Bổ sung các luận cứ hoàn thiện Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)

Ngày 1/8, Đảng ủy Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, Sở Tư pháp và Trường Đại học Luật Hà Nội phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học góp ý Luật Thủ đô (sửa đổi).

Chú thích ảnh
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: TTXVN phát

Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế và Thành ủy, UBND, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố cùng đông đảo các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành trên các lĩnh vực đến từ hơn 80 trường đại học, cao đẳng, học viện và đại học. 

Hội thảo được tổ chức nhằm cung cấp các luận chứng khoa học, góp phần hoàn thiện Luật Thủ đô, đáp ứng yêu cầu phát triển mới của thành phố. Qua đó, tuyên tuyền, phổ biến rộng rãi đến cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao về nhận thức, quan điểm, quá trình triển khai xây dựng chính sách, đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), góp phần hiện thực hóa các mục tiêu xây dựng, phát triển Thủ đô theo Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Tại hội thảo, các đại biểu thảo luận các nhóm chính sách lớn như tổ chức chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thu hút, sử dụng nguồn lực chất lượng cao phục vụ phát triển Thủ đô; nâng cao năng lực tài chính, ngân sách và huy động nguồn lực cho phát triển của Thủ đô, phát triển đô thị và cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông; phát triển hệ thống y tế hiện đại và hệ thống an sinh xã hội Thủ đô toàn diện, bền vững...

Tiến sĩ Chu Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, Thủ đô Hà Nội là đô thị đặc biệt trực thuộc Trung ương, là trung tâm chính trị - hành chính; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ... của đất nước có lịch sử hàng ngàn năm với nhiều sắc thái văn hóa. Các đặc trưng đó chi phối đến quy hoạch, thiết kế mô hình và phương thức quản lý Thủ đô. Vì vậy, Luật Thủ đô (sửa đổi) phải xem xét Hà Nội với tư cách là một đô thị, chức năng của đô thị với các đặc điểm của vị trí địa lý, sắc thái văn hóa, tập quán dân cư, mối quan hệ tương tác trong vùng... đảm bảo thiết kế phù hợp dựa trên nguyên lý chung về tổ chức không gian đô thị đồng thời tính toán được những đặc trưng của Hà Nội.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học Nông nghiệp Việt Nam nêu ý kiến, khung pháp lý của thành phố Hà Nội được thể hiện trong Luật Thủ đô năm 2012 không còn đáp ứng được yêu cầu phát triển Thủ đô trong bối cảnh mới. Do đó, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã và đang từng bước được hoàn thiện là cần thiết và cần sớm được ban hành để thực thi. Dự thảo Luật Thủ đô đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung mới với 26 điều luật mới, tương đương với quy mô 27 điều của Luật Thủ đô năm 2012. Trong đó, các nội dung về khoa học công nghệ, đào tạo và nông nghiệp, quản lý tài nguyên thiên nhiên được bổ sung nhiều điểm mới và luật hóa trong Dự thảo Luật lần này và khi được Quốc hội thông qua sẽ tạo động lực to lớn cho sự phát triển bền vững của Thủ đô Hà Nội nói riêng và của đất nước nói chung.

Nhấn mạnh nhân lực là nhân tố quyết định thành công cho mọi sự đổi mới, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội kiến nghị Hà Nội được quyền xây dựng các quy định, tiêu chuẩn phù hợp trong tuyển dụng. Hà Nội được phép ký kết đào tạo đội ngũ không chỉ trong nước mà cả với các đối tác quốc tế; có cơ chế thí điểm hợp đồng giáo viên nước ngoài đảm bảo chất lượng giảng dạy cả trong hệ thống công lập; được quyền công nhận chương trình, được quyền trao đổi học sinh với các đối tác.

Đối với lĩnh vực y tế, Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Tạ Thành Văn, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Y Hà Nội nêu ý kiến, Hà Nội cần có chế độ đãi ngộ, quy định về khám chữa bệnh và cơ chế chi trả bảo hiểm y tế phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa và tính đặc thù của địa bàn Thủ đô; quy định về cơ chế tài chính, dịch vụ khám chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế hợp lý để khuyến khích phát triển đội ngũ bác sĩ làm việc cho cơ sở y tế ngoài công lập; tạo mối liên hệ có tính hệ thống giữa cơ sở y tế công lập và ngoài công lập.

Chú thích ảnh
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: TTXVN phát

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, cùng một thời điểm, Hà Nội có 3 nhiệm vụ (hoàn thiện Luật Thủ đô (sửa đổi), Quy hoạch Thủ đô và điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội), đang triển khai đồng loạt, nếu làm tốt sẽ giúp cho Hà Nội có sự phát triển nhanh, bền vững. Đây là 3 việc quan trọng, có mối liên hệ mật thiết với nhau. Trong quá trình triển khai, cần phải tranh thủ, tận dụng những ý kiến, tâm huyết, nhiệt tình, trách nhiệm của các giới, ngành đặc biệt là giới trí thức đến từ các học viện, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Thủ đô. 

Ông Nguyễn Văn Phong khẳng định, Hà Nội có thế mạnh riêng so với các địa phương khác đó là số lượng lớn các trường đại học, viện nghiên cứu trên địa bàn, đây là nguồn lực quan trọng để phát huy các thế mạnh. Luật Thủ đô để Hà Nội phát huy hết tiềm năng, thế mạnh, để thực hiện tốt sứ mệnh, không đơn thuần là Thủ đô hành chính, chính trị mà còn là trung tâm kinh tế lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục đào tạo, hội nhập quốc tế. Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ tạo được cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội để Hà Nội đóng góp được nhiều hơn nữa cho cả nước. Trên cơ sở đó, đặt ra yêu cầu Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) phải tháo gỡ những điểm nghẽn trong quá trình phát triển để Hà Nội phát huy hết tiềm năng, thế mạnh.

Ngay sau hội thảo, các ý kiến tham luận, góp ý sẽ được thành phố Hà Nội, Ban soạn thảo, các cơ quan chức năng xem xét, nghiên cứu nhằm bổ sung các luận cứ khoa học kịp thời bổ sung, hoàn thiện Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) trình các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Nguyễn Thắng (TTXVN)
Góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)
Góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)

Ngày 17/7, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý hồ sơ dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN