn một số nội dung để bảo đảm tính khả thi. Chẳng hạn: xác định tổng mức dư nợ vay không vượt quá 120% số thu ngân sách thành phố Hà Nội được hưởng theo phân cấp (khoản 4 Điều 35); nghiên cứu để có các quy định phù hợp với điều kiện thực tế của Hà Nội trong phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) (Điều 39), thực hiện mô hình thử nghiệm có kiểm soát (Điều 41) và quản lý tài sản công (Điều 42); các chính sách ưu đãi về thuế, chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư chiến lược (Điều 45)…
Chủ nhiệm UBPL Hoàng Thanh Tùng cũng cho biết, Thường trực UBPL tán thành cần thiết có các quy định về cơ chế liên kết, phát triển vùng Thủ đô trong dự thảo Luật nhưng về nội dung, nội hàm của việc liên kết vùng thì cần được tiếp tục nghiên cứu, làm rõ để bảo đảm thiết thực, khả thi, xử lý được những vướng mắc, bất cập hiện nay.
Về áp dụng Luật Thủ đô (Điều 4), Thường trực UBPL và các cơ quan tham gia thẩm tra đều cho rằng, việc sửa đổi quy định về điều khoản áp dụng pháp luật là rất cần thiết và có ý nghĩa quan trọng đối với việc bảo đảm hiệu lực thi hành của Luật.
Tuy nhiên, quy định về áp dụng Luật Thủ đô như dự thảo Luật do Chính phủ trình: Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật khác có quy định cơ chế, chính sách ưu đãi hoặc thuận lợi hơn quy định của Luật này thì đối tượng được ưu đãi được lựa chọn áp dụng mức ưu đãi có lợi nhất (khoản 2 Điều 4) sẽ khó bảo đảm tính khả thi và hiệu quả như mong muốn, có thể gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước bởi cùng một việc xảy ra trên địa bàn Thủ đô nhưng sẽ có nhiều biện pháp xử lý khác nhau, tạo ra sự thiếu đồng bộ, thiếu thống nhất trong áp dụng pháp luật.
Một số ý kiến trong Thường trực UBPL và trong Thường trực Ủy ban Tư pháp đề nghị nghiên cứu, quy định theo hướng trường hợp luật, nghị quyết khác của Quốc hội ban hành sau ngày Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành có quy định cơ chế, chính sách thuận lợi hơn cho xây dựng, phát triển, bảo vệ Thủ đô thì việc áp dụng do HĐND thành phố Hà Nội quyết định (tương tự như các nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các tỉnh, thành phố).
Tuy nhiên, đề nghị quy định trình tự, thủ tục để HĐND Thành phố quyết định vấn đề này nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch, thống nhất trong quá trình tổ chức thực hiện.
Một số ý kiến khác đề nghị Chính phủ và các Bộ, ngành, trong quá trình soạn thảo, trình Quốc hội các dự án luật, nghị quyết thì cần xem xét, đánh giá về nội dung các quy định trong dự thảo các văn bản này với việc thực hiện các quy định của Luật Thủ đô; trường hợp có nội dung vẫn cần thực hiện theo quy định của Luật Thủ đô thì phải chỉ rõ trong dự thảo văn bản sắp ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung quy định có liên quan của Luật Thủ đô nếu cần có chính sách ưu đãi hơn.
Thủ đô phải có cơ chế đặc thù, vượt trội
Góp ý kiến về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), đa số ý kiến tán thành với hồ sơ dự án Luật do Chính phủ chuẩn bị và cơ quan thẩm tra sơ bộ. Có ý kiến cho rằng, Luật Thủ đô phải có cơ chế đặc thù, vượt trội nhưng không được chồng chéo với các luật khác.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho rằng: Về không gian ngầm, đối với Thủ đô, không gian ngầm gắn quản lý xây dựng với yếu tố quốc phòng, an ninh về trước mắt và cả lâu dài rất quan trọng. Cần gắn với việc xây dựng, quản lý và sử dụng lưỡng dụng nên các chính sách của Hà Nội trong Luật Thủ đô cũng cần có chính sách đặc thù hơn các địa phương khác nhưng trong dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) đặc thù về quốc phòng, an ninh thì chưa thấy có gì vượt trội hơn.
Thực tế đặt ra cho thấy Thủ đô là nơi tập trung đông người, thời gian qua có tình trạng người dân các địa phương kéo về Thủ đô khiếu kiện đông người, cho nên lực lượng an ninh, bảo vệ cũng cần rất nhiều người để bảo vệ an ninh. “Vậy trong dự thảo Luật có đặt ra vấn đề cần tăng cường lực lượng an ninh cho Thủ đô không. Công an Hà Nội và Bộ Tư lệnh Thủ đô sẽ như thế nào?”, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới đặt câu hỏi.
Phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề trong Luật Thủ đô (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: "Hà Nội không chỉ cạnh tranh trong nước nữa mà khu vực thế giới phấn đấu phát triển ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực và đến 2045, Thủ đô Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu”.
Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cho rằng Thủ đô Hà Nội là một đô thị đặc biệt, ngoài chức năng là Thủ đô thì còn là một đô thị đặc biệt. Vì vậy, dự án Luật Thủ đô tiếp tục cần phải rà soát để các cái quy định liên quan đến quản trị đô thị đặc biệt để thể chế hóa được vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ đô.
Chủ tịch Quốc hội nhất trí về việc thực chất đây là một đạo luật về phân cấp, phân quyền, và phân cấp, phân quyền phải toàn diện các lĩnh vực. Bên cạnh đó, phân cấp, phân quyền toàn diện nhưng lại phải trọng tâm, trọng điểm.
Thủ đô đã có Nghị quyết riêng về công nghiệp văn hóa, Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát lại trong nghị quyết về công nghiệp văn hóa của Thủ đô có thể luật hóa được trong Luật Thủ đô để tạo điều kiện cho ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô phát triển; nghiên cứu cho Hà Nội có thẩm quyền và quy định những cái khác biệt so với các nơi khác về xử lý vi phạm về phòng cháy, chữa cháy; về chính sách huy động vốn, ngoài định mức đã được quy định, cần thiết phải có cơ chế huy động nguồn vốn để đáp ứng những nhu cầu cấp bách của thành phố...
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng: Sửa đổi Luật Thủ đô lần này cần làm sao để Thủ đô có cơ chế đặc thù vượt trội hơn để bứt phá đi lên.
Đồng quan điểm này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng: Trong thể chế chung thì Thủ đô cần có thể chế riêng. “Không phải cái gì cũng đi xin ý kiến các bộ, ngành, sau đó chờ được đồng ý thì mới làm đã muộn”, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nói.
Thủ đô cần đột phá về cơ chế, hạ tầng và nguồn nhân lực. Đây không chỉ là điều kiện cần mà còn là nhu cầu, thế mạnh của Thủ đô. Phạm vi điều chỉnh Luật phải rộng hơn, các điều khoản áp dụng phải vượt trội, đặc thù, cần thiết. Hà Nội phải là đầu tàu liên kết vùng “Đừng để đầu tàu lại chạy chậm hơn toa tàu”, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh.
Thay mặt lãnh đạo thành phố Hà Nội phát biểu tại phiên họp, nhất trí cao với các ý kiến thảo luận về Luật Thủ đô, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đề nghị cần phân cấp thêm cho HĐND thành phố, Thường trực HĐND thành phố để giải quyết những vấn đề quan trọng của thành phố.
Về định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá trong luật đã nêu, đồng chí Đinh Tiến Dũng cho rằng quy chuẩn, tiêu chuẩn, nhất là cái quy chuẩn, tiêu chuẩn cho quy hoạch, cho xây dựng cần giao được Thủ đô quyết định.
“Qua cái vụ cháy chung cư mini vừa qua thì thấy vô cùng bất cập. Nếu theo quy hoạch ở đây thì có thể được xây động 6 tầng, nhưng 6 tầng thì cũng vô cùng bất cập. Phải chăng khu này nó chỉ là 2-3 tầng thôi”, Bí thư Thành ủy Hà Nội nói.
Vấn đề di dời cơ sở ô nhiễm y tế, trường học ra khỏi nội đô, đề nghị giao cho thành phố bỏ tiền ngân sách thành phố và thực hiện theo quy hoạch; cơ chế nữa là hỗ trợ cho các cơ quan trung ương di chuyển trụ sở, cải tạo trụ sở cũng nên thực hiện bằng ngân sách thành phố. Đối với lĩnh vực đầu tư, Bí thư Thành ủy cho rằng là không nên quy định tối đa thành phố được quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công tối đa 20.000 tỷ đồng. Theo quy định thì dự án trên 10.000 nghìn tỷ đồng là dự án quan trọng quốc gia, phải báo cáo Quốc hội, mất nhiều thời gian và thủ tục.
Nhấn mạnh công tác phân quyền quyết định chủ trương đầu tư, rút kinh nghiệm từ dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, thành phố đã quyết liệt thực hiện các dự án đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư trên địa bàn nhưng những thủ tục đi theo vẫn còn đang nằm ở các bộ, ngành. Bí thư Thành ủy cho rằng, đã giao cái lớn nhất rồi thì những cái nhỏ còn lại nên giao hết cho Hà Nội, pháp luật liên quan phải theo chủ trương thì như vậy thì mới đồng bộ.
Về phân cấp, phân quyền, đồng chí Đinh Tiến Dũng cho biết, vấn đề phân cấp, phân quyền đã rõ ràng thì đề nghị được quy định rõ luôn trong dự thảo luật. Thành phố sẽ rà soát thêm và khẳng định, đã phân quyền, phân cấp phải đồng thời đi đôi với kiểm soát quyền lực và chịu trách nhiệm.